Một trong những nữ sĩ quan cảnh vệ được cánh báo chí "săn ảnh" nhiều nhất là Thiếu tá Đặng Hồng Nhung, cán bộ Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an). Chiều cao 1m74, gương mặt cá tính, trang phục vest đen lịch lãm, nữ sĩ quan xinh đẹp này luôn nổi bật trong khuôn hình mà các phóng viên ảnh đã "chộp" được.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, Thiếu tá Đặng Thị Hồng Nhung chia sẻ rằng "nghề cảnh vệ đã chọn cô".
Được biết Nhung tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, vậy cơ duyên nào đưa bạn đến với ngành Công an?
- Em tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, sau khi ra trường lại lựa chọn ngành công an là theo truyền thống gia đình. Bố của em đã từng công tác trong lực lượng Cảnh vệ, ông có một thời gian dài làm công tác bảo vệ tiếp cận. Ảnh hưởng lớn nhất đối với em đó là gia đình, lý tưởng công việc của em là thế.
Từ bé em luôn khao khát được cống hiến trong lực lượng Cảnh vệ, khi vào ngành đã được cử về Trung đoàn 375 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an). Đây cũng là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình; đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu binh, gác danh dự các buổi tiếp khách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; mô tô hộ tống đoàn nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Khi đó em làm công việc hướng dẫn đồng bào vào Lăng.
Đến năm 2012 em mới bắt đầu tham gia thi tuyển để chọn đào tạo sĩ quan tiếp cận và đầu quân cho Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế. Đây là đơn vị có chức năng và nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nguyên thủ đến thăm và làm việc tại Việt Nam, các sự kiện đặc biệt quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức.
Không xuất thân từ ngành Công an, vậy những ngày đầu gia nhập lực lượng Cảnh vệ, Nhung gặp khó khăn gì không?
- Em cảm thấy yêu thích và bị lôi cuốn ngay từ quá trình học nghiệp vụ ngành. Em phải thành thục những bài võ ngành, võ chiến thuật, võ đối kháng cũng như thông thạo kỹ năng sử dụng súng, thuốc nổ…
Chứng kiến quá trình hòa nhập nhanh chóng với ngành Cảnh vệ của em, nhiều đồng nghiệp phải thốt lên "Đúng là con nhà nòi"!. Em học bơi nghiệp vụ gồm các bài bơi cứu đuối 50m; đẩy bao gói 50m; bơi thể lực 400m chỉ mất 10 ngày, trong khi thời gian của khóa học này là 45 ngày. Em chỉ bắt đầu học võ từ khi vào ngành nhưng đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan võ thuật Thanh niên Công an nhân dân lần thứ 2.
Nguyên tắc trong công việc là không tạo rào cản giữa người Cảnh vệ với những người xung quanh, nhưng phải luôn đảm bảo sự an toàn cao nhất. Vì thế, chúng em phải luôn mềm mỏng, linh hoạt trong mọi tình huống bảo vệ các yếu nhân, coi mình là "lá chắn sống" chấp nhận và sẵn sàng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Năm 2012 Nhung thi tuyển vào Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, vậy tiêu chuẩn của sĩ quan cảnh vệ ở phòng này là như thế nào?
- Tiêu chuẩn về ngoại hình đối với nữ cảnh vệ là nặng từ 53kg, cao từ 1m67 và có phẩm chất đạo đức tốt. Tuyển chọn lên Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế chúng em phải thi các nội dung bắn súng, võ thuật và kiểm tra về thể lực.
Khi trúng tuyển rồi, công việc huấn luyện tại Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế có gì khác?
- Công tác huấn luyện của tất cả các đơn vị cảnh vệ là như nhau, tuy nhiên đối với các phòng nghiệp vụ như Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế thì khối lượng huấn luyện nhiều hơn. Chúng em còn phải trải qua quá trình kiểm tra rất khắc nghiệt. Mỗi một môn học đều phải tập luyện và kiểm tra nâng cao khoảng một tháng, đặc biệt là môn võ thuật và bắn súng. Những nội dung môn học này do Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá.
Sau khi trúng tuyển, chúng em chưa được đi bảo vệ tiếp cận luôn, mà phải mất một năm rưỡi nữa để hoàn thiện bổ sung; tham gia lớp học bảo vệ tiếp cận và tập luyện các môn bơi, võ thuật và các môn học nghiệp vụ khác.
Các đơn vị khác thì mật độ huấn luyện ít hơn. Ví dụ môn bắn súng, các đơn vị khác chỉ kiểm tra định kỳ 1 lần/năm, đối với các phòng nghiệp vụ như Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế thì ngoài kiểm tra đánh giá 1 lần/năm, còn phải kiểm tra đánh giá nâng cao 4 lần/năm. Chúng em sẽ phải luyện tập các bài nghiệp vụ ứng dụng, như môn võ thuật phải là các bài võ ứng dụng chứ không phải các bài võ bên ngoài thông thường.
