Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành rời Đại hội Đảng về địa phương chống dịch
Chiều 29/1, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục triệu tập cuộc họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình về công tác phòng chống COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện". Đồng thời phê bình, lưu ý những biểu hiện thiếu quyết tâm ngăn chặn hiệu quả nếu có, nhất là một số địa phương, một số nơi mất cảnh giác.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp. |
Thủ tướng cho rằng, trong khi triển khai công tác chống dịch, chúng ta đã có nhiều biện pháp rất cụ thể, với sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã tiến hành 2 lần giao ban toàn quốc.
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đang tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xin ý kiến và được Đoàn Chủ tịch cho phép rời Đại hội để về trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương, xuống tận xã, phường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết liệt, hành động đồng bộ. Ngành y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn của các bệnh viện, trường đại học để hỗ trợ địa phương.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp tiếp tục thảo luận những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệp trên diện rộng; chủ trương xây dựng một số bệnh viện dã chiến; phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao trên tinh thần giãn cách xã hội. Bộ Y tế phải đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc mua vaccine bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa hỗ trợ.
"Chúng ta đang chuẩn bị Tết Nguyên đán cổ truyền cho nhân dân, đang tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã thực hiện thành công mục tiêu kép ở Việt Nam trong suốt năm 2020, giờ đây chúng ta bị lây nhiễm cộng đồng ở khu vực dân cư đông đúc, thành phố lớn, tỉnh trọng điểm kinh tế... Vì thế chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một lần nữa, hệ thống y tế được khởi động, vào cuộc, lực lượng công an, quân đội, các địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa, cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng để nhân dân đề cao cảnh giác thực hiện Thông điệp 5K, nhưng cũng không hoang mang, dao động" - Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã lấy mẫu các nơi xung quanh công ty này và đều âm tính. Như vậy, có thể khẳng định là đã khoanh trúng ổ dịch.
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, dù còn có thể xuất hiện ca mắc rải rác, tình hình khả quan và có khả năng dập được dịch.
“Tất cả hoạt động Bộ Y tế thực hiện đều được kích hoạt rất nhanh, đã khoanh vùng dập dịch sớm nhất có thể đối với Hải Dương. 1.200 người được huy động xuống Hải Dương để dập dịch” – Bộ trưởng Y tế nói.
Bí thư Hải Dương quyết tâm 10 ngày khống chế dịch bệnh
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết địa phương đã phản ứng nhanh khi có dịch. Đến nay đã cách ly 3.000 ca F1. Ngoài Chí Linh, ở Hải Dương còn xuất hiện ba địa phương có người làm công nhân tại Công ty POYUN là huyện Kinh Môn, huyện Nam Sách, huyện Kim Thành.
"Có rất nhiều F1 tại ba huyện trên. Ngoài ra, đang truy vết F1 tại hai đám cưới, một đám tang", ông Thăng cho biết. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ xét nghiệm; đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ một số địa điểm quân đội để cách ly. Đề nghị này được Thủ tướng ủng hộ: "Đồng ý! Các cơ sở quân đội sẽ nhường chỗ cho người cần cách ly".
Trưa cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng có cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh này và các huyện, thị xã, thành phố. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu kích hoạt trạng trái khẩn cấp trong toàn hệ thống chính trị trên tinh thần: bình tĩnh, tự tin, chủ động, quyết liệt thần tốc và "4 tại chỗ".
|
Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại cuộc họp trực tuyến. |
Ông Thăng nói rằng, điều đó nhằm quyết tâm khống chế dịch trong 10 ngày để người dân được đón Tết an toàn.
"Trước mắt, cần thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly khoanh vùng các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh” – ông Thăng yêu cầu. Đồng thời, đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các tổ COVID-19 cộng đồng. Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn mình, đồng thời phải chủ động, sát sao trong chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh, chỉ đạo phong toả ngay các thôn, khu dân cư có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương thành lập 4 tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm các tiểu ban: hậu cần cách ly; an ninh trât tự và hỗ trợ phòng chống dịch; tuyên truyền, chuyên môn. Huy động tối đa nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và làm xét nghiệm các trường hợp F1, có thể ký kết hợp đồng với các đơn vị đã có kinh nghiệm trong xét nghiệm tại Đà Nẵng trước đây và huy động sự hỗ trợ của các tỉnh lân cận.
Tại các trung tâm cách ly, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị thành lập các tổ giám sát cách ly với sự tham gia của công an, quân đội, y tế được trang bị bảo hộ để đảm bảo an toàn.
