Ông Phát cho biết, Liên hiệp Hội được thành lập từ năm 1994, từ một tổ chức hội có 7 hội thành viên, với khoảng 8.000 cán bộ, hội viên, đến nay Liên hiệp Hội đã có 30 hội thành viên, 5 trung tâm khoa học công nghệ trực thuộc và 5 đơn vị liên kết, với hơn 22.853 cán bộ, hội viên hoạt động tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh Thanh Hóa.
Tâm sự về quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp Hội, ông Phát cho hay ngay sau khi được thành lập, tổ chức bộ máy cơ quan Liên hiệp Hội sớm được kiện toàn, Ban Chấp hành Liên hiệp Hội có 14 người. Đến Đại hội VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023) Ban Chấp hành tăng lên 41 người. Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hội có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; bộ máy tổ chức gồm có văn phòng và 2 ban (Ban Khoa học công nghệ - tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Ban Thông tin, tuyên truyền và đối ngoại hợp tác quốc tế).
Hoạt động của Liên hiệp hội ngày càng rõ nét, luôn bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh; thể hiện trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động đội ngũ trí thức góp phần vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân và tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Các hoạt động như đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội đảng các cấp, các văn bản của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, chủ trì các giải thưởng, hội thi sáng tạo kỹ thuật. Những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức ngày càng có ý nghĩa hơn, có giá trị về mặt khoa học thể hiện tinh thần, trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, sát thực, có giá trị thực tiễn, phù hợp với tình hình của địa phương trên cơ sở những chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.
Còn đối với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội và các hội thành viên đạt được nhiều kết quả tốt, từ nghiên cứu ứng dụng đến chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển cộng đồng. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, các hội thành viên và cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã thực hiện trên 400 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 17 dự án của các tổ chức quốc tế, một số đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, còn lại là đề tài cấp ngành và cơ sở. Các đề tài, dự án KH&CN đều bám sát yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Kết quả nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều đề tài, dự án đã tập hợp được đông đảo hội viên thuộc đa ngành, đa lĩnh vực tham gia.
Cơ quan thường trực Liên hiệp hội và các trung tâm KH&CN trực thuộc, thời gian qua đã thực hiện thành công hàng chục đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu, triển khai tại những vùng miền núi đặc biệt khó khăn như: Dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững rừng luồng bản địa Thanh Hóa”; Dự án “Khôi phục nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Lát” do Quỹ môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc tài trợ; Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng tại huyện Bá Thước” và Dự án Nâng cao hiệu quả hợp tác và học hỏi của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam - ENABLE”, do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ trên cây cọ khiết cho các tỉnh miền núi phía Bắc”; cùng với một số dự án phát triển khác của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Thông qua thực hiện những đề tài, dự án khoa học và công nghệ nêu trên, Liên hiệp hội đã xây dựng được nhiều mô hình về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho cộng đồng có hiệu quả và đang được phát huy tác dụng. Nhiều mô hình có ý nghĩa sâu sắc về mặt kinh tế - xã hội được các cấp chính quyền và cộng đồng đánh giá cao.
Xác định rõ hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Liên hiệp hội, vì vậy đã được Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên hiệp hội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cán bộ khoa học của Liên hiệp hội, các hội thành viên đã tham gia các hoạt động tư vấn và hội đồng khoa học chuyên ngành, đóng góp tốt cho các chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương.
Liên hiệp hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu để UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 163/2016/QĐ-UBND, ngày 14-1-2016 quy định hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (theo Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Đây là văn bản pháp lý quan trọng để Liên hiệp hội thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án và những chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành; đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN tham gia đóng góp trí tuệ vào các chủ trương, chính sách và các đề án lớn, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào chương trình công tác hàng năm (từ năm 2015-2019) của UBND tỉnh, Liên hiệp hội đã có văn bản đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh giao phản biện 21 nhiệm vụ.
