Kết hợp kiểm tra nhanh lãnh đạo nhiều huyện, xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống COVID-19 theo phương châm xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, Thủ tướng nhấn mạnh, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang nỗ lực hết sức mình để có vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất tiêm cho nhân dân.
Xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ"
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc phòng dịch phải từ dưới, từng gia đình, từng phố phường, từng quận huyện, từng địa phương theo phương châm “xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ".
|
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Zing. |
“Nếu không phòng dịch tốt, dịch bệnh sẽ lan rộng khi đó phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hậu quả của nó với xã hội, với kinh tế là khôn lường. GDP tầm bao nhiêu thì chính là thiệt hại về cái đó do không còn hoạt động kinh tế nữa, tính toán về việc đó rất khó tính” - ông Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Ông cho rằng, việc đẩy mạnh tiêm vắc xin là cần thiết bởi đó là vũ khí duy nhất để phòng, chống dịch. Nếu không phủ rộng tiêm chủng sẽ không thể mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cho rằng, giá như mình biết phòng trước thì giờ chỉ tốn 1 đồng để phòng dịch chứ không phải mất 1.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng để chữa.
“Tại thời điểm này đang bị bệnh, đó là bài học để cho lần sau, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bây giờ đang có dịch, phải chống dịch, phải khống chế, phải sống với nó hay thế nào đó. Trong cuộc chiến này, có chỗ chưa bị thì phải phòng bệnh nhưng cách phòng như thế nào mới là quan trọng phòng để rào dây thép gai hay tiêm chủng, nâng cao khả năng vắc xin, thuốc chữa trị” - TS. Võ Trí Thành nêu ý kiến.
Kinh tế thiệt hại nặng nề khi tỉnh, thành “tê liệt” giãn cách xã hội
TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế Việt Nam đã không ít lần phải vượt khó và cải cách để đạt được thành tựu tăng trưởng trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, điều đó tiếp tục được thể hiện rõ trong các giải pháp của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, có thể duy trì sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội trước mắt và dài hạn.
Ts. Võ Trí Thành cho biết, kinh tế Việt Nam đang trải qua thời điểm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn. Đợt dịch lần này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất của đất nước. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp ở miền Nam đã phải trì hoãn sản xuất ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, các công ty có thể hoạt động theo mô hình sản xuất và kiểm dịch cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn và giảm công suất.
Trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch tại một số địa phương cũng mang đến nhiều khó khăn với hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, các công ty logistics ngày càng lo ngại về việc tăng chi phí và thời gian cần thiết cho các tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, việc chậm trễ vận tải đường bộ và đóng cửa nhà máy cũng gây áp lực lớn lên hoạt động của cảng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Dẫn số liệu thống kê tháng 7/2021 cho thấy hoạt động kinh tế có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng đã đạt được trong nửa đầu năm 2021. Doanh thu bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, trong khi trước đó tăng 4,9% trong 6 tháng; sản xuất công nghiệp chỉ còn tăng 2,2%, thấp hơn hẳn mức tăng 9,3% trong 6 tháng; tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng 29,1% trong 6 tháng 2021.
TS. Võ Trí Thành cho biết, tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, sản lượng đều sụt giảm, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây ra khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi phải tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội giá thành sản xuất, đồng thời doanh nghiệp đang phát sinh nhiều khoản chi phí mới liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Trong khi thị trường, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu có thể sẽ bị gián đoạn, đình trệ cục bộ do nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Đó là những thách thức không nhỏ.
Theo TS. Võ Trí Thành, Chính phủ đã và đang rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh song song với việc tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực thi các giải pháp toàn diện cả ngắn, trung và dài hạn, từ kiểm soát dịch bệnh, gỡ khó, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp đó cùng sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, có thể tin tưởng dịch bệnh sẽ qua đi và cơ hội sẽ mở ra với kinh tế Việt Nam.
Các giải pháp cấp thiết đã và đang triển khai như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Đồng thời, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, như sửa đổi các chính sách về các loại phí, hỗ trợ tái cấu trúc và gia hạn nợ, giảm lãi vay, giãn và giảm thuế; tiếp tục xây dựng các chiến lược phát triển DN, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế… Đó là những giải pháp hợp lý, việc triển khai thực thi hiệu quả, chúng ta có thể hồi phục, bắt nhịp với đà hồi phục của kinh tế thế giới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19: