Trong phiên xử vụ án BS Hoàng Công Lương, ông Thắng được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án, được toà mời đến. Tuy nhiên, từ khi mở phiên toà (15/5) đến nay, ông liên tục vắng mặt với lý do sức khoẻ.
Ông Thắng hiện là Trưởng khoa Dược của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Thời điểm xảy ra vụ án, ông Thắng là trưởng phòng Vật tư, BVĐK tỉnh Hoà Bình.
Khi được mời lên khai báo, trước toà, ông Thắng đã xin lỗi HĐXX vì đã vắng mặt mấy ngày trước. “Hôm nay, sức khoẻ đã đỡ nên mới đến được toà”, ông Thắng nói.
|
Ông Trần Văn Thắng trong phiên toà chiều 24/5. Ảnh: TTVN |
Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Thắng nhỏ giọng, ho liên tục. Cũng vì lý do sức khoẻ, không nói được nhiều, vào gần cuối phiên toà chiều 24/5, thậm chí ông còn đề nghị HĐXX những người đặt câu hỏi với ông nên đặt các câu hỏi theo dạng trả lời: “Có/Không”.
Trong phiên toà kéo dài chỉ gần 2 giờ đồng hồ chiều 24/5, ông Thắng được VKS, các luật sư hỏi nhiều về hợp đồng số 315 giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hoà Bình.
Trả lời HĐXX, ông Thắng cho biết: khi bị cáo Trần Văn Sơn báo cáo thủ tục đã xong ông hiểu là “đã có hợp đồng rồi”, vì từ trước đến nay, bị cáo Sơn phụ trách hoàn toàn đơn nguyên này (Thận nhân tạo) và làm luôn thủ tục “từ A đến Z”, chỉ khi nào xong xuôi tất cả, Sơn mới có biên bản bàn giao chính thức giữa 3 bên: Sửa chữa – Vật tư- Sử dụng; sau đó sẽ chuyển cho phòng Tài chính kế toán để thanh lý hợp đồng.
Trong suốt quá trình đó, ông Thắng nói chỉ nhận được hồ sơ bị cáo Sơn chuyển cho báo giá của công ty Thiên Sơn.
Tại toà, ông Thắng liên tục nói “không” với những câu hỏi của HĐXX. Ông Sơn nói không được nhận về hồ sơ, sổ sách liên quan đến hợp đồng; cũng như không được ai báo cáo về thanh lý hợp đồng, hoàn tất thủ tục…
Đặc biệt, ông Thắng cũng cho rằng ông “không biết” hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 ngày 28/5/2017. Ông cũng không được giao việc thương thảo gói thầu sửa chữa hệ thống RO.
Khi luật sư đưa ra bằng chứng là biên bản việc thương thảo hợp đồng giữa ông Thắng và ông Dương (Trương Quý Dương – Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình) với đại diện Công ty Thiên Sơn, ông Thắng nói, sau khi bị cáo Sơn phát hiện ra hệ thống nước RO số 2 có sự cố, Sơn có báo cáo ông Thắng. Ông Thắng biết Sơn không có năng lực sửa chữa nên chỉ đạo Sơn đi tìm đối tác có kinh nghiệm.
“Anh Sơn chủ động làm, có kết quả thì thể hiện ở báo giá với tôi. Tôi chỉ đạo anh Sơn làm tất cả các thủ tục, tôi chỉ nói chung chung vì trước đó anh Sơn đã làm quá nhiều lần rồi chứ đây không phải lần đầu tiên, Sơn hiểu cần phải làm cái gì” – ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, về hợp đồng 315, sau khi giám đốc ký thì thì giao cho trưởng phòng Vật tư là đúng. Giao cho trưởng phòng vật tư, ông Thắng nói “có thể gọi anh em của tôi lên lấy”.
Cụ thể ngày 28/5/2017 việc tổ chức triển khai việc sửa chữa theo hợp đồng, ông Thắng khai: Sau khi giao ban, anh Sơn có báo cáo về các thủ tục đã xong. Trong quá trình thực hiện sửa chữa, tôi giao cho anh Sơn sang theo dõi giám sát. Tôi ủy quyền miệng cho anh Sơn ở giao ban. Khi nghe Sơn báo cáo sửa xong rồi, tôi không có cảnh báo gì vì "không có giá trị".
"Anh Sơn không báo cáo cho tôi về hợp đồng 315. Tôi giao cho anh Sơn quản lý, bảo dưỡng sửa chữa ở phòng vật tư", ông Thắng trả lời VKS.
Cùng với đó, ông Thắng cũng nói “không biết” việc thanh lý hợp đồng 315 có hay chưa, nhưng theo ông Thắng, “phải có văn bản nhiệm thu giữa ba bên thì mới chuyển lên phòng tài chính thanh lý hợp đồng".
Nguyên Trưởng phòng Vật tư nói rằng, thủ tục thanh lý phải có biên bản bàn giao thiết bị dưới sự chứng kiến của phòng vật tư, công ty sửa chữa và đơn vị sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, ông chưa nhận được biên bản nghiệm thu bàn giao việc sửa chữa ngày 28/5/2017.
Ông Thắng nói toàn bộ hợp đồng 315 do bị cáo Trần Văn Sơn giữ. Sơn đang trong quá trình thử thách để bổ nhiệm làm phó phòng nên được giao nhiều công việc.