Ngày 25/7, tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Kim Hưng (Hưng "kính", SN 1963) và đồng phạm trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên. Bón bị cáo khác cùng hầu tòa với Hưng “kính” gồm Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968) đều là nhân viên của tổ bốc dỡ số 2, chợ Long Biên.
Bị hại Nghiêm Thúy Nga nói đã 2 lần tự tử
Ngay đầu phiên tòa, trái với hình ảnh trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng "kính" thường xuyên nở nụ cười khi chờ HĐXX bắt đầu phiên tòa, bị hại của vụ án là chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, tiểu thương chợ Long Biên) bất ngờ bật khóc nức nở buộc tòa phải yêu cầu chị Nga ra ngoài. Khi tạm rời khỏi phòng xử án, bị hại Nghiêm Thúy Nga tiếp tục ôm mặt khóc nức nở và cho biết mình rất sợ Hưng “kính”: "Em sợ lắm mọi người ơi... nhìn mặt hắn (Hưng "kính") là em sợ". Sau khi được người thân an ủi, chị Nga tiếp tục vào phòng xử án.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Mạnh Long thừa nhận cáo trạng miêu tả hành vi của mình là đúng. Tuy nhiên, khi được hỏi bị cáo đã có hành vi gây khó khăn, chèn ép với hộ kinh doanh của vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga và anh Hoàng Anh Hà (trú quận Ba Đình) như thế nào, bị cáo Long lại phủ nhận.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Bị cáo Long khai có nhiệm vụ chuyên thu, nhận tiền bốc dỡ, căn cứ quy định của BQL chợ thu 40k/1 tấn và không hề chèn ép, gây khó khăn cho hộ chị Nga. “Từ trước bị cáo vẫn làm công việc hằng ngày xảy ra như thế, theo thỏa thuận với chủ hàng, bị cáo thu đúng như thế", Long nói trước tòa. Tương tự, Nguyễn Hữu Tiến cho biết việc thu tiền thực hiện theo quy định thỏa thuận giữa hộ kinh doanh với ban quản lý chợ.
Trả lời HĐXX về những lời khai trên, bị hại Nghiêm Thúy Nga khẳng định những gì bị cáo Long khai không đúng sự thật. "Những gì vợ chồng tôi đưa ra pháp luật hoàn toàn có cơ sở", chị Nga nói và cho biết họ không thuê bốc hàng nhưng vẫn bị bắt nộp tiền. Còn anh Hoàng Anh Hà – chồng chị Nga nói rằng, hộ mình có 20 nhân viên bốc xếp nên không phải thuê tổ bốc xếp của chợ.
Nói về việc vợ chồng chị Nga, anh Hà phải nộp tiền cho nhóm Hưng "kính", chị Nga nói, vì bị nhóm "bảo kê" ở chợ Long Biên uy hiếp tinh thần.
"Có đối tượng nghiện hút nặng, nhảy lên xe của tôi uy hiếp vợ chồng tôi, nhân viên của chúng tôi. Sợ nên chúng tôi phải nộp”, chị Nga nói và cho biết, trong số các bị cáo phải ra tòa có bị cáo Lê Thanh Hải là người uy hiếp tinh thần chị và Hải khi đến thu tiền còn nhổ toẹt vào mặt tôi trước mọi người, chửi bới khiến chị Nga phải quay vào trong khóc.
Chị Nghiêm Thúy Nga cũng khẳng định, do bị uy hiếp nặng nề nên không dám ra chợ và từng 2 lần có ý định tự tử. May mắn cho chị Nga, cả hai lần tự tử có người phát hiện nên hậu quả xấu không xảy ra.
