Kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 được công bố khi nào?
Tại cuộc họp báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 chiều 24/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và cho biết, đã được tổ chức thành công, khẳng định được sự đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới trong thi/tuyển sinh đã đạt được.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (giữa). |
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới. “Nguyên tắc thi tốt nghiệp hay là xét tốt nghiệp quy định của các Sở, còn tuyển sinh là các trường, Bộ thì ban hành các quy định, quy chế và tham gia giám sát theo quy định của pháp luật. Tất cả các điều chỉnh, thay đổi sau này nếu có sẽ theo quy định của pháp luật. Năm nay đã đạt được những mục tiêu mong muốn đối với việc thi của thí sinh cho nên những năm tiếp theo sẽ cân bằng để thi tốt nghiệp THPT, và sẽ thay đổi một số kỹ thuật”, Thứ trưởng Ga cho hay.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, theo kế hoạch, ngày 7/7, các sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 cho các thí sinh. Trong đó, việc công bố kết quả thi THPT Quốc gia và kết quả xét tốt nghiệp THPT sẽ do các sở GD&ĐT thực hiện.
|
Các thí sinh tham dự môn thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại điểm thi THPT Việt Đức (Hà Nội). |
Các trường ĐH, CĐ sẽ tự quy định điểm sàn năm 2018
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ Trưởng Vụ đại học - Bộ GD &ĐT cho biết, các quy định về điểm sàn áp dụng trong năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018, thì có một số điều kiện được bổ sung và khi thực hiện những điều kiện được bổ sung đó thì các trường sẽ xét điểm sàn.
>>> Mời độc giả cùng xem clip: Cách làm bài thi trắc nghiệm môn Toán đạt điểm 10 - Nguồn: Zing News:
Cụ thể, theo bà Kim Phụng, các điều kiện xét tuyển trong năm 2018 là: Các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ hoàn chỉnh trong đó; những quy định về công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường; công khai về tỷ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần nhất; công khai về tỷ suất đầu tư để đảm bảo một quy trình đào tạo học sinh trong một năm học.
“Tất cả các nội dung đó, sẽ cung cấp cho xã hội, thí sinh rằng đảm bảo chất lượng của các trường như thế nào? Để thí sinh và xã hội giám sát được từ đó lựa chọn trường, ngành học phù hợp với trình độ của mình. Khi đã cung cấp tất cả các điều kiện cho xã hội, thí sinh lựa chọn rồi thì Bộ sẽ không cần thiết phải quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho từng trường. Từ năm 2018, trở đi điều kiện điểm sàn do các trường quy định đó cũng là quyền đảm bảo tự chủ cho các trường”, bà Kim Phụng thông tin.
Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có 865.866 thí sinh đăng ký, các em dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi. Gần 90.000 cán bộ tham gia kỳ thi, trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016 (năm 2016 có hơn 60.000 người).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99,49%; Hóa học: 99,47%; Sinh học: 99,63%; Ngoại Ngữ: 99,6%; Lịch sử: 99,34%; Địa lí: 99,4%; Giáo dục công dân 99,62%). Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 74%, cao hơn năm 2017 khoảng gần 5%.
Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội tăng cao trong năm 2017, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký. Trong đó, có tới 59.32% thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, t(ừ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử).
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, toàn quốc có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, giảm so với năm 2016 (328 thí sinh bị đình chỉ thi); 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.