Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục và Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi, đề cập những rủi ro phụ huynh phải đối mặt khi cho các trường quốc tế vay tiền để đầu tư các gói giáo dục, đào tạo.
Trường quốc tế có được huy động vốn từ phụ huynh?
Ông nhìn nhận thế nào về việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam khó khăn về tài chính nghiêm trọng, nợ lương, dẫn đến giáo viên nghỉ dạy, ảnh hưởng học tập của 1.400 học sinh?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Liên quan việc trường AISVN đóng cửa, ảnh hưởng học tập của 1.400 học sinh, đặc biệt các em lớp 12 sắp thi, tôi cho rằng, phụ huynh có thể xem xét chuyển cho con em đến trường khác để ổn định học tập, dự thi đánh giá cuối khóa tới.
Ở góc độ quản lý, Sở GD&ĐT TP HCM cần nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Sở có thể kết nối các trường quốc tế khác dạy cùng chương trình để giới thiệu chỗ học nếu các em có nhu cầu. Đặc biệt, cần chú ý đảm bảo không làm gián đoạn việc học của học sinh. Trong khi đó, nhà trường cần có phương án đảm bảo tài chính, chi trả lương để giữ giáo viên, ổn định việc học tập của học sinh.
|
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.
|
PGS.TS Trần Thành Nam: Kinh doanh giáo dục phải tách bạch dịch vụ và trách nhiệm giáo dục. Bằng giá nào cũng phải đưa ra giải pháp đảm bảo quyền lợi của người học. Nhà trường thực hiện trách nhiệm cao nhất là đảm bảo việc dạy và học cho 1.400 học sinh, không được để tình trạng gián đoạn tiếp diễn. Phải có kế hoạch hỗ trợ về tâm lý cho học sinh.
Sở GD&ĐT phải giám sát. Ngoài ra, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và người dân, công khai tài chính, chiến lược, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Phụ huynh nên bình tĩnh, tìm hiểu thông tin chính xác, từ các nguồn chính thống trước khi có phản ứng, tránh hành động thái quá gây rối trật tự công cộng, xúc phạm nhà trường. Cha mẹ cũng cần quan tâm vấn đề tâm lý của con em, trao đổi phương án học tập để động viên các cháu yên tâm.
Phụ huynh cũng có trách nhiệm hợp tác cùng nhà trường tìm ra giải pháp chung để giúp giải quyết vụ việc. Thành lập nhóm đại diện phụ huynh tham gia giám sát kế hoạch khắc phục hậu quả.
Từ vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, là chuyên gia pháp lý, luật sư đánh giá thế nào về việc phụ huynh cho trường vay tiền để đầu tư giáo dục?
TS Đặng Văn Cường: AISVN là cơ sở giáo dục ngoài công lập, được tổ chức, hoạt động trên cơ sở chủ sở hữu là công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các quy định của Luật Giáo dục. Công ty thực hiện hoạt động huy động vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan.
Hoạt động giáo dục là lĩnh vực đặc thù, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng pháp luật cũng không hạn chế hình thức huy động vốn bằng vốn vay của loại hình doanh nghiệp này.
Việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 53/2006/NĐ-CP và tiểu mục 1 Mục VIII Thông tư 91/2006/TT-BTC. Theo đó, cơ sở ngoài công lập được vay vốn để đầu tư dự án hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế và hưởng ưu đãi tín dụng. Cơ sở ngoài công lập được vay vốn của tổ chức kinh tế, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở vật chất và có trách nhiệm sử dụng, hoàn trả vốn vay theo thoả thuận.
Cơ sở ngoài công lập được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Trong lĩnh vực giáo dục, phụ huynh cho nhà trường vay vốn như trên ít xảy ra. Trường hợp cơ sở giáo dục này mất khả năng thanh toán, các phụ huynh có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra để xem xét làm rõ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay không hoặc khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
|
AISVN thành lập năm 2006, trụ sở ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Trường dạy chương trình Tú tài quốc tế (IB), học phí 280 - 350 triệu đồng/năm với bậc mầm non, 450-500 triệu đồng với bậc tiểu học và 600-725 triệu ở bậc trung học. Trên website, AISVN giới thiệu trường thuộc sở hữu gia đình, hoạt động theo cơ chế "phi lợi nhuận", do bà Nguyễn Thị Út Em xây dựng, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.
Tháng 10/2023, nhiều phụ huynh của AISVN tụ tập đòi nợ. Họ nói, cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí, nhưng đến khi ra trường vẫn chưa được hoàn lại.
Trong đơn cầu cứu mới đây, các phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam thông tin: "Tổng số tiền đóng vào hay nói cách khác là bà Út Em đã huy động, đang nợ chúng tôi, lên đến hơn 3.200 tỷ đồng".
Rủi ro khi cho nhà trường vay vốn
Diễn biến tại AISVN cho thấy, phụ huynh đối mặt nhiều rủi ro khi cho vay các gói đầu tư giáo dục. Cha mẹ cần cân nhắc điều gì trước khi rót tiền đầu tư?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Vụ việc trên cho thấy, việc phụ huynh cho nhà trường vay tiền không lãi suất để con được học miễn phí luôn có rủi ro. Do đó, cần tính toán kỹ nên hay không nên trước khi quyết định. Nhà trường vay mà không trả sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự.
PGS.TS. Trần Thành Nam: Huy động vốn từ phụ huynh bằng hình thức cho vay không lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các gia đình cần thành lập nhóm gia đình có cùng quyền lợi, tham khảo ý kiến luật sư để hiểu rõ quyền của mình và con em. Tập hợp lưu trữ bằng chứng như hóa đơn, hợp đồng, email và bằng chứng liên quan đóng phí, vay tiền, cam kết của nhà trường để đối chất bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp trường không thực hiện cam các cam kết như đã hứa.
|
PGS.TS. Trần Thành Nam
|
Vai trò của các cơ quan chức năng trong việc này như thế nào?
TS Đặng Văn Cường: Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc tăng vốn của doanh nghiệp này đúng pháp luật hay không? Có được phép vay tiền của phụ huynh và các tổ chức cá nhân không? Đó là vấn đề quan trọng để xác định vụ việc có vi phạm pháp luật thông qua hoạt động vay vốn hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
AISVN nói gì?
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng AISVN, cho biết, trường gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, dẫn đến không thể chi trả lương cho giáo viên, nhân viên và các khoản vận hành. Trường đang tính phương án để các quỹ đầu tư tham gia tái cấu trúc trường.
Theo bà Em, trường buộc phải mở cửa trở lại, nhưng chưa thể dạy và học bình thường. Nhà trường kêu gọi giáo viên trở lại, nhưng có thể một số người vẫn nghỉ việc. Hiện, trường có hơn 400 giáo viên, nhân viên người Việt và nước ngoài. Các giáo viên nước ngoài bị nợ 2 tháng lương, giáo viên, nhân viên người Việt bị nợ 1,5-2 tháng lương cùng bảo hiểm xã hội. Trường đang cố gắng đưa ra phương án chi trả để giữ giáo viên.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói về việc cho phép đại diện Ban đại diện Cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.