Theo lời chị Nga, có lần cùng chồng đi Thanh Hóa, khi đang ở trên đường cao tốc, chị nhận được tin bạn hàng báo có 2 xe hàng về nhưng chị không biết 2 xe hàng ấy sẽ đỗ ở đâu. Bởi thời gian đó, vợ chồng chị đang bị các bị cáo chèn ép. Nghĩ tới đó, chị Nga không kiềm chế được cảm xúc đã mở cửa ôtô, định lao xuống đường cao tốc may là anh Hà phát hiện nên ngăn cản.
Cũng theo vợ chồng bị hại, nhóm Hưng "kính" thường xuyên sỉ nhục họ một cách thô bỉ. Một thời gian dài tôi không dám ra chợ vì các bị cáo để các bao rất kín, tôi không biết trong bao có gì…
|
Bị hại bật khóc nức nở. |
"Tôi xác định khi viết đơn tố cáo, có thể tính mang bị uy hiểm. Tôi buộc phải thu thập bằng chứng, cho các bị cáo ký hóa đơn nhưng những lần ký chỉ là số tiền nhỏ. Từ năm 2010, số tiền chúng tôi phải nộp rất lớn nhưng không có hóa đơn”, chị Nga nói.
Tại tòa, chồng chị Nga cũng cho biết nếu không thực hiện theo yêu cầu của các bị cáo do Hưng "kính" cầm đầu, thiệt hại đối với họ là rất lớn, đến giờ chưa thống kê được. Cũng theo lời hai bị hại, số tiền mà các bị cáo còn chiếm đoạt của họ hơn 1 tỷ đồng.
Hưng "kính" phủ nhận việc điều hành đường dây “bảo kê” chợ Long Biên
Lúc này, chủ tọa hỏi tiếp bị cáo Long: "Ai chỉ đạo thu tiền?". Long khai là tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng chỉ đạo.
Trong khi đó, bị cáo Dương Quốc Vương khai: "Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của anh Hưng. Tiền thu được hàng ngày cũng nộp về cho anh Hưng hết. Bị cáo không giữ lại đồng nào".
Tương tự, bị cáo Nguyễn Hữu Tiến khai nhận: "Bị cáo không nhận thức được việc làm trái pháp luật, vì đó là việc làm hàng ngày của bị cáo. Anh Hưng bảo thu thì bị cáo thu".
Tuy nhiên, tại buổi xét xử sáng 25/7, Hưng "kính" một mực phủ nhận việc điều hành đường dây “bảo kê” chợ Long Biên theo cáo trạng truy tố mặc dù trước đó lời khai của các "đàn em" của Hưng cho thấy điều ngược lại. Trả lời HĐXX, Hưng "kính", một mực chối tội và đổ tội cho đàn em. Nguyễn Kim Hưng cho rằng mình có một phần trách nhiệm khi buông lỏng quản lý, để đàn em tự tiện thu tiền. "Số tiền đó các bị cáo khác tự thu và chi tiêu riêng, chứ bị cáo không hưởng lợi gì từ số tiền này" - Hưng nói.
|
Hưng "kính" tại tòa. |
Hưng "kính" bị đề nghị mức án hơn 4 năm tù
Chiều ngày 25/7,chiều 25/7, đại diện VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội). Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX tuyên bố chuyển sang phần tranh luận.
Trình bày bản luận tội tại tòa, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (VKS) nêu hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây bất bình dư luận, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với các hành vi bị cáo gây ra, chỉ có như vậy mới có tác dụng giáo dục. Bản cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn đúng đắn.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị mức 4 năm 6 tháng đến 5 năm đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", đối tượng cầm đầu).
Các bị cáo khác bị đề nghị mức án cụ thể là Nguyễn Hữu Tiến 3 năm 6 tháng đến 4 năm; Lê Thanh Hải 4 năm đến 4 năm 6 tháng; Nguyễn Mạnh Long từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng; Dương Quốc Vương 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù.
Theo cáo trạng, chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972, cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên.
Quá trình kinh doanh tại chợ Long Biên, gia đình chị Nga, anh Hà thường xuyên bị các đối tượng: Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương (là Tổ trưởng và nhân viên Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) có hành vi đe dọa, chèn ép trong công việc kinh doanh để bắt phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.
