Chiều 22/4, chứng kiến giây phút người dân trao trả 19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức), ông Dương Trung Quốc cho hay cảm xúc của ông cũng giống với người dân là nhẹ nhõm, các lãnh đạo Hà Nội cũng thấy nhẹ nhõm.
Theo ông Quốc, quá trình giải quyết vụ việc ở Đồng Tâm là bài học rất sâu sắc, trong bất cứ trường hợp nào, các bên cần xác lập lại niềm tin.
|
Ông Nguyễn Đức Chung bên nhà văn hóa thôn Hoành (xã Đồng Tâm) khi 19 cán bộ, chiến sĩ vừa được thả. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ông nói: “Việc xác lập niềm tin không gì bằng phương thức tiếp cận với dân. Những việc tôi đã chứng kiến tại Đồng Tâm cho thấy người dân rất tốt. Bài học gần dân không có gì là mới. Nhưng ở mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ có cách suy nghĩ khác nhau nhưng người lãnh đạo phải đến với dân”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng sự kiện ở Đồng Tâm nên được các nhà sử học nghiên cứu vì đây cũng là một dấu ấn để nhìn lại một chặng đường.
|
Ông Dương Trung Quốc đứng cạnh bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm, khi bản cam kết 3 điểm của ông Chung được đọc lên trước toàn thể người dân nơi đây. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nhà sử học này nói tiếp: “Lúc đầu, tôi băn khoăn anh Nguyễn Đức Chung có đến chậm quá không. Nhưng theo tôi, đây là thời điểm chín muồi, đúng như anh Chung nhận định. Đó là lúc cả hai đều nhận thức ra cái đúng, cái sai của nhau. Người dân cũng nhận ra việc giữ người là trái pháp luật. Ngược lại. lãnh đạo Hà Nội cũng nhận ra rất nhiều vấn đề của thành phố qua vụ việc tại Đồng Tâm”.
|
Điểm chỉ vào bản cam kết của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. |
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng khẳng định bản cam kết giữa người dân và Chủ tịch Hà Nội là một dấu ấn đặc biệt. Bản thân ông cũng ký và điểm chỉ vào bản cam kết đó.
“Khi điểm chỉ vào bản cam kết tôi nhận thấy đây là trách nhiệm của mình. Cho dù lúc đó, người dân còn chưa tin vào mình thì càng làm cho họ tin. Sự việc kết thúc tôi đã nghe thấy tiếng vỗ tay của người dân. Đó giống như một trận mưa rào giữa lúc nắng hạn”, ông bày tỏ.