Đây là ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực luật sư, y tế, sức khoẻ cộng đồng về dự thảo “Quyền được chết” vừa được Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu ra.
Chưa phù hợp với nước ta
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư điều hành Hãng luật Giải Phóng TPHCM cho rằng, đây là một đề xuất hay nhưng chưa phù hợp. Hiến pháp ghi nhận quyền được sống thì cũng nên ghi nhận quyền được chết. Trong trường hợp, như đề xuất của TS Nguyễn Huy Quang thì “Quyền được chết” được áp dụng là phù hợp và có ý nghĩa nhân đạo. Tuy nhiên, quyền này chưa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Khi hệ thống pháp luật chưa thật hoàn chỉnh và trình độ văn minh của một xã hội chưa cao thì “Quyền được chết” được công nhận sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực như sẽ bị lợi dụng để giết người nhằm một mục đích nào đó.
Mặt khác, truyền thống văn hóa của người Việt sống nặng nghĩa, nặng tình, nên chắc hẳn người dân sẽ ít ủng hộ dự thảo này vì tâm lý “còn nước, còn tát”. Tôi nghĩ đây chỉ là đề xuất mang tính cá nhân, không thể đưa vào thực hiện ngay, bởi muốn quyền này được công nhận thì chúng ta phải sửa cả Hiến pháp và một loạt các văn bản pháp luật liên quan, điều đó không hề đơn giản.
Đồng quan điểm, TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM cho hay, “Quyền được chết” của bệnh nhân trước tiên phải được hiểu thật rõ là do bệnh nhân tự quyết định. Quyền tự định đoạt một vấn đề gì trong khuôn khổ luật pháp trước hết phải được chủ thể hiểu và đưa ra quyết định trong tình trạng sức khoẻ tâm thần sáng suốt, minh mẫn.
Chính vì thế mà Luật Di chúc cũng yêu cầu giám định sức khoẻ tâm thần trước khi đương sự viết di chúc hoặc giấy nhượng quyền, cho nhượng... tài sản cho đối tượng khác. Người được chết theo dự thảo luật là người có đời sống thực vật, người ung thư giai đoạn cuối (có lẽ còn nhiều bệnh lý nữa)... có thể chọn “Quyền được chết” thì thực sự ổn hay không? Thực sự hai bệnh nêu trên có đặc điểm khác nhau, dẫn đến lý do để chọn cái chết cũng khác nhau.
|
Ảnh minh họa. |
Phải nghiên cứu thật cụ thể
Theo TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, đối với bệnh nhân có đời sống thực vật, bệnh nhân đã hôn mê, lúc này không còn khả năng quyết định được nữa, thì như vậy sao lại gọi là “Quyền được chết”? Theo truyền thống đạo lý của người Việt, khi người thân sống đời sống thực vật là đã phó mặc số phận cho người nhà chăm sóc, khi người nhà không thực sự muốn nuôi dưỡng nữa, họ có thể lợi dụng luật này để chấm dứt sự sống của người thân...
Ở nước ta, người già sống dựa vào gia đình, phó thác tính mạng cho người thân chứ không sống trong nhà dưỡng lão nên việc “hạ thủ” người già ở Việt Nam dễ dàng hơn ở các nước phát triển phương Tây. Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tâm thần bệnh nhân có thể ổn định, chỉ trừ phi đang trong cơn đau thể xác giày vò thì họ có thể hoảng loạn, như vậy người bệnh có thể tự quyết được chết không? Điều này phải tùy thuộc vào giai đoạn bệnh của bệnh nhân và tiên lượng của bác sĩ...
Bản chất của con người là ham sống sợ chết, đa phần người ta muốn đấu tranh với bệnh tật đến giây phút cuối chứ ít ai muốn bỏ cuộc ra đi... Nếu tiên lượng quá xấu, thời gian sống không còn bao lâu, cơn đau đã kháng thuốc morphin thì phải có hội đồng giám định y khoa xem xét khách quan chứ không nên để cho bệnh nhân trong cơn đau đớn, bi quan tự quyết định... càng không nên để cho người thân quyết định thay.
TS.BS Lê Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Đau, Bệnh viện Sài Gòn ITO TPHCM chia sẻ, làm sao để bệnh nhân không được đau đớn! Trên thực tế điều trị thì ai cũng muốn sống, không muốn chết, đặc biệt lúc gần chết họ càng muốn sống. Nguyện vọng sống của con người có từ bao đời nay. Nếu giới y khoa mà khống chế, hỗ trợ cho bệnh nhân hết đau thì họ sống thoải mái hơn. Con cái cũng mong muốn cha mẹ sống lâu hơn.
Khi bệnh nhân hôn mê sâu, chết não thì có những tiêu chuẩn nào là chết não bởi hội đồng giám định y khoa xem xét khách quan. Thế giới cũng chỉ có 1 vài nước đồng ý cho phép “Quyền được chết”. Ngay như nước Mỹ còn đang đẩy mạnh phát triển những trung tâm đau để khống chế cái đau cho bệnh nhân... Cho nên, việc bổ sung “Quyền được chết” (hay quyền an tử, cái chết nhân đạo) khó có thể thực hiện, nhất là với giới bác sĩ.