Nằm trong dự án trọng điểm của Bộ NN&PTNT, năm 2006, dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được phê duyệt với tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng.
|
Nhiều đoạn bờ kè bao quanh hệ thống kênh đứt gãy, vỡ vụn |
Đại công trình thủy lợi này được xây dựng trên sông Ngàn Trươi thuộc thị trấn Vũ Quang với tổng diện tích lưu vực 408km2, dung tích chứa 932,7 triệu m3.
Đây được xem là hồ chứa lớn thứ 3 trong cả nước, cung cấp nước cho các khu công nghiệp, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho 8 huyện và giảm lũ cho vùng hạ du…
Hệ thống kênh dẫn nước là 1 trong 3 hợp phần công trình, có kinh phí 1.380 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính: Đập dâng Vũ Quang và hệ thống kênh mương dài 16,2km. Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Ngày 11/7 vừa qua, sau gần 5 năm thực hiện hệ thống kênh dẫn nước được hoàn thành, mục đích phục vụ cho hơn 32.000ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
|
Lòng kênh bị hư hại nghiêm trọng sau trận mưa lớn |
Tuy nhiên, hệ thống kênh mương xây dựng xong nhưng chưa bàn giao, chưa thông dòng thì đã có hiện tượng xuống cấp, hạng mục tầng mái bị gãy nát, sụp đổ nằm dưới đáy mương. Nhiều đoạn bờ kè bao quanh hệ thống kênh gãy đổ ngổn ngang.
Đặc biệt, tại tuyến kênh dài hơn 1km, đi qua thôn 7, xã Đức Bồng được thi công vào tháng 12/2017, với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, do công ty cổ phần Xây dựng Đại An (Hà Nội) thi công, công ty cổ phần Tư vấn thủy lợi 2 (TP.HCM) giám sát đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, gãy đổ nghiêm trọng.
Sau trận mưa lớn vào giữa tháng 7 vừa qua, tuyến kênh này có hơn 25 tấm bê tông tầng mái với tổng chiều dài khoảng 200m vừa xây lắp xong đã bị bốc khỏi bề mặt, gãy vụn, rơi xuống đáy mương, không đảm bảo chất lượng thi công.
Nước ngầm đẩy gãy kênh?
Ông Lê Xuân Vĩnh, Tổ trưởng tổ thi công thuộc công ty CP Xây dựng Đại An phủ nhận chất lượng công trình thi công không đảm bảo và cho rằng do lượng nước ngầm có trong đất đẩy ra, tạo sức ép làm tầng mái bị gãy ngang.
“Do đoạn kênh này địa hình phức tạp, phía trên có đập nước lớn khiến lượng nước mạch chảy ra nhiều, khiến tầng mái bị gãy ngang rơi xuống đáy mương, gây thiệt hại trên 300 triệu đồng”, ông Vĩnh nói.
Cũng theo ông Vĩnh, bê tông tầng mái có thiết kế bê tông dày 12 phân, bên trong có lõi thép phi 8. Tấm đáy dài 5 đến 6m, tấm mái gần đáy dài từ 4,5 - 5m.
“Chúng tôi đã lu đầm đất kĩ, rải bạt lên và bỏ tấm mái vào theo thiết kế nhưng do địa hình như vậy nên không thể đảm bảo an toàn thi công được. Hiện đơn vị đang xử lý sự cố và sau này để đảm bảo thì phần mái phải xây đá hộc dày 30 phân, cao hơn 1m, tạo thêm một lớp đá dăm dày 10 phân để tạo độ phẳng làm tầng lọc, sau đó rải bạt và bỏ thép…”, ông Vĩnh cho hay.
Trước câu hỏi vì sao biết địa hình khó xây dựng, quá trình khảo sát thấy mạch nước ngầm nhưng không xử lý triệt để như đã nói trên mà để xảy ra sự cố?, ông Vĩnh cho rằng: “Thời điểm chúng tôi xây dựng vào mùa hè, lượng nước ngầm ít hơn nên không lường được. Cái này thì đơn vị thiết kế tính toán chứ chúng tôi là đơn vị thi công…”.