Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhiều năm qua hoạt động này luôn được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh/thành phố quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả, giúp các ngành, các cấp có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xác định, phê duyệt và thực hiện các đề án, dự án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
|
Liên hiệp Hội TP Đà Nẵng đã tập trung hoàn thành đồ án quy hoạch chung TP đến năm 2030 tầm nhìn 2050 |
Ông Trần Quốc Tuấn – Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Liên hiệp Hội Đà Nẵng cho biết, tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền; là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra. Đồng thời, xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan và không vì mục đích lợi nhuận.
Đặc biệt cũng là nơi tập hợp đông đảo lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực để tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường. Hoạt động tư vấn, phản biện của hệ thống Liên hiệp hội thực hiện trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, được chính quyền và các cơ quan, ban, ngành thành phố ghi nhận.
Triển khai thực hiện các Quyết định 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 23/9/2015 của UBND thành phố, quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội, thời gian qua, Liên hiệp hội Đà Nẵng và các Hội thành viên đã chủ động đề xuất và được UBND thành phố giao thực hiện tư vấn, phản biện nhiều đồ án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, điển hình đó là: Công trình Hầm chui qua Sông Hàn, Quy hoạch Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Quy hoạch KCN Hòa Nhơn; Quy hoạch KCN Hòa Ninh; Quy hoạch KCN Hoà Cầm giai đoạn 2; Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc tp. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cấp điện tp. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cây xanh tp. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch nghĩa trang; Quy hoạch điện chiếu sáng; Quy hoạch phân khu tp. Đà Nẵng.
Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đã có nhiều đóng góp vào các dự án, chính sách của thành phố, cụ thể như Hội Cầu đường thành phố tham gia góp ý dự án Điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố; dự án điều chỉnh, phân luồng tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu tại cụm giao thông phía Tây Cầu Rồng; Hội Cơ khí có nhiều ý kiến đóng góp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố, trong đó chú trọng sự phát triển của ngành cơ khí thành phố; Hội Đúc – Luyện kim tham gia đánh giá kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy sản xuất đinh tại KCN Hòa Khánh Bắc; Hội Chiếu sáng tham gia dự án thí điểm “Hệ thống điều khiển chiếu sáng trung tâm”; Hội KHKT Nhiệt đã tham gia đánh giá, góp ý “dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải của TP. Đà Nẵng”; Hội Điện lực miền Trung – Tây nguyên phản biện đề tài nghiên cứu, sản xuất công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá, tích hợp đọc chỉ số qua sóng vô tuyến. Hội nghề cá đề xuất vị trí bố trí điểm neo đậu tàu cá trên địa bàn cũng như xâydựng thêm khu neo đậu tàu thuyền tại Vịnh Mân Quang để giảm tải cho âu thuyền Thọ Quang; Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tư vấn nhiều trường hợp khiếu nại trực tiếp liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tư vấn nhiều trường hợp khiếu nại trực tiếp liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Hội Luật gia tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo “Luật SĐ-BS một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương; dự thảo Luật SĐ-BS một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều..
|
Liên hiệp Hội Sơn La tư vấn tham gia ý kiến đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
|
Còn theo chia sẻ của bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp Hội Sơn La, với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành tham gia vào “Ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức”, nhiều năm nay, Liên hiệp Hội đã triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất, tổ chức tư vấn, phản biện được 32 vấn đề với tỉnh và các sở, ngành bằng nhiều hình thức, như: Hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn, viết bài nghiên cứu trao đổi gửi tới các cơ quan dự thảo các văn bản cần tư vấn, phản biện. Trong đó, có 11 vấn đề nổi bật, góp ý vào dự thảo văn kiện phục vụ 3 kỳ Đại hội lần thứ XIII, XIV, XV Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 17/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị. Tổ chức tư vấn, phản biện nhiều dự thảo văn bản do các ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh: Dự thảo sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020; Dự thảo Đề án Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020...
Ngoài ra, Liên hiệp Hội đã tích cực tham gia và thể hiện được chức năng tư vấn và phản biện trong các Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu đề tài, dự án nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; tham gia Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, cũng như đóng góp ý kiến tại một số hội nghị, hội thảo về kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp Hội có luận cứ chặt chẽ, được các cấp, các ngành hữu quan đánh giá cao. Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội ngày càng trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của Liên hiệp Hội.
Còn theo chia sẻ của ông Trần Văn Vũ – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Trà Vinh, tuy đạt được nhiều kết quả tốt trong hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội còn gặp một số khó khăn như còn một số ban ngành, cơ quan, tổ chức có các chương trình, dự án đầu tư chưa chủ động đặt hàng với Liên hiệp Hội thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội do chưa có cơ chế “bắt buộc”. Hầu hết các dự án được tư vấn, phản biện và giám định xã hội là do Liên hiệp hội tự chủ động đề xuất.
Số lượng các chương trình, dự án được Liên hiệp Hội thực hiện tư vấn, phản biện thời gian qua chưa nhiều. Dẫn đến có một số thời điểm, kinh phí được cấp cho hoạt động tư vấn, phản biện chưa được sử dụng, phải hoàn trả ngân sách.
Chính vì thế, để Liên hiệp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn hơn nữa, Liên hiệp Hội hàng năm sẽ chủ động đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh về các chương trình, kế hoạch thuộc đối tượng cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
|
Liên hiệp Hội Trà Vinh nhiều năm qua đã tổ chức nhiều hội thảo tư vấn phản biện |
Tổ chức triển khai thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi có yêu cầu, có biện pháp thích hợp để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi ở các Hội thành viên và các tổ chức khác ở trong và ngoài tỉnh am hiểu về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và các lĩnh vực theo quy định để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tổ chức hệ thống thông tin, phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phục vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hệ thống Liên hiệp Hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về các văn bản quy định, các chính sách, quy hoạch của tỉnh; cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Liên hiệp Hội. Lựa chọn và giới thiệu các chuyên gia có đủ năng lực và trình độ cho từng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Khi cần thiết có thể mời chuyên gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các Viện, Trường, các tỉnh, thành bạn có chuyên môn phù hợp thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội và tổ chức thành lập Tổ công tác tư vấn, phản biện.