Học giỏi nhưng không "thích" vào đại học
Trời nhá nhem tối, chúng tôi mới có mặt tại nhà em Nguyễn Trọng Tính (SN 1998), thôn Đồng Quýt (xã Hòa Sơn, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình). Căn nhà nhỏ của Tính nằm lọt thỏm giữa cánh đồng sả bao la. Trước đó khoảng 15 phút, Tính mới đạp xe từ trường thi trở về. Vừa về đến nhà Tính đã bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm phụ giúp cha mẹ.
Với Tính - một cậu học trò tật nguyền, ngày thi cũng như ngày thường. Có điều khác biệt là buổi sáng Tính dậy sớm hơn để ôn bài và đến trường. Dù đang trong những ngày thi căng thẳng nhất của 12 năm đèn sách, nhưng khi rời trường thi về nhà Tính vẫn không nề hà bất cứ công việc gì trong gia đình.
Tính tâm sự, một ngày bình thường của em là sáng dậy dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm ăn rồi đạp xe đi thi. Trưa về em tiếp tục nấu cơm ăn cùng bố mẹ rồi lại đạp xe tới trường. Buổi tối Tính phải tranh thủ về sớm để cho lợn, gà ăn, dọn dẹp nhà cửa và tiếp tục nấu cơm cho cả gia đình. Sau đó mới ngồi vào bàn học dành thời gian ôn thi.
“Năm nay em thi THPT quốc gia tại điểm trường THPT Lương Sơn - Hòa Bình. Trường chỉ cách nhà 6 cây số nên em tự đạp xe đi được. Vì cha mẹ em đi em đồng vất vả, ngoài trời lại nắng, bắt cha mẹ đưa đi đưa lại, rồi vạ vật ngoài cổng trường thi chờ em cũng không đành lòng”, Nguyễn Trọng Tính nói.
So với các bạn cùng trang lứa, dù đi học muộn một năm nhưng Tính có một thân hình nhỏ nhắn và khuôn mặt trẻ hơn. Mặc dù một bên chân bị teo nhỏ, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng ngày nào Tính cũng tự đạp xe tới trường. Ngày Tính thi đỗ vào lớp chọn trường THPT Lương Sơn, thấy con trai đi học vất vả, cha mẹ Tính có bàn mua cho em chiếc xe đạp điện nhưng cậu bảo không cần. Tính vẫn tận dụng chiếc xe đạp cũ kĩ của hai chị gái đã dùng trước đó khoảng gần chục năm. Với Tính, quãng đường gần chục cây số cũng không làm khó được mình.
Sinh ra với đôi chân không bình thường nên ban đầu cậu học trò có chút tự ti, mặc cảm về bàn thân. Những năm học tiểu học, cấp 2 Tính cũng bị bạn bè châm chọc, trêu ghẹo, bàn tán về đôi chân dị tật của mình. Bởi vậy, cũng có lúc Tính nghĩ mình sẽ bỏ học ở nhà với cha mẹ.
Trong khoảng 3 năm điều trị chân tại trung tâm phục hồi chức năng ở Ba Vì, Tính được chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le và bất hạnh hơn mình. Từ đó Tính mới ngẫm ra một điều rằng mình vẫn còn quá may mắn và hạnh phúc. Tính có bố mẹ thương yêu, có các chị gái đùm bọc, đó là động lực vô cùng lớn để em vượt qua những lời dè bỉu của dư luận về khiếm khuyết trên cơ thể mình.
Việc đôi chân dị tật đi lại khó khăn cũng không làm ảnh hưởng đến việc học tập của Tính. Những năm học cấp 1, cấp 2 Tính đều đạt học sinh giỏi. Lên cấp 3, lực học của Tính chỉ chuyên về một số môn nhất định nên chỉ đạt học sinh tiên tiến. Dù vậy, Tính vẫn là "ngôi sao" toán học của lớp với điểm tổng kết kỳ 1 đạt 9,0 điểm, kỳ hai đạt 8,9 điểm. Trong tất cả các môn, Tính học trội nhất hai môn Toán và môn Tin học.
Sau khi thi THPT Quốc gia, tất cả bạn bè cùng trang lứa ai cũng có một khát khao học các trường đại học lớn, để ước mơ có một công việc tốt ngoài thành phố, tránh những công việc bụi bặm, vườn tược vất vả ở quê nhà. Thế nhưng, riêng chàng trai sinh năm 1998 này có một quyết định hoàn toàn khác biệt.
Tính kể: “Năm em đang học lớp 11, xem một chương trình thời sự và thấy tình trạng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng ra trường thất nghiệp rất nhiều nên em thay đổi quan điểm. Hơn nữa, việc học đại học đòi hỏi một năng lực nhất định, nếu mình không đủ năng lực mà theo học thì rất vất vả, tốn kém tiền của cha mẹ".
Cậu học trò cũng chia sẻ thêm: “Như chị gái em, tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc, tốn tiền của bố mẹ. Em có ước mơ trở thành bác sỹ thú y. Học ngành này em có thể về phát triển chăn nuôi của gia đình và quan trọng hơn là em được gần bố mẹ. Nếu đi làm ở xa sẽ không có thời gian cho gia đình và cha mẹ".
Tính cũng cho biết, 2 môn thi đầu tiên là Văn và Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 em đã làm bài rất tốt. Tuy nhiên, vì Tính chỉ có nhu cầu đỗ tốt nghiệp, không xét tuyển đại học nên tâm trạng của Tính rất thoải mái trước mỗi buổi thi.
Cậu con trai nhiều kỳ vọng
Ngồi trên chiếc ghế tự kê giữa phòng khách, ông Nguyễn Trọng Tư (51 tuổi), cha em Nguyễn Trọng Tính trầm ngâm nghĩ lại những ngày đầu đón chào cậu con trai ra đời. Vợ chồng ông gốc là người Chương Mỹ, Hà Nội. Nhiều năm trước kinh tế gia đình khó khăn, sau khi cưới nhau hai vợ chồng mới lên Lương Sơn lập nghiệp. Ông Tư có 4 người con, 3 cô con gái và Tính là con út trong gia đình.
"Ngày vợ tôi mang bầu Tính, kinh tế gia đình nghèo túng nên chẳng biết đến khám thai định kỳ. Cho đến khi sinh con ra mới thấy con một bên chân không bình thường, tôi cũng buồn. Trước đây chân nó còn teo một bên và bàn chân bị cong, tôi phải đưa con chạy khắp nơi chưa trị", ông Tư nói.
Mỗi lần nhìn con đều khiến ông rơi nước mắt. Ông kể: “Khi ấy nhà tôi còn nghèo quá mà tuần nào cũng phải đưa con về Bệnh viện Nhi Trung ương để nắn chân. Mỗi lần đưa nó đi lại phải đi mượn xe, vất vả lắm. Chi phí cũng tốn kém đáng kể.
Nhưng được sự quan tâm của các chị và bố mẹ nên Tính rất dũng cảm. 19 năm kể từ khi nó chào đời, dù mang trên mình hình hài không hoàn hảo nhưng Tính không một lần than thở buồn phiền hay kêu than bất kỳ điều gì”.
Cũng theo ông Tư, ông có 4 người con, tất cả đều được ăn học nhưng chưa đứa nào có công ăn việc làm ổn định. Ba người con gái lớn của ông đã lấy chồng nên giờ chỉ còn mình Tính ở nhà.
“Từ trước đến giờ, trong chuyện học hành tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở con. Thằng bé rất tự giác thức khuya, dậy sớm để học bài. Kể cả bây giờ nó đang thi, nhưng về nhà thấy bố mẹ đang bận là biết vào phụ giúp bố mẹ", ông Tư cho hay.
Về quyết định không xét tuyển đại học mà chọn học trung cấp nghề của con trai, ông Tư cho biết: "Tôi luôn tôn trọng quyết định của con trai mình. Nó còn trẻ nhưng rất biết suy nghĩ trước sau nên việc con tôi quyết định không xét tuyển đại học, tôi không ý kiến và tôi tin con tôi có quyết định đúng đắn”.
Khác với vẻ cứng rắn của cha, tâm sự về những thiệt thòi của con trai mình, bà Đàm Thị Hường (46 tuổi), mẹ em Tính ngậm ngùi chia sẻ: “Thực ra, nếu nhà tôi có điều kiện một chút thì em nó không phải làm việc vất vả như thế này đâu.
Nhưng vì vợ chồng tôi kinh tế eo hẹp nên ngoài việc đi học, em nó phải làm thêm với gia đình mọi vệc từ chăn lợn, gà, nấu cơm, dọn cỏ vườn, bẻ sả phụ giúp chúng tôi. So với con trai trong xóm thì Tính thuộc diện chịu khó và giúp đỡ bố mẹ được rất nhiều việc.
Trước đây, Tính không nói chuyện với ai kể cả bố mẹ và các chị trong nhà. Nhưng thời gian giúp con tôi hiểu được tình cảm và sự quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nên con tôi dần thay đổi và hòa đồng với mọi người”.
Khi nhắc đến việc con trai không có ý định xét tuyển vào trường đại học, bà Hường cũng thắc mắc và hỏi lí do. Và câu trả lời của Tính khiến bà rơi nước mắt: “Nó bảo nó muốn học ngành trung cấp thú y, sau này về làm việc ở nhà, phát triển những gì bố mẹ có sẵn. Ngoài ra còn có thời gian chăm sóc bố mẹ khi già yếu. Không muốn bố mẹ quá lo lắng cho mình. Tính sợ học xong đại học, tốn kém tiền của cha mẹ nhưng ra trường vẫn không xin được việc như các chị".
Theo nhận định của bà Hường, con trai mình là người trầm tính và sống nội tâm. Mặc dù trước đây Tính rất ít nói nhưng từ sâu thẳm, em là một chàng trai bản lĩnh và tự lập. Biết suy nghĩ và quyết định tương lai của mình.
Em Hoàng Cao Lâm - một người bạn học cùng lớp với Tính cũng cho hay: "Trong lớp, Tính ít nói nhưng học rất giỏi, nhất là hai môn Toán và Tin học. Mỗi lần bọn con trai trong lớp đá bóng, Tính chỉ lẳng lặng ngồi một góc sân trường nhìn. Vì bản tính hiền lành, chịu khó và học giỏi nên các bạn trong lớp đều khâm phục và yêu quý Tính".
Buổi sáng, Trên con đường đến trường thi, nhìn cậu học trò nghèo dấn những vòng quay "mạnh mẽ" trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình, mới cảm nhận được hết ý chí vươn lên của Tính. Với cá tính độc lập, quyết đoán, vượt khó, đôi chân khiếm khuyết của em không còn là rào cản. Gia đình và nhiều người thân tin rằng Tính sẽ có một tương lai sáng hơn.
>>> Đọc thêm: Chuyện thật như đùa: Học sinh ngủ quên, giáo viên phải đến tận nhà đón đi thi
Video: Ngày đầu thi THPT Quốc gia diễn ra thế nào?