Quyền được chết: "Giết người" hay cứu người?

Google News

(Kiến Thức) - Bác sĩ đã có lời thề cứu người, nếu thực hiện phương án quyền được chết nghĩa là họ phải “giết” người, đi ngược lại với lời thề của mình?

Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Nhưng bản thân mỗi chúng ta có quyền sống và quyền được chết một cách nhẹ nhàng, êm dịu tránh những cơn đau đớn đến tột cùng do bệnh tật hành hạ. Nhưng nếu có quyền được chết, thì người bệnh có dễ dàng đạt được ước nguyện của mình không? Điều kiện để người bệnh được thực hiện quyền chết là gì? Thân nhân có quyền quyết định cái chết cho bệnh nhân?... TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã có những phân tích khá kỹ về vấn đề đang gây tranh cãi này. 
Cái chết nhân đạo
Mới đây, có đưa ra đề xuất về quyền được chết. Liệu đề xuất này có đúng về vấn đề y đức không? 
Nếu chúng ta đặt ra quyền sống sao chúng ta không đặt ra quyền chết. Sống cho ra sống thì chết sao cho tử tế cũng nên đặt ra. 
Ai cũng mong muốn, thèm khát được “ra đi” nhẹ nhàng, thanh thản, nhưng thực tế cuộc sống nảy sinh có những người bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh eczema và các bệnh khác... không thể chữa được, bệnh nhân chắc chắn chết. Tuy nhiên, để đến được cái chết do bệnh tật này không đơn giản. Họ phải chịu những cơn đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần, nhiều người không chịu đựng nổi xin bác sĩ cho chết, song pháp luật hiện hành không đề cập đến vấn đề này, bác sĩ không có quyền thực hiện. Có người không chịu đựng được phải tự tử và tự tử thì được quyền nhưng lại gây đau đớn và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ trong gia đình. Có người đi ra các nước cho phép điều này để thực hiện. Nhiều người bệnh phải cắn răng chịu đựng và chờ đợi cái chết từng ngày, từng giờ. Nhìn người bệnh trong đau đớn vật vã, đập đầu vào tường mà không thể chết, thì mình có tính đến cái chuyện cho bệnh nhân có quyền chết một cách tử tế, theo ước vọng của con người không? 
Từ cái nhìn mang tính chất nhân văn của người làm công tác y tế phản ánh lại khiến những người làm pháp luật về công tác y tế có đề xuất phải xem xét xem có quyền được chết không hay quyền được chết nhân đạo hay quyền được có cái chết dịu êm. So với tự tử thì quyền này thuận cho gia đình và người bệnh rất nhiều, lại mang tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo cả vấn đề đạo đức và quyền con người nên chúng tôi quyết định đưa ra dự thảo trình lãnh đạo Bộ.
Như vậy là bác sĩ có quyền ra quyết định cho bệnh nhân có cái chết dịu êm?
Ở nước ta, quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trên tinh thần như vậy, Bộ luật Dân sự có đưa ra quyền được sống hạnh phúc, quyền được bảo đảm an toàn về sức khoẻ và tính mạng. Đây là những quyền cơ bản mang tính chất nhân văn đảm bảo quyền được sống, không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác ngoại trừ chính bản thân họ. 
Dự thảo này là đảm bảo quyền nhân thân của mỗi con người, tức là bác sĩ không có quyền gì cả, chỉ có chính người bệnh mới có quyền quyết định cái chết của chính mình trong lúc đang tỉnh táo hoàn toàn.
Quyen duoc chet: “Giet nguoi
 Ảnh minh họa.
Kẽ hở trong quyền được chết
Vấn đề này liệu có tiếp tục nảy sinh tiêu cực bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thông đồng với bác sĩ để được chết không, thưa TS?
(Cười) Tôi nghĩ chẳng ai dại dột bỏ ra cả sự nghiệp của mình để làm việc này cả. Hơn nữa, đây còn là vấn đề về tâm linh, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, để "được chết" không hề đơn giản và không chỉ do một bác sĩ quyết định.
Nói vậy, có nghĩa là không phải bệnh nhân bệnh nặng, có đơn là được toại nguyện sao? 
Đây là dự thảo đề xuất, còn quyết định có cho phép áp dụng quyền được chết hay không là do Quốc hội. Nếu Quốc hội thông qua, để có quyền được chết, bệnh nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Thứ nhất, bị bệnh nan y trong giai đoạn cuối không cứu chữa được nữa, chắc chắn chết. Thứ hai, người bệnh đang tỉnh táo, có quyền quyết định và đề nghị được chết nhân đạo, tức là có đủ hành vi dân sự. Và cuối cùng là sức chịu đựng đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần đều đã cạn kiệt. 
Thế những người bệnh sống đời sống thực vật cả năm trời, không còn khả năng tự quyết, họ không có quyền được chết nhân đạo sao?
Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là dự thảo không quy định về quyền nhân thân, chỉ người bệnh mới có quyền quyết định cái chết của mình. Ngoài ra, không có một ý nguyện nào là chết nhân đạo cả. Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân sống đời sống thực vật 6 – 7 tháng hoặc lâu hơn, gia đình đã kiệt quệ về kinh tế và sức khoẻ, nhìn thấy người thân của mình như vậy, trong gia đình cũng muốn một cái chết nhân đạo cho người thân. Những trường hợp như thế pháp luật có cho phép không cũng là vấn đề thực tiễn xảy ra. Nhưng giải quyết vấn đề đó liên quan nhiều đến khía cạnh về đạo đức nên rất khó. Ví dụ, trong  gia đình có ông bố bà mẹ bị như vậy, vợ hoặc chồng không dám quyết, các con cũng không ai dám quyết vì sẽ bị lên án... nên đây không phải là vấn đề được ưu tiên nhưng là vấn đề được xem xét. Quyết định đảm bảo vợ hoặc chồng và tất cả các con phải đồng ý...
Thời gian bao lâu sau khi đủ các yếu tố trên thì người bệnh được toại nguyện?
Thời gian bao lâu nữa thì được chết không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Bởi ngoài ba yếu tố trên, nếu luật cho phép phải có các quy định rất chặt chẽ giống như vấn đề mang thai hộ, mọi người kêu luật cho phép nhưng thực hiện theo khuôn khổ pháp luật khó thực hiện quá, ít người thực hiện được. Thực tế, để tránh đẻ thuê nên các quy định rất chặt chẽ. Trường hợp này cũng như vậy. Khi thực hiện, ngoài việc đảm bảo các yếu tố pháp lý, không phải một bác sĩ quyết định mà phải có cả một hội đồng về chuyên môn gồm nhiều chuyên ngành: bệnh lý, thần kinh, não,  pháp lý... đánh giá và đưa ra quyết định. 
Quyen duoc chet: “Giet nguoi
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. 
“Giết người" hay cứu người? 
Bác sĩ đã có lời thề cứu người, nếu thực hiện phương án này nghĩa là họ phải “giết” người, đi ngược lại với lời thề của mình? 
Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông răn dạy người nghề y là cứu người, còn nước còn tát đến hơi thở cuối cùng theo quy luật sinh có hạn, tử bất kỳ. Tuy nhiên, đấy là trong tình trạng cứu người bệnh. Nhưng thực tế, cụ thể bác sĩ chữa cho người bệnh, ung thư xương chẳng hạn, suốt ngày tận mắt chứng kiến người bệnh đau đớn kinh hoàng và việc giúp người ta chấm dứt cuộc sống đớn đau để thanh thản ra đi thì cái nào hơn cái nào? Cái nào mới thực sự là cứu giúp người bệnh?
Khi nhận được kết quả bị ung thư, bệnh nhân thường cho mình là lãnh án tử hình. Hiện luật tiêm thuốc cho người tử hình có hiệu lực nhưng người thực hiện vẫn còn khó khăn, trong khi đây lại thuộc về vấn đề y đức, ông có cho rằng các bác sĩ sẵn sàng làm việc này không? 
Tử hình là với những người pháp luật tuyên là chết, họ không chịu đau đớn do bệnh tật hành hạ và họ không muốn chết nhưng buộc phải chết. Họ có sức khoẻ nên thực hiện khó khăn. Trong khi bệnh nhân giai đoạn cuối đã cận kề cái chết, sức rất yếu, nên phương thức thực hiện rất đơn giản, chỉ cần rút máy thở... họ đã có thể nhẹ nhàng, êm ái “ra đi”. Hơn nữa, phương thức thực hiện hoàn toàn khác, người bệnh không biết khi nào quyết định của mình được thực hiện nên họ không có cảm giác sợ hãi. Họ được tiêm giảm đau, được kích thích cho thăng hoa và dịu dàng đi vào giấc ngủ dịu êm.
Không ai muốn thực hiện nghĩa vụ này với bệnh nhân nhưng nếu luật thông qua thì đây là vấn đề buộc phải thực hiện nhiệm vụ giống như bác sĩ phải đi trực... Nhưng nếu giúp được bệnh nhân có những giây phút bay bổng, đang thăng hoa với những kỷ niệm tươi đẹp và ra đi nhẹ nhàng với nụ cười nở trên môi, thì tôi tin các bác sĩ sẵn lòng thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ người bệnh của mình hơn nhìn họ đau đớn đi vào cõi vĩnh hằng. 
Xin cảm ơn TS!
Dự thảo Quyền được chết hay quyền an tử là nội dung được Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất đưa vào trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang trình lãnh đạo Bộ cho ý kiến (dự kiến bàn thảo vào tháng 5). Đây là vấn đề hết sức nhân văn nhưng nhạy cảm, liên quan đến sự sống của một con người cần phải được bàn một cách thấu đáo bởi ngoài vấn đề lợi ích cộng đồng, đất nước, cá nhân nó còn gắn với vấn đề truyền thống đạo đức, pháp luật… 
Thúy Nga (Thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)