Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh thành đang tiếp tục triển khai Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch. Chuỗi cung ứng đe dọa bị đứt gãy… Yếu tố bất định, khó lường của dịch bệnh tiếp tục chao đảo nhiều nền kinh tế trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam ta. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đang hết sức nỗ lực để khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19.
|
GS-TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. |
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) diễn ra tuần qua, Chính phủ đã bàn những nội dung hết sức quan trọng, thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025; Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; tình hình và các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2021. Đây là những điều xã hội hết sức quan tâm, kỳ vọng vào Chính phủ, thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong nhiệm kỳ này. PVVOV trao đổi với Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
“Trên dưới đồng lòng, tiền hô hậu ủng và dọc ngang thông suốt”
PV: Thưa Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, ông có đánh giá và cảm nhận như thế nào về nội dung làm việc tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?.
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường: Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, khóa XV. Phiên họp có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.
Qua theo dõi, tôi thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của phiên họp, cũng như sự đồng tâm, đồng lòng và đồng tình của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với nhiệm vụ sắp tới của đất nước. Thời gian của phiên họp cũng ngắn gọn, nhưng nội dung của phiên họp rất đầy đủ. Các nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, cũng như bản kế hoạch hành động của cả nhiệm kỳ Chính phủ đã cho chúng ta thấy, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trước mắt là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, cũng chỉ ra phương hướng, kế hoạch, phương châm hành động để đạt được các mục tiêu, các nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ trên một tinh thần, một sự đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và một sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị. Điều này được thể hiện trong lời phát biểu của Tổng Bí thư đã nhắc đến đó là: “Trên dưới đồng lòng, tiền hô hậu ủng và dọc ngang thông suốt”.
PV: Có thể thấy, bối cảnh thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ này hết sức khó khăn, đầy thử thách khi điều hành đất nước thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Quốc hội khóa XV. Vậy, ông quan tâm đến vấn đề gì khi Chính phủ tổ chức triển khai Chương trình hành động nhiệm kỳ này?
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường: Trong phương hướng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ có khá nhiều điểm mới và điểm nhấn. Tuy nhiên, ở đây có hai điểm rất ấn tượng. Điểm thứ nhất, Chính phủ đã chỉ rõ, phải kế thừa những bài học kinh nghiệm thành công của nhiệm kỳ trước; khai thác tối đa những lợi thế, những thành quả của nhiệm kỳ trước đã đạt được về kinh tế, quan hệ quốc tế, những kinh nghiệm trong phòng chống dịch để vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để tạo đà, tạo thế đưa đất nước bứt phá tiến lên.
Điểm thứ hai, trong phương hướng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra khâu yếu nhất chính là tổ chức thực hiện. Và chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay, khâu yếu là trực tiếp triển khai các Quyết định, quyết sách trong các cơ quan của bộ máy nhà nước.
Quay trở lại nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa vẫn lạnh”. Chính Phủ rất sốt ruột muốn thúc đẩy, nhân dân, doanh nghiệp rất mong đợi nhưng bộ phận thực thi đủng đỉnh, lảng tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trên thực tế, chúng ta cũng nhìn thấy vô cùng nhiều vấn đề, luôn luôn tạo ra những yếu tố, mà chúng ta coi là bức xúc của người dân, nhưng những cơ quan quản lý trực tiếp thì lại không hành động kịp thời. Đôi khi họ hay vin vào những quy định, vướng mắc, cho nên những công việc đó sẽ dừng lại chỉ vì những vướng mắc đó, chứ không hướng đến thực tiễn đang yêu cầu như thế nào.
Việc này dẫn đến những bất hợp lý, hay nghịch lý là “nguồn lực thì có, yêu cầu có nhưng triển khai thực hiện không được”. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là điển hình sự chậm trễ và kéo dài nhiều năm, cũng như kết quả của việc cải cách hành chính. Cụ thể, Chính phủ quyết tâm kêu gọi cắt giảm trên 50% thủ tục, nhưng trên thực tế, người dân, doanh nghiệp, cảm thấy vẫn không được bớt đi chi phí về mặt thời gian, vật chất cho thủ tục hành chính. Do vậy, theo tôi một khi Thủ tướng nhìn rõ các điểm nghẽn về mặt thủ tục hành chính, tôi cũng kỳ vọng có những biện pháp giải quyết căn bản điểm nghẽn này.
Chính phủ phải dám gạt bỏ, vượt qua các rào cản, mang lại lợi ích cho nhân dân và đất nước
PV: Theo khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, trong năm nay, giai đoạn này, phải tập trung ưu tiên số 1 cho chống dịch, chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn nhận cách thức Chính phủ điều hành, triển khai ứng phó với đợt dịch Covid 19 lần thứ tư này, ông có suy nghĩ gì?
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường: Tôi cũng đồng tình với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho cả kế hoạch 5 năm nhiệm kỳ, chúng ta phải thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ưu tiên số 1 của giai đoạn này, là phòng chống dịch.
Chúng ta cũng biết rằng, diễn biến làn sóng dịch lần này hết sức phức tạp, chính vì vậy phương thức ứng phó với dịch lần này cũng phải thay đổi. Thay đổi rõ nhất là chúng ta phải chấp nhận “sống chung với dịch” nhưng bằng cách sử dụng công cụ vaccine để tiến tới miễn dịch cộng đồng.
|
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. |
Chính phủ rất coi trọng và đặt ra chiến lược, đó là “Chiến lược vaccine đặc biệt”. Những hành động như “thành lập quỹ Vaccine” được đặc biệt quan tâm, để cho tất cả người dân dù không có khả năng chi trả, đều được tiêm phòng.
