Dù đã có những bước phát triển dài và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên ngành Du lịch vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch chưa cao.
|
Việt Nam ngày càng thu hút khách du lịch.
|
Trước tình hình đó, các giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch đã được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong lĩnh vực du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Thanh tra thường xuyên, vi phạm vẫn nhiều
Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra các Sở du lịch các tỉnh, thành phố đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành, hơn 100 điểm kinh doanh dịch vụ cùng hơn 1.000 lượt hướng dẫn viên, lái xe vận chuyển du khách… Qua thanh tra, kiểm tra đã phạt tiền 284 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới hơn 3 tỷ đồng, xử lý phạt tiền 9 trường hợp người nước ngoài với số tiền gần 200 triệu đồng.
Riêng tại Hà Nội, Thanh tra Sở Du lịch đã kiểm tra 72 cơ sở lưu trú, 65 doanh nghiệp lữ hành, 200 hướng dẫn viên và hơn 100 lái xe cùng phương tiện vận chuyển khách du lịch, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 cá nhân, tổ chức với số tiền hơn 100 triệu đồng. Ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra còn tập trung vào những lĩnh vực khác như thủ tục pháp lý, điều kiện hoạt động, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và các dịch vụ phục vụ du khách như bể bơi, massage, karaoke…
Trong 6 tháng đầu năm, qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra các Sở du lịch các tỉnh, thành phố đã phạt tiền 284 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới hơn 3 tỷ đồng, xử lý phạt tiền 9 trường hợp người nước ngoài với số tiền gần 200 triệu đồng.
Để phòng tránh những diễn biến bất thường có thể xảy ra đối với hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc, Thanh tra du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản đối với 5 hướng dẫn viên du lịch quốc tế có dấu hiệu vi phạm.
Lập hồ sơ chuyển vụ việc đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội xử lý vi phạm đối với 2 người Trung Quốc và 1 người Hàn Quốc có hành vi tham gia vào các hoạt động hướng dẫn khi đi theo đoàn là những hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh.
Các công ty tổ chức chương trình du lịch có hướng dẫn viên, có người nước ngoài vi phạm cũng bị lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định gồm có Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch VIKO Smile Việt với lỗi không quản lý khách du lịch theo hợp đồng; Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hà Nội Xanh lỗi không phân công, sử dụng hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách du lịch.
|
Ảnh minh họa. |
Biến tướng mới nảy sinh
Bà Đoàn Thị Kim Thanh- Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra sở đã đột xuất kiểm tra 7 văn phòng du lịch có dấu hiệu người nước ngoài làm việc. Kết quả đã xử phạt 2 tổ chức, 1 cá nhân hoạt động lữ hành quốc tế không có giấy phép.
Phát hiện trường hợp 1 văn phòng 6 người Hàn Quốc làm việc, Thanh tra Sở xử phạt 1 trường hợp, 5 trường hợp khác chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó cũng phát hiện 7 người Trung Quốc làm việc, trong đó 2 người có giấy phép lao động, 3 người chưa đủ chứng cứ xử lý, chỉ có 2 người đủ chứng cứ để xử lý…
Bà Đoàn Thị Kim Thanh khẳng định, có rất nhiều chiêu chối tội, lách luật, biến tướng thời gian gần đây mới phát hiện ra như hướng dẫn viên du lịch sử dụng thẻ giả, chứng minh nhân dân giả. Khách sạn thì nhập nhằng giữa 4 sao và 5 sao, dùng cụm từ “Five Star Quality” gắn ở sảnh lễ tân…
Ông Nguyễn Văn Khâm - Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trước đây tỷ lệ kiểm tra ra vi phạm ở các cơ sở kinh doanh du lịch là 100% thì nay giảm xuống, chỉ còn khoảng 20%, điều đó chứng tỏ việc kiểm tra xử phạt đã đạt mục đích răn đe, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú vì thế đã thực hiện nghiêm chỉnh hơn.
Ông Khâm cho biết, du lịch Việt Nam thời gian qua phát triển nóng, chính vì thế nảy sinh nhiều vấn đề, đủ các hình thức tour chui, tour lậu. Giải pháp mà ông Nguyễn Văn Khâm đưa ra là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Thực hiện phân cấp quản lý, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành có đủ thẩm quyền để “phạt nóng” đồng thời thực hiện việc kiểm tra có trọng tâm, chú trọng vào lữ hành.
Ông Vũ Công Huy - Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới các Sở Du lịch tỉnh, thành phố phải thực hiện tranh tra, kiểm tra có trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động kinh doanh lữ hành chui, vận chuyển khách du lịch, người nước ngoài có hoạt động hướng dẫn viên tại Việt Nam, các hành vi mạo tên doanh nghiệp, kinh doanh chụp giật, chặt chém du khách đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch, đặc biệt tại khách sạn lớn, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, giải quyết kịp thời điểm nóng gây bức xúc cho du khách.