|
Ảnh minh họa. |
TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có hơn chục năm nghiên cứu về nước khu vực Hà Nội cho rằng, ông không thấy bất ngờ với công bố này.
Ở các nhà máy nước đang cung cấp nước sinh hoạt, hàm lượng asen cũng không ổn định, lúc cao, lúc thấp, nhưng chưa bao giờ đạt mức thấp ổn định ở ngưỡng dưới mức cho phép. Điều này xuất phát từ việc thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta đã nâng tiêu chuẩn nước sạch từ 50microgam/lít lên 10microgam/lít. Trong khi đó, nhiều nước vẫn sử dụng mức chuẩn cũ. Ngưỡng 10microgam/lít được cho là ngưỡng an toàn tuyệt đối với sức khoẻ.
Theo TS Trần Hồng Côn, việc thông tin Sở Y tế Hà Nội công bố hàm lượng asen vượt ngưỡng, dù có cao hơn tiêu chuẩn nhưng nó chưa đến mức nguy hiểm cho sức khoẻ. Ở hàm lượng lớn hơn 50microgam/lít, thậm chí là phải ở mức 100microgam/lít thì sẽ gây ra các bệnh về asen, gọi là asennicosit gồm vảy sừng trên da, ung thư da, nội tạng, chân đen.
Ở Hà Nội, đã từng có giai đoạn người ta phát hiện trong một khu vực có hàm lượng asen lên đến trên 300microgam/lít, tuy nhiên sau đó thì đã được xử lý. Nhìn chung đối với nguồn nước ngầm và nước cấp Hà Nội thời điểm này, việc nhiễm asen chắc chắn là có nhưng nó chưa đến mức nguy hiểm. Nhiều người dân nghe nói đến hàm lượng asen vượt chuẩn là lo sợ, hoang mang, nhưng thực tế, hàm lượng này có lên đến 50microgam/lít, nghĩa là gấp 5 lần mức tiêu chuẩn hiện tại thì vẫn nằm trong ngưỡng chưa gây hại.
Muốn có kết luận chính xác nhất về chất lượng nguồn nước sinh hoạt ở Hà Nội phải có phân tích trọng tài, có ít nhất 3 cơ quan độc lập trở lên tham gia lấy mẫu và phân tích, trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Quy trình lấy mẫu phải được thực hiện nghiêm ngặt, tiến hành phân tích chéo với nhiều mẫu lấy ở nhiều thời điểm. Tuy nhiên, việc xử lý để đạt được mức asen dưới 10microgam/lít một cách ổn định đối với các nhà máy nước hiện nay gần như là không thể.