Sai phạm hàng loạt tại Lạng Sơn, tỉnh hứa xử nghiêm người đứng đầu: "Đã hứa phải làm"

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan đến việc TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (2010-2017), hiện tỉnh Lạng Sơn đang xem xét xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan.

Liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ mới đây ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (giai đoạn từ 2010-2017), ngày 25/3, trao đổi với báo chí, ông Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa họp, thống nhất việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao các sở, ngành, đơn vị lập danh sách những cá nhân liên quan đến sai phạm để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.
Sai pham hang loat tai Lang Son, tinh hua xu nghiem nguoi dung dau:
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh  tại buổi công bố kết luận thanh tra.
“Kiểm điểm ai phải giao cơ quan liên quan lập danh sách các đồng chí trong thời kỳ đó là ai để kiểm điểm. Ví như trong lĩnh vực quản lý đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát lại thời kỳ đó ai ký, ai chịu trách nhiệm. Liên quan đến công tác tiếp dân thì cũng phải thống kê lại ai ít tiếp dân, trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Từ đó, Sở Nội vụ sẽ tham mưu, đề xuất việc xử lý trách nhiệm, kỷ luật cán bộ”, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Hùng Trường nói và khẳng định “Tinh thần là nghiêm túc”.
Theo ông Trường, quá trình rà soát trách nhiệm sẽ phân loại và sẽ tổ chức kiểm điểm cán bộ đương nhiệm trước, còn cán bộ đã nghỉ hưu sẽ tiến hành sau. Việc kiểm điểm cán bộ đương nhiệm dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 4/2020. Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì Ban thường vụ sẽ xử lý; còn cán bộ thuộc Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, tỉnh sẽ đề xuất Trung ương để xem xét, xử lý.
Nói về việc xem xét trách nhiệm của những người đã chuyển công tác như ông Phạm Ngọc Thưởng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (hiện là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT), Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, để lên được danh sách những người cần kiểm điểm là ai, mức độ sai phạm như thế nào thì từng cơ quan phải xác định thời điểm xảy ra sai phạm đó ứng với đồng chí nào.
Nói thêm về trường hợp ông Phạm Ngọc Thưởng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Hùng Trường cho biết, ông Phạm Ngọc Thưởng giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2017, còn trước đó là ông Vi Văn Thành.
“Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trong công tác tiếp dân thì bây giờ phải xác định trách nhiệm cụ thể của ai người đó phải chịu trách nhiệm” - ông Trường nói và cho biết, việc xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã cho ý kiến là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý thì tỉnh phải có ý kiến với Trung ương để xem xét, xử lý. Cơ quan quản lý tham mưu là Sở Nội vụ phải đề xuất cho tỉnh về cách thức thực hiện.
Khi nói về việc lo ngại “đụng chạm” khi xem xét trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo đương chức hiện nay, trong đó có là ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Hùng Trường cho hay, ông Thiệu từng làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ và hiện giờ là Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
“Nếu có “vướng” thì cũng phải chịu trách nhiệm thôi… Cái này làm theo kết luận của thanh tra, kể cả người đứng đầu tỉnh cũng phải chịu chứ. Tinh thần của tỉnh là làm nhanh nhất, ngay khi có kết luận thanh tra thì địa phương đã giao Thanh tra tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch ngay, chỉ vài ngày nữa ban hành ngay thôi”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn nói.
Dù biết rằng, sau khi chỉ ra nhiều sai phạm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (giai đoạn từ 2010-2017), Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Do vậy, việc xử lý kỷ luật, kiểm điểm sau kết luận thanh tra sẽ áp dụng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt câu hỏi về việc liệu tỉnh Lạng Sơn có nghiêm túc kỷ luật, kiểm điểm các cá nhân, tập thể sai phạm dù họ là bất cứ ai?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, khi đã có kết luận thanh tra về sai phạm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý đất đai, quản lý tài sản công hoặc các lĩnh vực khác của một địa phương, cơ quan thanh tra sẽ xác định hành vi của từng tổ chức, cá nhân để có những biện pháp xử lý như: kỷ luật phải xử phạt hành chính hoặc đề nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Tùy thuộc vào trách nhiệm của từng cán bộ, tổ chức, từng cá nhân đối với chức trách nhiệm vụ được giao và đối với những vi phạm cụ thể, cơ quan thanh tra phải chỉ ra cá nhân nào phải tổ chức nào có sai phạm, sai phạm đối với quy định nào, quy định ở đâu, đối với trách nhiệm nào, của ai, hậu quả đến đâu để có căn cứ áp dụng các biện pháp xử lý, xử phạt thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sai pham hang loat tai Lang Son, tinh hua xu nghiem nguoi dung dau:
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật đến đâu sẽ xử lý đến đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật. Nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, có lỗi và hành vi đó được bộ luật hình sự đã quy định thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể người vi phạm là ai, chức vụ như thế nào.
Ngoài ra người vi phạm là cán bộ, đảng viên thì còn xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đảng và kỷ luật công chức, kỷ luật viên chức theo quy định của pháp luật. Việc kỷ luật đảng, kỷ luật công chức, kỷ luật viên chức không thay thế các chế tài của pháp luật, những hình thức kỷ luật này sẽ được hiện song song với các chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, đối với đảng viên, người đứng đầu là phải tiên phong, gương mẫu, phải thể hiện tinh thần nêu gương để các quần chúng và đảng viên khác học hỏi, làm theo. Xu hướng của các văn bản pháp luật như luật phòng chống tham nhũng, luật công chức, luật viên chức và các văn bản pháp luật khác đều gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Bởi vậy, trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý mà có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra thì không thể không xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu, vấn đề là xem xét đến đâu, căn cứ vào đâu để xử lý và xử lý như thế nào thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp hành vi của cán bộ quản lý, người đứng đầu là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng (thể hiện là cố ý không thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hiện sai nhiệm vụ..) gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra cần phải làm rõ thì mới có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Trước đó, TTCP đã ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Lạng Sơn cùng các sở, ban ngành liên quan trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (giai đoạn từ 2010-2017).

Tổng Thanh tra Chính phủ  kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017; đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ chủ trì thực hiện tiếp công dân 12/96 kỳ (12%).

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong việc chấp hành một số quy định về quản lý đất đai tại một số dự án như dự án khu đô thị mới Phú Lộc, dự án Nam Hoàng Đồng I (TP Lạng Sơn), dự án N20 thị trấn Cao Lộc, dự án tổ hợp Trung tâm khách sạn thương mại và nhà phố Shop House TP Lạng Sơn, dự án tiểu khu tái định cư khối 2 Vĩnh Trại… Trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách lĩnh vực, Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn phụ trách lĩnh vực và giám đốc các sở ngành liên quan cùng chủ đầu tư.

TTCP kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, cán bộ lãnh đạo và công chức các sở, ngành, huyện, thành phố Lạng Sơn các thời kỳ đối với những hạn chế, yếu kém và vi phạm. Căn cứ kết quả kiểm điểm có hình thức xử lý phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện nghiêm túc, tập trung xử lý và khắc phục những vi phạm.

>>> Mời độc giả xem thêm video Lạng Sơn: Cưỡng chế công trình chưa rõ sai phạm

Nguồn: VTC 1.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)