Phẫn nộ nạn bảo kê hàng rong cổng bệnh viện Nghệ An

Google News

(Kiến Thức) - 4 nghi phạm, trong đó có 2 vợ chồng ở Nghệ An, vừa bị công an bắt giữ vì thu tiền “bảo kê” của những người bán hàng rong, quán ăn, uống trước cổng Bệnh viện đa khoa Nghệ An.

Ngày 19/12, Công an TP Vinh, Nghệ An cho biết vừa bắt giữ băng nhóm bảo kê hàng rong cổng bệnh viện Nghệ An. Người cầm đầu trong băng nhóm này là Nguyễn Văn Hoàn (29 tuổi, ngụ xóm 13, xã Nghi Phú, TP Vinh) cùng Trương Thị Mỹ Nhung (34 tuổi, vợ của Hoàn), Nguyễn Thế Anh (37 tuổi, xã Nghi Phú), Nguyễn Hồng Thái (31 tuổi). Riên Nguyễn Văn Sinh (27 tuổi) hiện đang bỏ trốn.
Nhóm của Hoàn bị điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và cưỡng đoạt tài sản. Theo hồ sơ vụ việc, gần đây nhiều quầy hàng, quán nước, quán ăn trước khu vực Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An thường xuyên bị một nhóm người xăm trổ quậy phá, đòi thu tiền phí bảo kê hằng tháng, số tiền thu sẽ tùy vào các loại mặt hàng buôn bán khác nhau
Những hộ kinh doanh không nộp hoặc nộp muộn thì bị nhóm người này chửi bới, đe dọa, sẵn sàng sử dụng hung khí đánh đập. Giữa tháng 11/2020, nhóm người trên đến thu tất cả các quầy hàng quanh khu vực với số tiền mỗi quầy hàng là 500.000 đồng.
Phan no nan bao ke hang rong cong benh vien Nghe An
 Đối tượng Trương Thị Mỹ Nhung và Nguyễn Văn Hoàn tại cơ quan Công an.
Một số người không đồng tình với việc phải nộp tiền một cách vô lý và phản ứng lại liền bị Hoàn và đồng bọn dùng dao phóng lợn, tuýp sắt, gạch đá rượt đuổi, đánh đập gây náo loạn cả khu vực ngoài bệnh viện. Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng công an có mặt.
Nhiều nghi phạm trong băng nhóm này đã từng mang các tiền án về tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Cơ quan điều tra đã thu giữ 18 triệu đồng mà nhóm Hoàn thu của 36 quầy hàng trước cửa bệnh viện đồng thời tiếp tục hoàn tất hồ sơ, xử lý các nghi phạm. Tháng 8/2016, Công an TP Vinh cũng bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Sơn, 54 tuổi, đội phó đội quy tắc đô thị xã Nghi Phú, TP Vinh, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Ông Sơn bị cáo buộc nhận tiền "làm luật" với những người bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.
Phan no nan bao ke hang rong cong benh vien Nghe An-Hinh-2
Công an thu giữ hung khí các nghi phạm sử dụng. 
Trước đó, những ngày đầu tháng 5/2020, khi thông tin Lý Thị Loan (tức Loan “cá”, trú tại phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị cơ quan công an bắt giữ thì nhiều người ngỡ ngàng nhận ra khoản phí không chính thức mà nhóm giang hồ này bắt mỗi tiểu thương phải nộp là quá lớn.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai hiện đang mở rộng điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản do Loan “cá” và chồng là Nguyễn Quốc Tuấn (tức Tuấn “cá”) cầm đầu. Đây là băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê, thu tiền của những người buôn bán tại các khu chợ công nhân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và khu vực chợ Hóa An (TP Biên Hòa) nhiều năm nay khiến các tiểu thương sợ hãi.
Để tạo uy thế, nhóm Loan “cá” thị uy sức mạnh bằng những đàn em xăm trổ đầy mình. Nhóm này chuyên dùng vũ lực đe dọa, hành hung buộc những người bán hàng tại khu vực trên phải nộp tiền bảo kê 1 - 1,5 triệu đồng/tháng để được buôn bán.
Phan no nan bao ke hang rong cong benh vien Nghe An-Hinh-3
Vợ chồng Loan "cá" bị bắt giam.
Riêng những người bán dạo không thường xuyên thì thu theo ngày với giá 50.000 đồng/ngày. Dù nộp 50.000 đồng/ngày nhưng cả tháng thì con số đã lên tới 1,5 triệu đồng. Nói như một nạn nhân của Loan “cá”, mỗi tháng lãi 3 triệu đồng nhưng đã bị thu tới 1,5 triệu để được bán ở chợ tạm. Chi phí không chính thức đã chiếm tới 50% khoản lãi.
Qua đây, dư luận cũng đặt ra câu hỏi vậy nhiều chợ khác trên cả nước liệu có tình trạng này không? Điểm chung của các tiểu thương kinh doanh ở chợ là việc chấp nhận bỏ ra những khoản chi phí không chính thức để được làm ăn yên ổn, được việc, không bị quấy nhiễu, phiền hà. Điều đáng nói, các đối tượng bị bảo kê ở chợ phải chi phí ngầm để được việc lại coi chi phí không chính thức như một khoản phải chấp nhận.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, hiện tượng bảo kê chợ, hay gọi cách dân dã là “thu phế” của một số đối tượng xã hội đen diễn ra khá phổ biến, xảy ra trong nhiều năm vẫn không bị xử lý triệt để. Đây cũng là vấn đề mà nhiều tiểu thương, người dân quan tâm.
Luật sư Hùng nói: "Có lẽ xuất phát từ tâm lý cam chịu, làm ăn buôn bán nhỏ và muốn yên thân để được kinh doanh mà các tiểu thương không dám tố cáo. Những trường hợp nào tố cáo dễ bị trù dập, trả thù, đe dọa, thậm chí đuổi khỏi chợ. Các đối tượng sẽ dùng mọi thủ đoạn trù dập như cản trở, dựng xe trước mặt, xua đuổi khách và không từ bất cứ thủ đoạn nào để người kinh doanh không bán được hàng. Như thế, những người tố cáo sẽ không thể ở lại kinh doanh được".
Phan no nan bao ke hang rong cong benh vien Nghe An-Hinh-4
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội 
Theo luật sư Hùng, trường hợp nếu tố cáo ra công an, chính quyền địa phương thì phần lớn các vụ việc cũng bị làm ngơ, không xử lý. Đây cũng là dấu hỏi rất lớn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật khi để xảy ra tình trạng như vậy. Hoặc trường hợp buộc phải làm thì chứng cứ không có, số tiền chiếm đoạt từng lần quá nhỏ, dưới mức có thể khởi tố vụ án, nên các cơ quan tố tụng cũng không đề cập xử lý. Khi sự việc diễn ra trong thời gian dài, không ai xử lý, có lẽ mọi người cũng dần quen với việc nộp tiền bảo kê và chỉ mong muốn yên ổn làm ăn.
Luật sư Hùng khẳng định: “Qua đây, chúng ta thấy rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm quản lý, xử lý hành vi trái pháp luật của các cơ quan chức năng còn yếu kém, dung túng, không bám sát nơi quản lý, dẫn đến việc hành vi trái pháp luật, bảo kê kéo dài. Chúng ta mong rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định pháp luật. Đây là bài học răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các khu chợ”.
>>>>> Xem thêm video: Phức tạp hoạt động bảo kê chợ

Nguồn: VTV24.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)