Phải chia sẻ rất thật rằng, công việc bảo vệ tiếp cận này như dòng máu chảy trong cơ thể em, chưa bao giờ em nao núng khi gặp khó khăn. Các bài bơi nghiệp vụ em chỉ học trong khoảng thời gian ngắn là thành thạo. Đến bây giờ mọi người luôn nói em có tố chất về thể thao nên thuận lợi trong việc rèn luyện các bài nghiệp vụ dù khó đến đâu.
Tính chất công việc vất vả và đòi hỏi cao về chuyên môn, đâu là động lực để Nhung vượt qua khó khăn, thử thách?
- Em luôn biết ơn sự động viên tinh thần, sự thúc đẩy của gia đình, bố là người truyền lửa cho em rất nhiều. Ông luôn nói, "con có thể làm tốt hơn bố", "ở tuổi con bố không làm được như con".
Vậy chắc là Nhung cũng học được nhiều nghiệp vụ từ bố của mình?
- Bố em là người rất khắt khe, khi em đã được đi bảo vệ tiếp cận hoặc quá trình em đi tập luyện và kêu mệt, bố có nói con vẫn chưa làm tốt. Đến khi em đi bảo vệ tiếp cận lần đầu tiên, ông có xem được qua các kênh truyền thông, khi về ông có chia sẻ những kinh nghiệm của ông, ông có điều chỉnh cách em đi đứng.
Nhung chính thức đi bảo vệ tiếp cận từ khi nào?
- Năm 2012 em trúng tuyển vào Phòng bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế và đến 9/2014, em bắt đầu đi bảo vệ tiếp cận cho các đoàn.
Đoàn đầu tiên em bảo vệ tiếp cận là phu nhân của Phó Tổng thống Ấn Độ sang thăm Việt Nam vào năm 2014. Em rất tự tin cho đến khi ra sân bay đón đoàn. Em nhìn thấy đối tượng cảnh vệ mình bảo vệ, họ từ trên cầu thang máy bay bước xuống, lúc đó em cảm thấy choáng ngợp, bởi đây là lãnh đạo cấp cao của nước bạn. Khi họ bước xuống, em đón hoa và giới thiệu tên mình, công tác ở đâu và nói sẽ là người bảo vệ bảo vệ cho đoàn, họ cười và chào mình.
Em nhớ đoàn Ấn Độ này cũng phát sinh lịch trình di chuyển ngoài kế hoạch vì phu nhân muốn đi tham quan chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Lúc đó em cũng nhận được sự hỗ trợ của các anh CSGT Hà Nội, các anh ấy đã yểm trợ từ xa, nhưng chỉ ở ngoài đường thôi. Khi vào trong chợ, lúc đó chỉ có một mình mình, em sẽ phải tính toán di chuyển như thế nào trong không gian chật hẹp để tránh xảy ra những va chạm, va quệt vào đối tượng mình bảo vệ.
Ngoài ra, bên trong chợ không phải chỉ đối tượng mình bảo vệ mà còn có thành viên đoàn, do đó mình phải đảm bảo không xảy ra vấn đề gì với cả thành viên đoàn. Cuối cùng em đã làm tốt nhiệm vụ, không để xảy ra vấn đề gì, vẫn duy trì khoảng cách, đảm bảo an toàn cho đối tượng mình bảo vệ.
Cuối năm 2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân là bà Bành Lệ Viện thăm chính thức Việt Nam. Nhung được giao nhiệm vụ nào trong sự kiện quan trọng này?
- Thời điểm đó em được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận cho phu nhân Bành Lệ Viện.
Em đã tìm hiểu trước và được biết bà là một nghệ sĩ, có thể nói được tiếng Anh. Khi đến sân bay Nội Bài, phu nhân bước xuống, em tự tin giới thiệu mình và nói sẽ bảo vệ cho phu nhân trong thời gian ở Việt Nam.
Đoàn của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân sang thăm Việt Nam có một lực lượng bảo vệ tiếp cận hùng hậu của Trung Quốc, họ sẽ đi "cắt mặt" mình để bám theo đối tượng cảnh vệ của họ.
Nhưng khi họ đặt chân sang Việt Nam, lực lượng an ninh của Việt Nam sẽ có nhiệm vụ tiếp cận bảo vệ đoàn đó. Lúc đó vì nhiệm vụ của mình, em phải tiến lại gần phu nhân, giữ khoảng cách nhất định, kể cả cảnh vệ nước bạn cũng không đi cạnh phu nhân như vậy. Sau một vài hoạt động, họ cho hay rất yên tâm với lực lượng an ninh của Việt Nam.