Cơ sở vật chất tại các khu cách ly cần chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng phương án để người dân có thể đón Tết tại các khu cách ly. Việc thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh do chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố quyết định, giao lực lượng công an làm trưởng các chốt.
Đối với việc thành lập 3 bệnh viện dã chiến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đồng ý thành lập Ban quản lý bệnh viện độc lập do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đề xuất.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương yêu cầu thành phố Chí Linh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phong toả toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Hải Dương và các địa phương khác tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo các hoạt động lưu thông hàng hoá phục vụ nhân dân.
Đã lập 2 bệnh viện dã chiến ở Hải Dương
Tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 với các điểm cầu đặt tại Bộ Y tế và các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, Quảng Ninh ngay tại nơi đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng chiều 29/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Báo cáo của Trung tâm Y tế Chí Linh (Hải Dương), ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, Trung tâm Y tế Chí Linh đã giải tỏa, điều chuyển toàn bộ bệnh nhân cũ để dồn lực điều trị các bệnh nhân dương tính. Tính đến chiều 29/1, bệnh viện đã tiếp nhận 29 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường hỗ trợ 45 bác sỹ, 70 điều dưỡng. Với lực lượng này cùng trang thiết bị máy móc chuẩn bị được tăng cường, Trung tâm Y tế Chí Linh có thể tiếp nhận điều trị cho 260 bệnh nhân mắc COVID-19.
|
Bộ trưởng Y tế tại cuộc họp. |
Còn tại Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, hiện bệnh viện dã chiến đã chuẩn bị 210 giường với phòng cấp cứu 10 giường; đơn vị điều trị tích cực 26 giường. Bệnh viện đang chuẩn bị tiếp nhận 26 bệnh nhân.
Bệnh viện đã huy động 15 bác sỹ, 40 điều dưỡng cùng lực lượng y tế của Bạch Mai với 27 bác sỹ, điều dưỡng giỏi. Ngoài ra, có 80 điều dưỡng sắp ra trường cũng được tăng cường về đây để hỗ trợ công tác tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân.
Với trang thiết bị y tế chuẩn bị được tăng cường, Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có thể tiếp nhận 400 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải lập tức trong chiều nay chuyển tất cả các bệnh nhân dương tính và nghi ngờ dương tính về 2 bệnh viện dã chiến nói trên. Trong ngày mai (30/1), tiếp tục tiến hành lấy mẫu toàn bộ công nhân ở khu vực.
"Mấy ngày vừa rồi, rất có thể những ca dương tính đã lây nhiễm ra cộng đồng. Ngay trong chiều hôm nay chuyển toàn bộ công nhân ra khỏi nhà máy và đến khu tập trung. Ngoài ra, người dân ở các khu vực lân cận đều phải lấy mẫu xét nghiệm. Địa phương phong tỏa nghiêm ngặt, với khu vực lõi phải phong toả thêm 1 lần nữa để đảm bảo khống chế được dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
|
Người dân xét nghiệm COVID-19. |
Đối với 2 bệnh viện dã chiến, Bộ trưởng lưu ý phải dốc toàn lực cố gắng, áp dụng triệt để phương châm 4 tại chỗ. Hạn chế tối đa chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì chủng có biến thể, lây nhiễm nhanh cũng như đảm bảo việc vận chuyển.
Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thêm trang thiết bị và phương tiện bảo hộ chống dịch của hai bệnh viện dã chiến, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ Y tế nhanh chóng cấp phát theo nhu cầu để đảm bảo phục chống dịch.
“Chúng ta đã thấy có tia hy vọng khả quan. Vì thế, tôi mong thời gian tới các đơn vị, các tổ công tác làm tốt nhiệm vụ khoanh vùng thât nhanh, lấy mẫu nhanh, xét nhiệm nhanh” – ông Long nói.
Đà Nẵng sẽ hỗ trợ thành lập bệnh viện dã chiến ở Hải Dương
Ngày 29/1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có Văn bản số 685/BCĐQG gửi Sở Y tế thành phố Đà Nẵng về việc hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện dã chiến tại Sân vận động tỉnh Hải Dương.
Trong đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Hải Dương thành lập bệnh viện dã chiến tại Sân vận động tỉnh Hải Dương theo phương án sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện hậu cần khác của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn của thành phố Đà Nẵng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh đã triển khai 8 tổ chốt phòng, chống dịch COVID-19