Đến nay, Thường trực Liên hiệp hội đã tiến hành thành lập các hội đồng khoa học phản biện thành công 19 nhiệm vụ. Trong đó có một số đề án có quy mô, phạm vi nghiên cứu rộng, tính chất chuyên sâu tiêu biểu như các Đề án: “Phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”; “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”; Đề án “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN để KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa”... Ngoài ra, Liên hiệp hội còn tham gia góp ý, phản biện các đề án, dự thảo Luật, giúp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và Đoàn ĐBQH tỉnh có thêm thông tin, căn cứ, số liệu khi đóng góp các dự thảo Luật trong các kỳ họp; đồng thời Liên hiệp hội cũng cử đại diện tham gia các hội đồng thẩm định cấp tỉnh các đề án, dự án do các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng.
Về hoạt động thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, theo ông Phát thì Liên hiệp hội đã bám sát các sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, hoạt động thông tin, truyền thông của Liên hiệp hội, các hội thành viên đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong nước và thế giới; phản ánh được các tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình hoạt động hội thiết thực và hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình làm giàu và xóa đói giảm nghèo trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, song song với việc duy trì phát triển ấn phẩm đặc san Khoa học Thanh Hóa, Liên hiệp hội đã thành lập trang thông tin điện tử (website) và bản tin nội bộ đưa vào hoạt động có hiệu quả.
Công tác xuất bản ấn phẩm thông tin và truyền thông của Liên hiệp hội đã được thực hiện tốt. Đặc san Khoa học Thanh Hóa là “Diễn đàn trí thức KHCN” phát hành hàng quý, đã xuất bản được gần 100 số với hàng vạn bản, phát hành rộng rãi trong hệ thống liên hiệp hội cả nước và các địa phương trong tỉnh, đảm bảo chất lượng, nội dung tốt, hình thức đẹp. Trang thông tin điện tử với nhiều thông tin phong phú đến nay đã có gần 2 triệu lượt người truy cập. Ngoài ra, nhiều cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia viết tin, bài, gửi đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, Liên hiệp hội đã chủ trì tổ chức triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Hội thi Sáng tạo kỹ thuật trong tỉnh và tôn vinh những tài năng sáng tạo.
Hằng năm, Liên hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc khen thưởng cho các cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng Lao động sáng tạo. Liên hiệp hội đã phối hợp tham gia với các sở, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ kinh phí khen thưởng để tổ chức Hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh; đồng thời đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thành công 11 hội thi sáng tạo kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng hàng năm, phát động tham gia Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc đạt hiệu quả cao. Thông qua hội thi, cuộc thi, giải thưởng đã có hàng ngàn công trình, giải pháp kỹ thuật tham dự, hàng trăm công trình, giải pháp được ban tổ chức trao giải, nhiều tác giả được nhận Bằng khen của các cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn làm lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Đối với hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu trong 5 năm qua, Liên hiệp hội đã thành lập hội đồng xét chọn. Căn cứ vào các tiêu chí theo quy định, Liên hiệp hội đã xét chọn, giới thiệu và được Hội đồng xét chọn Trung ương công nhận 4 cá nhân là trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, 2017 và năm 2019; trong đó 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 1 trí thức KH&CN tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018. 2 cá nhân được tôn vinh là nhà Khoa học của Nhà nông Việt Nam lần thứ nhất năm 2018, 2019. Liên hiệp hội đã phối hợp với các đơn vị có liên quan lựa chọn và giới thiệu các công trình đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam, báo cáo UBND tỉnh giới thiệu 6 công trình tiêu biểu vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Kết quả có 4 công trình đã được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017, 2018, 2019.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích hoạt động trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp hội và một số hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Bằng khen, phần thưởng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Theo ông Phát, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số hoạt động của Liên hiệp hội vẫn còn tồn tại hạn chế như tổ chức của Liên hiệp hội có sự phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn chưa cao; tỷ lệ trí thức được tập hợp trong các tổ chức của Liên hiệp hội còn hạn chế. Đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Thanh Hóa ở tỉnh ngoài.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 162-KH/TU, ngày 14-8-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự CNH, HĐH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, chắc chắn KH&CN của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục có những bước phát triển, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội, ông Phát chia sẻ.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Thanh Hóa: Bắt nhóm hoạt động sinh hoạt Hội Thánh Đức Chúa Trời
Nguồn: Đài PTTH Thanh Hóa