Sau lễ đón ở sân bay, khi đi về nơi nghỉ của đoàn, chỉ có em và phu nhân Bành Lệ Viện ngồi trên xe ô tô, lúc đó em trao đổi bằng tiếng Anh, hỏi phu nhân phong cảnh ở Hà Nội như thế nào? Phu nhân nói dạy cho bà ấy vài câu tiếng Việt như "xin chào", "cảm ơn Nhung nhé". Vì em cũng có biết một chút xíu tiếng Trung nên đã chào phu nhân bằng tiếng Trung, bà bảo "có nói được tiếng Trung không?", em trả lời là có nói được nhưng rất ít.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Nhung thường tìm hiểu thông tin về đối tượng cảnh vệ như thế nào?
- Nhiệm vụ của em là bảo vệ tiếp cận cho các chính khách nước ngoài là phụ nữ, trong đó có phu nhân của các chính khách, khi nhận nhiệm vụ thì đơn vị phổ biến thông tin cho em. Cá nhân em cũng thường lên mạng tìm hiểu gương mặt của họ, tuổi tác và chiều cao. Em còn tìm hiểu các hoạt động xã hội của họ, có thể là các hoạt động liên quan đến trẻ em, y tế, giáo dục… Họ là chính trị gia hay chỉ làm công việc chuyên môn đơn thuần như bác sĩ, giáo viên… Em gặp nhiều phu nhân là những người làm công việc chuyên môn đơn thuần, khi sang Việt Nam họ thường tìm hiểu công việc tương tự ở Việt Nam và em chuẩn bị trước thông tin để trao đổi.
Em còn tìm hiểu về phong tục, tập quán của quốc gia đó. Trong quá trình em bảo vệ có nhiều đoàn là người Do Thái, có những người theo đạo Hồi hoặc theo Phật giáo... Ví dụ như họ theo Phật giáo thì em sẽ chia sẻ văn hóa Phật giáo của Việt Nam với họ.
Ngoài ra, em còn tìm kiếm thông tin về đối tượng mình sẽ bảo vệ qua các kênh báo chí chính thống, báo chí của quốc gia họ bằng tiếng Anh. Những thông tin này là thông tin mở, điều này rất quan trọng với các sĩ quan cảnh vệ tiếp cận. Có quốc gia họ có nhiều gương mặt giống nhau, nhất là đạo Hồi họ còn bịt khăn thì lúc đó mình phải ngắm qua hình dáng cơ thể, trang sức…
Kinh nghiệm của em cho thấy, khi các đoàn sang Việt Nam, mình giới thiệu là an ninh của Việt Nam sẽ bảo vệ họ, chỉ qua 1-2 hoạt động là họ rất tin tưởng mình. Họ sẽ tôn trọng ý kiến của cá nhân mình. Đất nước Việt Nam là quốc gia yên bình, nữ sĩ quan cảnh vệ còn đại diện cho nữ Công an Việt Nam nên phải làm sao để họ cảm thấy mình rất thân thiện và hoàn toàn yên tâm.
Vậy có điều gì cấm kỵ mà mình cần phải tránh không?
- Những thông tin tìm hiểu trước về các yếu nhân là những thông tin quan trọng. Có những đối tượng cảnh vệ mình tuyệt đối không được động chạm hoặc bắt tay, không được đi quá gần, không được nhìn thẳng mặt,... Các đoàn đến từ đất nước hồi giáo không được chạm vào cơ thể họ.
Thực ra khi tiếp cận bảo vệ không nhất thiết phải chạm vào cơ thể họ, chỉ trong trường hợp có nguy cơ thôi. Nếu có bắt tay nhau thường là vào thời điểm kết thúc chương trình, họ cảm ơn mình khi ra về. Còn với các quốc gia kiêng kỵ như vậy mình không được bắt tay và thường họ cũng sẽ không đưa tay ra bắt tay mình.
Theo tôi hiểu, người sĩ quan bảo vệ tiếp cận ngoài giỏi võ thuật, bắn súng… họ còn có khả năng quan sát và phán đoán rất tốt, Nhung có thể chia sẻ về điều này?
- Chúng em phải nắm được quy trình công tác nghiệp vụ của người sĩ quan cảnh vệ. Khi làm nhiệm vụ, khả năng quan sát thì đó là bản năng của mỗi người. Các thế hệ đi trước họ cũng dạy chúng em về cách quan sát, duy trì khoảng cách như thế nào, khoảng cách đứng an toàn tại những địa hình khác nhau…
Để làm tốt công tác bảo vệ tiếp cận, bản thân mỗi sĩ quan cảnh vệ phải chú ý từ những tiểu tiết rất nhỏ. Chính vì vậy, đôi khi người sĩ quan bảo vệ tiếp cận cũng giống như người lễ tân, bởi khi đi qua cảnh quan nào đó của Hà Nội, họ sẽ hỏi, có người lại biết rất kỹ về lịch sử Việt Nam. Có những phu nhân em gặp, họ rất yêu lịch sử Việt Nam và họ rất tôn trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình phải có kiến thức về lịch sử.
