Sai phạm đất đai ở Quận Bình Thủy: PGĐ Trứ liên quan sao... khởi tố?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Lê Văn Trứ, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bị khởi tố do sai phạm quản lý đất đai. Bình Thủy từng là điểm nóng trong đường dây chuyên tách thửa, phân lô bán nền…

Ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ vừa phối hợp Viện Kiểm sát cùng cấp tống đạt lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Lê Văn Trứ để điều tra hành vi “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Tại nhà riêng, Cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu và di lý ông Trứ về trụ sở Công an TP Cần Thơ. Ông Trứ là đối tượng thứ 5 bị khởi tố liên quan đến đất đai tại Bình Thủy.

Sai pham dat dai o Quan Binh Thuy: PGD Tru lien quan sao... khoi to?
Khám xét nhà ông Lê Văn Trứ. 

Trước đó, tháng 12/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 cán bộ Phòng TN&MT quận Bình Thủy cũng cùng tội danh trên.

Những người này bị cáo buộc có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật.

Vào tháng 12/2017, Thanh tra TP Cần Thơ kết luận trong thời gian dài trên địa bàn quận Bình Thủy có nhiều sơ hở, cho phép điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định.

Sai pham này dẫn đến việc hình thành đường dây chuyên tách thửa, phân lô bán nền, xây nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng kém.

UBND TP Cần Thơ đã thi hành kỷ luật hai ông Lê Tâm Niệm - chủ tịch UBND quận và ông Nguyễn Văn Tuấn - phó chủ tịch thường trực UBND quận Bình Thủy bằng hình thức cảnh cáo. Riêng tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc quận Bình Thủy có tổng cộng 13 cá nhân bị xử lý.

Trao đổi cùng Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý Nhà nước về đất đai đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Đây là tội phạm đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt. Người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý đất đai.

Tội phạm xâm phạm chế độ quản lý nhà nước về đất đai. Người phạm tội có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Thể hiện ở các hành vi cụ thể:

Giao đất đai trái pháp luật như giao đất trái thẩm quyền; Thu hồi đất đai trái luật như thu hồi đất đã giao cho người dân thuê, nhưng khi chưa hết thời hạn thuê đã thu hồi mà không tuân thủ quy định của Luật đất đai; Cho thuê đất trái pháp luật như cho người dân thuê đất sử dụng trái mục đích;

Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ: cho phép chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đai trái pháp luật; Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ: cho phép chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở trái pháp luật. Người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các hành vi kể trên.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng phân tích thêm, tội vi phạm các quy định quản lý đất đai được quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự 2015. Hình phạt mức thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức cao nhất lên đến 12 năm tù.

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Lãng phí hàng trăm biệt thự “ma” ở Sài Gòn

 
 
 

 

Hà Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)