Ý kiến trái chiều quanh lượng vàng khủng
Làm việc với PV, ông Huỳnh Văn Đường, Trưởng ban Quản trị miếu bà Chúa Xứ cho biết, câu chuyện về sợi dây chuyền khủng này là có thực. Nó được làm từ số vàng mà các cá nhân, tổ chức từ khắp nơi về cúng bà dâng lên trong nhiều năm qua.
Sợi dây chuyền vàng 160 lượng này được làm với ba lớp, chế tác từ khoảng 6kg vàng. Việc chế tác này cũng phải lên TP.HCM đặt một tiệm vàng thực hiện. Cũng theo ông Đường, xưa nay các tiệm vàng chỉ làm kiềng hay dây chuyền nặng nhất là trên 10 lượng vàng, chứ chưa bao giờ họ làm bộ nào trên mức 100 lượng cả.
|
Sợi dây chuyền khủng để đeo cho bà Chúa Xứ. |
Theo tìm hiểu của PV, việc làm một bộ dây chuyền hơn 160 lượng vàng là chuyện “xưa nay hiếm”. Bà Lê Hoàng, chủ tiệm vàng Kim Hoàng (Q.3, TP.HCM) cho biết, xưa nay nếu ai đó đặt làm dây chuyền khoảng 10 - 20 lượng là thấy lớn lắm rồi. Còn trên nữa thì lại càng hiếm, do vậy, khi nghe sợi dây chuyền hơn 160 lượng vàng, quả là không tưởng. Nhưng sợi dây chuyền khủng này là có thực, nó được chế tác để đeo cho bà Chúa Xứ.
Xung quanh sợi dây chuyền khủng này, PV đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc công ty HP Bằng Trần (Q.2, TP.HCM) cho rằng, thay vì miếu bà Chúa Xứ đem hơn 160 lượng vàng đi chế tác đeo vào cho bà Chúa Xứ, thì nên đem số vàng đó đi làm từ thiện sẽ hay hơn.
Nó sẽ xứng với danh của bà, của miếu và cũng đúng như mong ước của những phật tử khi cúng vàng vào đây. Còn đeo cho bà thì ngoài sự xa hoa, không đúng với ý nghĩa của bà, còn gây ra những hệ lụy tiềm ẩn khác, như gây nên lòng tham cho ai đó hoặc phải mất công bảo vệ nghiêm ngặt...”.
“Đắp vàng” cho tượng bà Chúa Xứ: Hiểu sai nên cúng sai?
Nói về việc khách thập phương ùn ùn đổ về coi dây chuyền vàng 6kg ở miếu bà Chúa Xứ, Nhà văn Người Khăn Trắng cho rằng, có lẽ họ chỉ vì nghe người này, người kia nói chỗ đó “linh lắm”, rồi đi theo dạng phong trào.
“Tôi lấy ví dụ, mỗi năm có hàng triệu người đến miếu bà Chúa Xứ (An Giang) và núi Bà Đen (Tây Ninh) để cầu may mắn. Thế nhưng có trên 90% người đến đây không biết bà ở các nơi này là ai. Ngay như ở Ngày hội tắm bà (rửa tượng) tại miếu bà Chúa Xứ, thì nhiều nhà nghiên cứu, chứ không riêng gì tôi cũng phải lắc đầu chào thua”, nhà văn Người Khăn Trắng nói.
|
Tượng bà Chúa Xứ như một nhân vật của tuồng hát? |
Nhà văn Người Khăn Trắng cho biết thêm, về nguồn gốc, có tài liệu cho rằng, pho tượng này là của Vương quốc Phù Nam, với nền văn hóa Óc Eo. Bản thân pho tượng này vốn không mặc gì cả, thế nhưng cho tới thời điểm này, pho tượng lại được tô son, điểm phấn rất lòe loẹt.
Chưa hết, người ta lại còn khoác lên pho tượng những bộ y phục hết sức lộng lẫy do người dân “cúng”. Hiện nay, bất cứ ai tới miếu bà Chúa Xứ đều có thể nhìn thấy pho tượng bà lộng lẫy như nhân vật trong một vở tuồng hát, kể cả trang phục.
“Chính từ cách hiểu sai như trên nên nhiều người cũng “cúng” sai. Tôi được biết có nhiều người đã bỏ ra rất nhiều tiền, thậm chí tới vài ba cây vàng để may y phục cho bà như là lễ vật cúng trong Ngày hội tắm bà. Đến nay, tại miếu bà Chúa Xứ cũng có tới vài ba cái tủ đựng áo mũ của Bà do người dân khắp nơi may tặng”, nhà văn Người Khăn Trắng chia sẻ.
Về “giới tính” của pho tượng này vẫn còn là những câu chuyện tranh cãi. Theo các nhà nghiên cứu thì tượng Bà được tạc vào thế kỷ VI, theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ.
Thực chất, tượng Bà vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi. Pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ.
Pho tượng cao chừng 1,25m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.
Nhà văn Sơn Nam từng viết: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Kh’mer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy...”.
Còn theo nhà khảo cổ học người Pháp, Malleret, trong thời gian tiến hành khai quật khu di chỉ Óc Eo (1942 – 1944), ông có đến núi Sam nghiên cứu tượng bà Chúa Xứ và cho biết: “Đây là loại tượng nam thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa thạch, giá trị nghệ thuật cao”. Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ có đến thăm vùng này, vào miếu bà Chúa Xứ, họ rất ngạc nhiên khi được gặp tượng thần Shivalinga ở khu vực núi Sam trong danh xưng bà Chúa Xứ”.
Nói về việc cúng lễ và cầu những điều tốt đẹp nơi thần thánh, nhà văn Người Khăn Trắng cho rằng: “Tôi là người viết rất nhiều truyện liên quan tới cõi vô hình và nghiệm ra rằng, những người đã làm điều ác, dù có cầu xin nhiều tới đâu thì thần thánh cũng không xóa đi được. Và đấng linh thiêng cũng không ai cho được những điều mà họ đã cầu kiểu như vậy cả. Tin vào tín ngưỡng là chuyện bình thường nhưng không nên lạm dụng nó. Làm sai là đã có tội. Mọi người cũng nên suy nghĩ tới điều này”.
Quản lý nghiêm ngặt
Theo ban Quản trị miếu Bà, bình quân, mỗi ngày có khoảng 30 – 40 ngàn người đến tham quan tại đây, thậm chí những ngày đông lên tới 60 ngàn người. Vì thế, việc đeo sợi dây chuyền khủng này cũng chỉ diễn ra vào các ngày 14 – 15 và 29 – 30 âm lịch hàng tháng, sau đó đưa vào kho cất, chứ không đeo suốt tháng. Việc làm này là để đảm bảo an toàn cho số tài sản nói trên. Khi đeo vào cho bà, cũng sẽ có lực lượng canh giữ và giám sát bằng camera bí mật.