Chỉ bồi thường thu nhập chính đáng
Ông Nguyễn Thanh Chấn vừa có đơn gửi TAND Tối cao đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng thu nhập bị mất trong khoảng thời gian 10 năm ngồi tù oan. Theo đó thì trước khi bị bắt, công việc của ông là "vận chuyển bằng xe ngựa, nấu rượu, xát gạo, nuôi lợn, bán quán... Tổng thu nhập một ngày là 280.000đ. Tính từ khi bị bắt do tình nghi giết người đến khi được thả tự do thì ông Chấn bị giam gần 3.700 ngày. Đòi hỏi này dưới góc nhìn của một luật sư thì ông thấy có chính đáng, thưa TS.LS Nguyễn Vĩnh Oánh?
Thực ra đã có nhiều vụ án oan sai và được bồi thường. Trong sự việc ông Nguyễn Thanh Chấn thì cũng nằm trong những quy định đã có của pháp luật. Trước khi bị bắt người đó làm công việc gì, công việc đó có được nhà nước cho phép hay không. Nếu đó là nguồn thu nhập chính đáng và chứng minh được thì nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định thì những tổn thất về vật chất, tinh thần, sức khoẻ đều được bồi thường. Bởi khi bị bắt thì tất cả các hoạt động làm ăn sinh lời của người đó là không còn nữa. Vấn đề là phải chứng minh được những thiệt thòi đó thì tòa án có trách nhiệm bồi thường.
Việc chứng minh này là trách nhiệm của ai?
Người oan sai phải làm giải trình, sau đó các cơ quan nhà nước sẽ kiểm chứng xem nó có đúng không. Những thu nhập chính đáng bị mất thì phải được bồi thường. Theo danh mục các công việc nêu trên thì rõ ràng là những công việc chính đáng. Tuy nhiên, mức độ bồi thường như thế nào thì phải xem xét trên rất nhiều yếu tố khác nhau nữa. Oan sai đương nhiên là được bồi thường, tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi. Đây chỉ là mức mà ông Chấn đề nghị thôi.
Vậy số tiền bồi thường cho người bị kết án oan sai lấy từ đâu?
Đương nhiên là lấy từ ngân sách nhà nước, do chính cơ quan điều tra gây nên oan sai thực hiện. Việc làm sai của cá nhân nào thì cá nhân đó phải chịu, còn việc xét xử, thi hành án thì các cơ quan này đều nhân danh nhà nước. Nếu có sai sót thì phải lấy từ ngân sách để mà sửa sai thôi.
Mức đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng của ông Chấn, theo ông có thỏa đáng?
Những tính toán để đưa ra mức bồi thường này hẳn là cũng đã được tư vấn, nghiên cứu kỹ dựa trên thực tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì ông Chấn khó mà nhận được đủ số tiền đề xuất ấy. Thông thường số bồi thường cho những vụ án oán vốn đã không nhiều. Cho dù có quy định phải bồi thường những tổn hại về sức khỏe, tinh thần, nhưng liệu có ai bị oan sai mà nhận được bồi thường một cách thỏa đáng những điều đó?
|
TS.LS Nguyễn Vĩnh Oánh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói về yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng của ông Nguyễn Thanh Chấn. |
Cốc nước đổ đi khó mà lấy lại được
Không bồi thường được hết là vì không có quy định hay vì ngân sách không có để bồi thường?
Việc bồi thường án oán là vấn đề phức tạp, người đứng ra xem xét bồi thường cũng phải là người công minh và có cái tâm thì mới giải quyết sự việc đúng và sát với thực tế nhất. Các quy định trong luật đã có các điều khoản về bồi thường nhưng nó không thể điều chỉnh được hết các tình tiết có trong từng vụ được.
Ông Nguyễn Thanh Chấn có đề xuất được bồi thường 50 triệu đồng tiền vợ ông trong lúc đi kêu oan cho ông đã đổ bệnh và phải chữa trị, điều này theo quy định có hợp lý?
Sẽ không có điều khoản nào quy định nhà nước phải bồi thường về những thiệt hại do người thân của người bị oan sai phải gánh chịu.Vợ ông ấy là một người không liên quan đến vụ việc ông ấy bị oan sai. Nếu trước khi ông bị bắt, bà ấy sống dựa vào kinh tế của ông ấy, không có khả năng lao động thì sẽ được xem xét bồi thường. Còn sức khỏe bình thường thì khó có cơ sở để bồi thường. Người này không phải là đối tượng, mà chỉ là người liên đới.
Có người cho rằng những thiệt thòi mà ông Chấn phải chịu so với số tiền hơn 1 tỷ đồng kia chẳng là gì, không đền bù được?
