Bên hành lang QH chiều 30/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí về hội nghị APEC sắp diễn ra.
Thưa Bộ trưởng, vấn đề chủ yếu đặt ra tại APEC là kinh tế - thương mại, chúng ta đã chuẩn bị thế nào để lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên đồng thuận với những đề xuất dự kiến Việt Nam đưa ra?
Từ đầu năm đến giờ, các đề xuất của Việt Nam đều được các nước đồng ý.
Tất cả các văn kiện đang xây dựng, Việt Nam đang thảo luận với các nước để có thể đạt được đồng thuận cao trong tuần lễ cấp cao tới đây. APEC, cơ bản là thương mại tự do và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
|
Việt Nam năm nay thúc đẩy thêm nữa vấn đề hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa để tạo môi trường cho khu vực kinh tế này phát triển. Vấn đề khác là nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số.
Đó là những vấn đề mà các hội nghị trong năm qua đã triển khai rồi. Về nguồn nhân lực, về thương mại, về tài chính, riêng tài chính thì có 4 nội dung cũng hết sức cần thiết (Tài chính cho cơ sở hạ tầng; Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS); Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm).
Tất cả những nội dung đã có trong các hội nghị bộ trưởng vừa qua sẽ được hội nghị liên Bộ trưởng sắp tới bàn thảo, thống nhất để đưa vào văn kiện trình lên hội nghị cấp cao. Hội nghị cấp cao sẽ có tuyên bố về các vấn đề trong năm 2017.
Công tác ngoại giao hết sức thành công
Ngoài hội nghị cấp cao, cũng nhân dịp này, Việt Nam sẽ đón 4 chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của các nguyên thủ thế giới mà dư luận trong và ngoài nước đều quan tâm. Bộ trưởng có thể thông tin về các chuyến thăm này, mục tiêu đặt ra với mỗi chuyến thăm?
Mục tiêu cao nhất là để nâng cao quan hệ của Việt Nam với các nước và với từng nước mà lãnh đạo lần đầu tiên có chuyến thăm tới Việt Nam: Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình chính thức thăm Việt Nam sau Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump và Tổng thống Chile Michelle Bachelet.
Việc ông Tập Cận Bình, ông Donald Trump thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa thế nào?
Đấy là điều đặc biệt của năm nay, vì Việt Nam là nước chủ nhà của APEC. Việc các nước nhân dịp tới dự hội nghị cấp cao APEC để thăm chính thức Việt Nam cũng là công việc thường xuyên.
Tuy nhiên việc nước nào chọn đi thăm chính thức dịp này thể hiện quan hệ của nước đó với Việt Nam phát triển. Vì dịp này có lãnh đạo của nhiều nước đi dự hội nghị nhưng cũng không phải là đi thăm chính thức mà chỉ là đi dự hội nghị.
Việc 4 nguyên thủ chọn thăm chính thức Việt Nam những ngày tới cũng thể hiện công tác ngoại giao của chúng ta trong năm nay hết sức thành công.
Vị thế của Việt Nam đang lên trên trường quốc tế nên nhiều nước muốn nhân dịp này để thực hiện chuyến thăm song phương, thăm chính thức cấp nhà nước để thúc đẩy hơn nữa các vấn đề trong quan hệ song phương chứ không chỉ là đa phương trên phương diện APEC.
Cả Mỹ và Trung Quốc trong năm 2015, 2016 đều đã có những chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam. Điều này thể hiện rõ quan điểm, chủ trương thúc đẩy phát triển quan hệ với Việt Nam.
Việc đón cả 2 lãnh đạo lớn của thế giới chúng ta đã chuẩn bị thật chu đáo, cho thấy Việt Nam giữ quan hệ đa phương tốt đẹp, có ý nghĩa với các cường quốc.