Với 12 năm vào ngành, trong đó 10 năm làm sĩ quan tiếp cận, đoàn nào khiến Nhung ấn tượng nhất?
- Nhiệm vụ của người sĩ quan bảo vệ tiếp cận là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng mình bảo vệ, vì có thể mình chỉ gặp họ một lần thôi. Do đó, khi nhận nhiệm vụ là phải dồn hết tâm sức cho công việc. Công việc này của chúng em không được phép sai sót, vì sai sót không có cơ hội sửa sai và rút kinh nghiệm.
Đoàn nào đến cũng thân thiện dễ gần, cá nhân em có khi thì dạy một vài câu tiếng Việt cho họ, hay như Hoàng hậu Nhật Bản Michiko lại mang đến cảm giác giống như người bà của mình, em thấy rất thoải mái.
Ngoài ra, em nhớ, vào cuối năm 2016, Tổng thống Ireland, Michael D. Higgins và phu nhân Sabina Higgins sang thăm Việt Nam. Em được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận cho phu nhân Sabina Higgins.
Phu nhân Sabina Higgins là người rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lần em cùng phu nhân đi mua những huy hiệu có hình Bác để làm kỷ niệm. Lúc đó em chưa có chồng, khi đi vào cửa hàng trang sức, phu nhân đã mua tặng em chiếc vòng và nói "Tôi được biết ở Việt Nam trước khi làm đám cưới thường có một cái lễ, tôi tặng cho bạn chiếc vòng này để bạn đeo trong ngày lễ đó, bạn hãy chụp ảnh và gửi sang cho tôi xem".
Phu nhân Sabina Higgins còn tặng chiếc khăn lông cừu và nói để em tặng cho em bé sau này (cười). Em vẫn còn tấm thiếp của phu nhân Sabina Higgins, trong đó viết: "Tôi rất hạnh phúc trong chuyến thăm Việt Nam lần này, rất vui khi bạn là người đồng hành của tôi. Tôi biết là bạn chưa có gia đình, tôi mong bạn có gia đình và tôi dành tặng chiếc khăn lông cừu này để ủ ấm cho em bé của bạn". (cười).
Một đoàn em cũng rất ấn tượng là vào năm 2017, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã thăm Việt Nam. Hoàng hậu Michiko là người lớn tuổi và có giọng nói vô cùng ấm áp.
Một cán bộ đại sứ quán của Việt Nam tại Nhật nói với em rằng, em là người may mắn, tại đất nước Nhật Bản người dân chỉ được gặp Nhà vua và Hoàng hậu 2 lần/năm là vào dịp sinh nhật và Tết, nhưng em là người được tiếp cận suốt chuyến đi.
Em nhớ lúc đó vào TP Huế để nhận nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận cho Hoàng hậu Michiko trời mưa tầm tã, nhưng khi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đặt chân xuống sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) thì trời tạnh mưa, thời tiết lúc đó rất đẹp.
Về nguyên tắc, Hoàng hậu thì không được nắm tay, nhưng Hoàng hậu Michiko lúc nào cũng đưa tay ra nắm tay em và nói "Thank you". Hoàng hậu còn nói với em rằng, đất nước Nhật Bản sẽ mang hồng phúc đến cho bạn, bạn sẽ có chồng và có em bé. Quả thật, sau chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thì em lấy chồng.
Ngoài đời vui vẻ, dễ gần, nhưng lên báo chí, tivi lại thấy Nhung rất lạnh lùng. Có phải vì công việc yêu cầu như vậy?
- Khi em đi bảo vệ đoàn, em dồn hết tâm trí vào công việc nên không để ý tới ống kính của máy quay, máy ảnh. Nhiều khi em không có thời gian để cười với ống kính nữa. Lúc đó làm sao đối tượng cảnh vệ của mình ở bên phải thì mình phải bao quát được bên phải nhiều hơn. Công việc của em không được sai, vì sai là không có cơ hội sửa chữa.
Nhưng khi em cởi bỏ bộ vest của người sỹ quan cảnh vệ về với gia đình, với đời thường thì em lại như những người phụ nữ bình thường khác, lại vui vẻ, tươi tắn và dễ gần. (cười).
Xin cảm ơn Nhung về cuộc trò chuyện thú vị này!