Tôi nghĩ để định lượng thế nào là thỏa đáng thì rất khó. Bát nước hất xuống đất rồi có ai lấy lại được đầy bát nữa không? Như tôi đã nói, số tiền bồi thường trong án oán sai vốn đã không nhiều, đa số chỉ mang tính chia sẻ, an ủi, về hình thức là họ đã đền bù cho những oan sai đó. Vật chất thì rồi cũng qua đi thôi, quan trọng là cái danh dự được phục hồi. Đừng đòi hỏi sự tuyệt đối trong bồi thường án oan. Danh dự, nhân phẩm đã được phục hồi là vấn đề lớn nhất. Tôi nghĩ người như ông Chấn cũng nên nghĩ như vậy để dừng lại ở cái ngưỡng hợp lý nhất.
Vì không tiền nào đủ để bồi thường danh dự hay nhân phẩm?
Đúng thế, cái đó thì đơn vị xét xử hay điều tra thay mặt nhà nước xin lỗi và chia sẻ với người bị oan sai. Việc xin lỗi công khai đó đã thể hiện một phần việc khắc phục danh dự cho người bị oan. Hàng xóm láng giềng, dư luận nói chung cũng sẽ thông cảm chia sẻ với họ để họ tiếp tục cuộc sống bình thường. Còn bảo phải bồi thường 100% những thiệt hại thì không có đâu. Được minh oan đã là may mắn rồi.
Án oan sai không ít
Nỗi ấm ức về những thiệt hại phải chịu đựng của ông Chấn rõ ràng là dễ thông cảm, nên đòi hỏi của ông ấy về số tiền bồi thường cũng dễ hiểu?
Tất nhiên là nó ám ảnh, nhưng có những thứ không thể lấy lại được. Dĩ vãng đã đi qua, thời gian đã đi qua, cuộc đời cũng đã qua rồi, làm sao lấy lại, làm sao để phục hồi? Trong án oán, người làm sai thì đương nhiên bị xử lý, nhưng người bị oan cũng phải chịu những thiệt thòi dù có được đền bù. Tôi nhấn mạnh người thiệt thòi luôn luôn là người bị xử sai, thế nhưng rõ ràng không ai muốn điều này cả.
Án oan sai ở Việt Nam có nhiều không thưa ông?
Thực ra chưa có thống kê nào, đa phần các vụ án là xử đúng, nhưng cũng không ít vụ án xử sai đâu. Oan sai có rất nhiều nguyên nhân như trình độ cán bộ kém, ý thức trách nhiệm không cao, làm đại khái cho xong. Thiếu những điều tra quan sát sâu. Cả kỹ năng nghiệp vụ và trách nhiệm đều kém mới dẫn đến những oan sai. Người ta nghĩ làm kỹ hay làm sơ sài thì người ta cũng thế thôi, chả được thêm cái gì cả, mà làm kỹ thì chỉ mệt mình, mất thời gian, nên người ta mới làm sơ sài. Rồi chế độ lương bổng quá thấp, đạo đức công vụ kém dẫn đến những tiêu cực. Mà tiêu cực, "chạy án" cũng không ít.
Án oan vì tiêu cực cũng có?
Có chứ, nhưng mà không bắt được tận tay. Bởi người tiêu cực đó thường là người thân của người vi phạm, mà họ phải giữ kín việc họ "chạy án" đó chứ. Qua cầu nọ cầu kia để chi tiền, khi sự việc xảy ra thì người ta phủi tay không biết, chẳng có bằng chứng gì và chẳng ai làm gì được.
Và trong một vụ án oan, cán bộ điều tra xét xử bị xử lý là đúng, nhưng người thiệt thòi nhất vẫn là người dân?
Chắc chắn là như thế rồi. Nên tôi mới bảo bồi thường là cần thiết, nhưng có ai lấy lại được thời gian, lấy lại được quá khứ đã mất? Nên người bị xét xử oan cũng đừng cầu toàn quá. Ngay cả việc xin lỗi người ta cũng chỉ xin lỗi bằng miệng thôi chứ không có chuyện bằng văn bản đâu. Thế nên mỗi người phải tự lo cho mình để cẩn trọng trong từng hành động thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Giờ người ta dùng nhiều thủ đoạn để chạy án lắm, dùng tiền để chạy, dùng mỹ nhân kế, hiến thân hiến xác cũng có. Nhiều thứ không thành văn nhưng lại tác động lớn đến những vụ việc xảy ra. Án oan sai thì ở đâu cũng có, nhưng nơi nhiều nơi ít, nơi nghiêm thì sẽ ít. Còn nơi không nghiêm, ý thức trách nhiệm của cán bộ yếu, cứ một bên ra tội, một bên ra giá, thì án oan vẫn cứ nhiều.