Ngày 10/8/2018, chị Nga và anh Hà gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng trên.
Qua điều tra đã xác định, theo quy định của Ban Quản lý chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, phải thực hiện việc ghi tên chủ cửa hàng, biển kiểm soát xe ô tô, số lượng hàng và số tiền thu vào mẫu (bảng kê) do Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành, phải thực hiện đúng hợp đồng bốc dỡ giữa các hộ kinh doanh với Ban Quản lý chợ Long Biên, không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ, không có quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.
Để tăng thêm thu nhập cá nhân, dưới danh nghĩa là những nhân viên của Tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của gia đình anh Hà, chị Nga.
Nhóm "bảo kê" đã dùng các cách thức như: Đuổi không cho xe ô tô của hộ kinh doanh anh Hà - chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki ốt, kéo cá thối để cạnh ki ốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của anh chị Nga – Hà bốc dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm của Hưng “kính”…
Trong quá trình thực hiện, Hưng tự ý giao cho Vương thực hiện việc thu tiền dịch vụ bốc dỡ hàng hóa. Hưng chỉ đạo đồng bọn không thu tiền theo các bảng kê do Ban quản lý chợ Long Biên phát hành (có đóng dấu treo của Ban quản lý chợ) mà thu theo bảng kê khác do Hưng soạn. Sau đó, bọn chúng chép và nộp lại 1 phần số tiền này theo bảng kê của Ban quản lý chợ Long Biên phát hành. Phần lớn còn lại, bọn chúng đem chia nhau và dùng vào các mục đích khác.
Để quản lý việc thu tiền của Hải, Long và Vương đối với hộ kinh doanh, Hưng lắp đặt 2 camera theo dõi, cho các nhân viên trong tổ bốc dỡ theo dõi và kiểm soát lẫn nhau. Hưng trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng.
Tại các buổi hội ý, Hưng yêu cầu Hải, Long và Vương không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, không để nhân viên bốc dỡ của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ với lý do thực hiện hợp đồng bốc dỡ với Ban quản lý chợ Long Biên và chỉ cho nhân viên Tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ.
Từ tháng 12/2017, theo sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Long và Hải đuổi không cho xe ô tô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản vì chị Nga chưa đăng ký với Hưng. Hưng yêu cầu Vương thông báo với chị Nga thực hiện việc nộp tiền với giá bốc xếp sẽ tăng 200.000 đồng/xe 1,4 tấn và 350.000 đồng/xe 3,5 tấn. Hưng chỉ đạo Tiến khi Ban quản lý chợ đã trả đủ lương cho nhân viên thì xé các trang trong sổ ghi tiền thu hàng ngày và các bảng kê nhỏ do Hải, Long, Vương nộp.
Theo tài liệu do chị Nga và anh Hà cung cấp, từ ngày 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Kim Hưng, Hải cùng Long, Vương đã thu của chị Nga, anh Hà được tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.
Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về Ban quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.
Tại Cơ quan điều tra, các bị cáo Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương khai nhận từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018 được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng. Trong đó, Tiến được hưởng 23,7 triệu đồng, Long được hưởng 11,6 triệu đồng Vương được hưởng 11,1 triệu đồng.
Ngoài ra, chị Nga, anh Hà còn khai từ năm 2010 đến năm 2017 đã bị Hưng chiếm đoạt một số khoản tiền khác. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Kim Hưng không thừa nhận hành vi này.
Ngoài trình báo của anh Hà - chị Nga, chưa có tài liệu nào khác để chứng minh việc chị Nga - anh Hà đưa tiền cho Hưng nên chưa đủ căn cứ kết luận Hưng chiếm đoạt số tiền trên. Do đó, ngày 2/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã quyết định tách tài liệu liên quan đến nội dung trên để tiếp tục điều tra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.