Phó Chánh án bị đâm: Vì sao đối tượng bị tuyên án vẫn tại ngoại?

Google News

Tuân bị cấp tuyên y án 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, mới đây, Tuân đã dùng kéo đâm thẩm phán để trả thù.

Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đang tạm giữ Trần Văn Tuân (SN 1973, thôn Long Hồ Hạ 2, Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để điều tra làm rõ hành vi đâm trọng thương ông Nguyễn Văn Quý, Phó chánh án TAND huyện Cam Lộ.
Khoảng 14h45 ngày 2/5, khi ông Quý đang nghiên cứu hồ sơ tại phòng làm việc, Trần Văn Tuân xông vào phòng, dùng kéo sắc nhọn (chuẩn bị từ trước) đâm nhiều nhát vào vùng cổ, lưng, đầu, bụng ông Quý. Tuân đã bị cán bộ tòa cùng Công an huyện bắt giữ, ông Quý được đưa đi cấp cứu trong tình trạng tràn dịch màng phổi.
Pho Chanh an bi dam: Vi sao doi tuong bi tuyen an van tai ngoai?
Hiện trường vụ việc. 
Ông Nguyễn Văn Quý là thẩm phán chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Văn Tuân 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS (Bản án số 34/2023/HS-ST ngày 19/12/2023). Tuân điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ mooc gây tai nạn giao thông, tông chết người rồi bỏ chạy.
Bị cáo Tuân sau đó kháng cáo xin hưởng án treo. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Tuân không thành khẩn, không thừa nhận hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Do đó, cấp phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị cáo Tuân, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vì vậy, Tuân đã chuẩn bị sẵn kéo sắc, nhọn để thực hiện hành vi trả thù thẩm phán Quý.
Từ thông tin vụ án trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, hành vi đâm thẩm phán để trả thù của Tuân là hết sức côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Do đó, việc bắt giữ xử lý đối tượng này là cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Nhận định về mức án 3 năm tù 2 cấp tòa đã tuyên đối với Trần Văn Tuân do gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người, luật sư Cường cho rằng, người vi phạm giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Với hành vi vi phạm giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn, Tuân bị truy cứu theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Tòa án tuyên phạt Tuân 3 năm tù là có căn cứ, đúng pháp luật.
Mức án 3 năm tù mà hai cấp xét xử tuyên với Trần Văn Tuân là mức thấp nhất của khung hình phạt, không cho đối tượng hưởng án treo là có căn cứ. Tuy nhiên, với ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác và với bản tính côn đồ, Tuân đã thực hiện hành vi tấn công thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm trước đây để trả thù. Đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội nên cần phải xử lý nghiêm minh.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ phạm tội, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, xác định hậu quả có thể gây ra đối với nạn nhân để xử lý đối tượng này về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích.
Nêu ý kiến về việc Tuân bị tuyên án 3 năm tù nhưng vẫn được tại ngoại và gây ra hành vi trên, luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.
Với người phạm tội ít nghiêm trọng (hình phạt tới 3 năm tù) và tội nghiêm trọng (hình phạt tới 7 năm tù), cơ quan tiến hành tố tụng sẽ mặc nhiên áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chỉ đối với những trường hợp bị can bị bắt theo lệnh truy nã, có căn cứ cho thấy bị can tiếp tục phạm tội, bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra, xúi giục, ép buộc người làm chứng khai báo gian dối…khi đó mới áp dụng quyết định tạm giam.
Đối với trường hợp người phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng (hình phạt 7-15 năm) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (15-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), mặc nhiên sẽ tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp bị can là người già yếu, bệnh nặng, phụ nữ có thai.
Trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu Trần Văn Tuân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự (do có hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông), đây là tội rất nghiêm trọng nên hoàn toàn có thể tạm giam đối tượng này trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Vấn đề này cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án này để xác định việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng này có đúng pháp luật hay không để xem xét trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây khi giải quyết vụ án này.
Để giảm thiểu những vụ việc nêu trên, cần thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, vụ việc trên cũng cho thấy vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cho tòa án cấp huyện vẫn còn nhiều bất cập về cơ sở vật chất, về lực lượng cũng như phương án để đảm bảo an toàn cho thẩm phán, cán bộ tòa án. Đây là bài học cho công tác đảm bảo an ninh an toàn cho người thi hành công vụ, cho hoạt động tư pháp hình sự. Do đó, cần trang bị phương tiện vật chất kỹ thuật, lực lượng để đảm bảo an ninh, an toàn nơi công đường. Đồng thời, cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho các thẩm phán, cán bộ tòa án và những người tiến hành tố tụng khác, đặc biệt là đối với những vụ án nhạy cảm, phức tạp.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy lùng người đàn ông đâm chết vợ và 2 người phụ nữ khác
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)