Xin chúc mừng anh Nguyễn Đức Chung! Từ một người nổi tiếng của Hà Nội, anh đã trở thành một người nổi tiếng của cả nước. Với bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức, chuỗi ngày đầy lo âu, căng thẳng đã chấm dứt. Bà con đã bắt đầu có thể tập trung cho công việc đồng áng và lo toan, chăm sóc cho con cháu của mình.
Xin chúc mừng tất cả những ai nín thở theo dõi sự kiện ở xã Đồng Tâm! Mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp theo như tất cả chúng ta mong ước.
|
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự bà con Đồng Tâm. |
Điều duy nhất còn lại làm nhiều người băn khăn hiện nay là cam kết của anh Nguyễn Đức Chung không truy cứu trách nhiệm hình sự bà con Đồng Tâm. Một cam kết như vậy có căn cứ pháp luật không? Anh Chung có thẩm quyền để cam kết khác với các quy định của pháp luật không? Hay anh Chung bắt buộc phải làm như vậy để giải cứu con tin?
Xin thưa, anh Nguyễn Đức Chung hoàn toàn có căn cứ để cam kết như vậy. Mà căn cứ của anh là quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta - Hiến pháp năm 2013.
Là người tham gia biên tập Hiến pháp năm 2013, tôi có điều kiện biết được những điểm sáng đổi mới quan trọng của Hiến pháp. Một trong những điểm sáng chói lọi nhất của Hiến pháp mới là quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013).
|
Anh Nguyễn Đức Chung hoàn toàn có căn cứ để cam kết như vậy. Mà căn cứ của anh là quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta - Hiến pháp năm 2013 - TS Nguyễn Sĩ Dũng
|
Công lý là giá trị Tòa án được giao nhiệm vụ bảo vệ, chứ không phải pháp luật. Điều đáng nhấn mạnh hơn nữa ở đây là Hiến pháp còn không hề nhắc tới việc Tòa án có nhiệm vụ phải bảo vệ pháp luật. Công lý là giá trị gì mà Hiến pháp lại coi trọng đến như vậy?
Xin thưa, công lý là sự kết tinh của lẽ phải, của lương tri và đạo đức. Đây là cái không phải người Việt Nam nào cũng có thể định nghĩa được, nhưng lại là cái người Việt Nam nào cũng cảm nhận được bằng tất cả con tim và khối óc của mình.
Hơn thế nữa tất cả chúng ta đều mang công lý trong tim. Chính vì mang công lý trong tim, mà những người dân Đồng Tâm đã phản ứng lại một cách tương thích với hành vi bắt giữ người rất tệ của những người đại diện cho chính quyền. Trừng trị người dân vì một sự đáp trả như vậy có đạt được công lý không?
Xin thưa là không!
Vậy thì có căn cứ gì để truy tố những người dân Đồng Tâm ra Tòa án, khi Tòa án chỉ bảo vệ công lý không?
Rõ ràng là không!
Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, nếu người dân Đồng Tâm bắt giữ con tin chỉ để mặc cả với chính quyền, thì họ chắc chắn không có được công lý. Và truy tố họ ra Tòa án để bảo vệ công lý sẽ là việc mà chính quyền hoàn toàn có căn cứ để làm. Đây là điều mà những người dân đang tranh chấp đất đai cũng cần biết.
Nhân đây, vì Tòa án chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, thì các nhà lập pháp cũng cần hiểu rằng pháp luật mà họ ban hành phải tiếp cận được công lý. Tỷ lệ thông qua luật cao không phải là một sự bảo đảm ở đây.