Cùng với đó, các hoạt động của Chính phủ như chiến lược về “ngoại giao vaccine” tăng nguồn vaccine, vận động đưa các cơ sở gia công vaccine chuyển về sản xuất trong nước; đẩy mạnh, nghiên cứu, sản xuất vacine trong nước. Cùng với đó, đặt ra mục tiêu rất rõ chúng ta cũng phải đạt được, đó là “miễn dịch cộng đồng”.
Bên cạnh đó, những biện pháp phòng chống dịch vẫn được thực hiện như “giãn cách xã hội” được triển khai khá phù hợp, kịp thời. Những biện pháp, như thực hiện 5K đã trở thành một hành động không phải chỉ là chỉ đạo của Chính phủ mà gần như một thói quen của cộng đồng, xã hội.
Những biện pháp về cứu trợ người dân và doanh nghiệp khó khăn như các chính sách về tài khóa như hoãn, giãn, miễn các khoản thuế, các khoản đóng góp, giãn trả nợ của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp bớt đi khó khăn và trụ lại qua mùa dịch.
Đặc biệt, những chính sách, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, ví như, cho doanh nghiệp vay tiền vốn với lãi suất bằng không để trả lương cho người lao động, hoặc trợ cấp trực tiếp cho người lao động không có thu nhập, người lao động tự do, hộ gia đình, kinh doanh, đều được hưởng trợ cấp này.
Tuy nhiên, đối với công tác phòng chống dịch hiện nay, chúng ta cần có một số biện pháp hữu hiệu hơn nữa, đặc biệt đối với vùng đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch. Việc phòng chống dịch đòi hỏi chúng ta, một mặt phải đáp ứng được nhu cầu đời sống, cho người dân khi cách ly, phong tỏa nhưng đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên vật liệu, cho cơ sở sản xuất kinh doanh không phải dừng.
Chính vì vậy, việc cách ly xã hội cở một số địa phương, nơi nào đó, không thông suốt được vận tải, lưu thông hàng hóa vừa gây khó khăn trong việc cung cấp nhu yếu phẩm, đồng thời, gây ra ách tắc lưu thông hàng hóa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu. Cho nên, theo tôi rất cần thiết phải sử dụng luồng xanh, mở rộng hơn luồng xanh này, phát triển hệ thống luồng xanh thành những đơn vị vận tải mang tính chất chuyên biệt.
PV: Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm, định hướng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới là: Quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Theo ông, phương châm, định hướng này cần thể hiện cụ thể như thế nào, trong việc thực hiện nhiệm vụ số 1- trước mắt- ứng phó với dịch Covid 19? Và nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt cả nhiệm kỳ, thực hiện nghị quyết ĐH 13, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV?
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường: Tôi rất tâm đắc với phương châm định hướng của Thủ tướng chính phủ cho cả nhiệm kỳ mới, đó là quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. Một Chính phủ hành động, lấy mục tiêu hiệu quả là thước đo, chính là Chính phủ phải dám gạt bỏ, vượt qua các rào cản như các quy định, các thủ tục hành chính, dám hành động để quyết định những việc thực tiễn đang đòi hỏi, người dân đang cần để mang lại lợi ích cho người dân, đất nước.
Đối với nhiệm vụ phòng chống dịch lúc này, chúng ta đều biết Quốc hội đã có Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ gần như toàn quyền quyết định. Trong đó, được quyết định các vấn đề trong luật pháp chưa quy định. Hoặc những vấn đề gì khác với những quy định hiện hành đang có, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để được phép thực hiện.
Rõ ràng tinh thần này, là tinh thần giúp cho Chính phủ đặt mục tiêu “Làm thế nào phải hành động, phải đạt được hiệu quả tốt nhất trong phòng chống dịch, chứ không bị ràng buộc bởi các yếu tố về luật pháp và quy định hành chính khác”.
Qua theo dõi tôi thấy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, hành động xuyên suốt nhiệm kỳ đó là “Phải bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Coi trọng sự phù hợp với thực tiễn, phải đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Khi thấy thực tiễn chấp nhận và được nhiều người đồng tình, thì quyết định phải làm”. Dó đó, lấy quy chuẩn của thực tiễn làm căn cứ, làm cơ sở, làm kế hoạch hành động, thì đây là một cơ sở hết sức quan trọng để đổi mới phương thức hành động của nhà nước.
Đó chính là cơ sở để chúng ta thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước. Từ chỗ chỉ căn cứ vào các quy định, quy trình để giải quyết công việc. Đó cũng là phong cách làm việc của Chính phủ quản lý, bây giờ chuyển sang phong cách, phương thức dựa vào yêu cầu thực tiễn, đáp ứng sự phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, phải lấy tiêu chí, lấy mức độ đáp ứng, thỏa mãn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, để làm thước đo kết quả, hiệu quả hoạt động của bộ máy, cũng như thước đo cho đánh giá cán bộ. Đó cũng là phương châm hành động của Chính phủ phục vụ.
PV: Vậy để nói một cách ngắn gọn, theo ông, những vấn đề gì Chính phủ cần tập trung để triển khai thành công Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội?
Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Văn Cường: Theo tôi để thực hiện thành công chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như Quốc hội đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người dân, Chính phủ phải quyết tâm hành động, chuyển từ Chính phủ quản lý, lấy việc tuân thủ chấp hành đúng quy định làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ sang Chính phủ phục vụ. Có nghĩa là lấy kết quả, hiệu quả đang làm và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bộ máy cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ.
Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với 6 quan điểm hành động, Chính phủ đặt ra và hướng vào thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đạt được 23 mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!