16 ngân hàng cam kết giảm lãi vay: Doanh nghiệp cơ hội “sống”?

Google News

Các ngân hàng đã thống nhất sẽ giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Trước động thái này, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sẽ có cơ hội hồi phục, khỏe mạnh nhanh chóng để sản xuất kinh doanh.

16 ngân hàng đồng thuận cam kết giảm lãi vay
Nội dung 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ nay đến hết năm, được thống nhất tại buổi họp trực tuyến của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) chiều 12/7.
Theo đó, 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất gồm: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank).
16 ngan hang cam ket giam lai vay: Doanh nghiep co hoi “song”?
Trong nhóm lĩnh vực ưu tiên mà Techcombank cho vay có lãi suất dưới 4,5%/năm. (Ảnh minh họa). 
Ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng giám đốc Techcombank cho hay, từ mùa dịch đầu tiên năm 2020 đến nay, Techcombank liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm, các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6 - 7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn,… Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn. Đối với các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô,… không nên hỗ trợ lãi suất.
Ông Nguyễn Việt Mạnh - Thành viên hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngay sau cuộc họp với ngân hàng Nhà nước về triển khai NQ63, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, hội đồng thành viên của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 - 2,5%. Tính chung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.
Theo bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc MB, trước mắt MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1 điểm % hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương)…
16 ngan hang cam ket giam lai vay: Doanh nghiep co hoi “song”?-Hinh-2
 Đến nay, Vietcombank đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).
Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, đến nay ngân hàng đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp và 332.720 khách hàng cá nhân với tổng doanh số cho vay mới là 1.682 nghìn tỷ đồng.
Tổng số tiền lãi giảm trong năm 2020 là 3.260 tỷ đồng và trong đầu năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Vietcombank đã liên tục triển khai 6 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Phía ngân hàng Sacombank cũng cam kết sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng.
Còn VietinBank cũng cam kết, ngoài việc tung gói 700 tỷ đồng tài trợ ngành máy móc thiết bị nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, từ nay đến hết ngày 31/5/2022, VietinBank tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi lớn chưa từng có dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp có hồi phục, khỏe mạnh?
Thực tế, các doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thông tin với báo giới rằng, khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp trong 6 tháng năm 2021 cho thấy trong diễn biến phức tạp của dịch, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%. Số lượng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45% và doanh nghiệp vẫn trong quá trình bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 44%.
Các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn tự có chiếm 66%, doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng chiếm 9% và số lượng doanh nghiệp khó khăn cần vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 25%. Ngoài khó khăn về vốn, các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất trước quy định phòng dịch.
16 ngan hang cam ket giam lai vay: Doanh nghiep co hoi “song”?-Hinh-3
Các doanh nghiệp làm trong nhiều lĩnh vực đang lao đao vì dịch COVID-19. (Ảnh minh họa). 
Trong số nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thì chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực lữ hành, du lịch.
Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước tính khoảng 95%, trong đó có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người, khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động với khoảng 12.600 lao động tạm thời không có việc làm.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Nhà nước rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
Chia sẻ với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, T.S Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ sự hoan nghênh trước động thái 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, T.S Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh các ngân hàng “cố gắng nói đi đôi với làm”.
Cùng với đó, G.S-T.S Mai Ngọc Cường, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhìn nhận việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở thời điểm này là một biện pháp khuyến khích doanh nghiệp, tạo cơ hội hồi phục, khỏe mạnh.
Dù vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về lâu dài G.S-T.S Mai Ngọc Cường cho rằng các ngân hàng cần phải có sự tính toán, bởi chi phí nghiệp vụ của các ngân hàng rất lớn, nên mức lãi suất nhận gửi và cho vay đang có sự chênh lệch cao (lãi suất nhận gửi thấp, cho vay cao - PV).
16 ngan hang cam ket giam lai vay: Doanh nghiep co hoi “song”?-Hinh-4
 T.S Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.
Trong khi đó, T.S Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đánh giá 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp rất lớn.
Tuy nhiên, T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay phải đưa ra kế hoạch cụ thể, giảm bao nhiêu, tiêu chí như thế nào và phải công khai dư luận (công khai loại khách hàng nào, quy mô rao sao, điều kiện để vay, chỉ số tài chính về đòn bẩy, lợi nhuận, chỉ số về thanh khoản…). Nếu như chỉ nói chung chung thì đến cuối cùng ngân hàng cũng chỉ chọn các doanh nghiệp mà có khả năng trả nợ, còn những doanh nghiệp cực kỳ khó khăn sẽ bị loại ra khỏi tầm ngắm.
Ngoài ra, ngân hàng Nhà nước cũng phải đưa ra chỉ đạo hết sức cụ thể về các loại doanh nghiệp nào cần phải giúp đỡ, dưới những chỉ tiêu như thế nào để các ngân hàng dựa trên cơ sở đó nhằm xây dựng bộ chỉ tiêu riêng mình.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay cần phải đưa ra một kế hoạch áp dụng cho toàn thể các ngân hàng. Ví dụ về điều này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra việc có thể xây dựng một tổ hợp tín dụng cho vay lãi suất thấp, cho vay theo hình thức tín chấp dành cho tất cả các ngân hàng tham gia.
Như vậy, tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn đều có cơ hội được vay nguồn vốn với mức lãi suất thấp nhằm phục hồi và phát triển.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)