Nộp khắc phục 42 tỷ đồng, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế có thoát án tử?

Google News

Đến nay, tổng số tiền bị cáo Phạm Trung Kiên khắc phục hậu quả là hơn 42,2 tỷ/42,6 tỷ nhận hối lộ. Dư luận đặt câu hỏi, bị cáo có thoát án tử hình?

Bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp 42,2 tỷ khắc phục hậu quả
Ngày 24/7, trao đổi với báo chí, luật sư Hà Mạnh Huy, Đoàn luật sư TP Hà Nội, một trong ba người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong sáng cùng ngày, chị gái của Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Trong số hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên đã chuyển trả lại khoảng 12,2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trước khi bị khởi tố. Quá trình điều tra, truy tố, đưa vụ án ra xét xử Phạm Trung Kiên cùng gia đình nộp khắc phục thêm 15 tỷ đồng. Tại phiên tòa ngày 18/7, gia đình bị cáo đã nộp thêm 8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng mới đây chị gái bị cáo đã nộp. Như vậy, đến nay gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã khắc phục được số tiền 42,2 tỷ đồng/42,6 tỷ nhận hối lộ.
Theo luật sư Hà Mạnh Huy, gia đình bị cáo cũng đề nghị giải tỏa kê biên căn nhà của ông Kiên để tiếp tục xử lý, khắc phục.
Nop khac phuc 42 ty dong, cuu Thu ky Thu truong Y te co thoat an tu?
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế  
Cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Trung Kiên là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Trong thời gian làm thư ký, từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022, bị cáo Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trình duyệt, ký văn bản trả lời đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trình Thứ trưởng Bộ Y tế xét duyệt. Sau đó, hồ sơ sẽ được trả về Văn phòng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. Các doanh nghiệp muốn được cấp phép các “chuyến bay giải cứu” phải chi tiền cho Kiên và bị cáo Kiên đã nhận tổng cộng 42,6 tỷ đồng.
Khi luận tội, Đại diện VKS đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ trắng trợn nhất và nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng số 42,6 tỷ đồng. Trước khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội, Kiên đã khắc phục được 15 tỷ đồng. Đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên tử hình về tội “Nhận hối lộ”, đồng thời buộc bị cáo Kiên nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên xin nhận tội, gửi lời xin lỗi tới Bộ Y tế nơi bị cáo công tác về những hành động của bị cáo mà ảnh hưởng đến uy tín.
"Bị đề nghị tử hình là bản án rất nghiệt ngã với bản thân bị cáo cũng như gia đình. Bị cáo không nghĩ là mình vi phạm đến mức phải loại trừ khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới này ở độ tuổi ngoài 40 tuổi", bị cáo Kiên nói và cho biết, gia đình đang rất tích cực khắc phục hậu quả. Luật sư cũng trình bày trong một vài ngày nữa sẽ hoàn tất số tiền bị cáo đang phải chịu trách nhiệm để nộp vào ngân sách nhà nước.
Có thoát án tử hình?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong phần luận tội, nhiều người không bất ngờ với mức phạt tử hình về hành vi nhận hối lộ mà đại diện VKS đề nghị áp dụng đối với bị cáo Phạm Trung Kiên. 
Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi phạm tội. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại tội danh vì cho rằng bị cáo không có chức vụ quyền hạn trong việc phê duyệt chuyến bay, đề nghị chuyển bị cáo sang tội danh lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi với mức hình phạt nhẹ hơn...
Tuy nhiên, trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị xử lý nghiêm Phạm Trung Kiên. VKS cho rằng, Kiên có chức vụ quyền hạn trong việc tiếp nhận tài liệu, chuyển tài liệu cho Thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, bị cáo đã có sự thỏa thuận với người đưa hối lộ về việc đưa tiền để được chuyển hồ sơ cho Thứ trưởng ký duyệt, đây là hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ nên giữ nguyên quan điểm đề nghị xử lý bị cáo với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
VKS cũng thừa nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có thành tích trong quá trình học tập công tác, gia đình có công với cách mạng... Dù vậy, khi luận tội, VKS nhận định, bị cáo Kiên thực hiện hành vi phạm tội một cách "trắng trợn", nhận hối lộ nhiều lần với số tiền lớn nhất nên vẫn đề nghị mức hình phạt cao nhất là tử hình...!
Trong thời gian xét xử, gia đình bị cáo đã thay mặt bị cáo nhiều lần nộp tiền bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, đến nay đã nộp khắc phục hơn 42 tỷ đồng, tương đương số tiền bị cáo nhận hối lộ. Đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.
Đến nay, vụ án đang trong quá trình nghị án, việc quyết định bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và mức hình phạt như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của HĐXX trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cũng như trên cơ sở quan điểm về việc sử dụng chứng cứ và đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm.
Theo quy định của pháp luật, hình phạt chỉ đặt ra khi có đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội danh cụ thể mà bộ luật hình sự có quy định. Bởi vậy, trong trường hợp tòa án nhận định hành vi của bị cáo là đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ xử lý bị cáo về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Với số tiền nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng như vậy thì việc VKS đề nghị mức hình phạt cao nhất là tử hình là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quyết định đến mức hình phạt không chỉ là yếu tố về số tiền chiếm đoạt, về tính chất của vụ án. Việc quyết định hình phạt phù hợp phải xem xét đầy đủ cả các yếu tố về nhân thân và yếu tố hành vi, trong đó tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội là những yếu tố quan trọng quyết định đến hình phạt.
Trong trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã cơ bản bồi thường khắc phục được hậu quả, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được giảm bớt, có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để tuyên một mức hình phạt phù hợp. Hình phạt không chỉ là hình thức răn đe, trừng phạt đối với bị cáo mà còn là có mục đích cải tạo, giáo dục.
Chỉ trong trường hợp HĐXX nhận định bị cáo không còn khả năng cải tạo giáo dục, việc xử lý không nghiêm khắc đối với bị cáo có thể không thể hiện được sự răn đe phòng ngừa chung cho xã hội thì mới tuyên mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Bộ luật Hình sự cũng quy định, trường hợp bị cáo đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án bị cáo đã chủ động bồi thường khắc phục hậu quả ¾ số tiền chiếm đoạt, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng sẽ được chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân. Tuy nhiên, trường hợp bị cáo đang bị xét xử, chưa bị kết án thì sẽ không áp dụng quy định này.
Ngoài ra, quy định này có hai điều kiện cần và đủ, điều kiện cần là bồi thường khắc phục hậu quả ¾ số tiền tham nhũng phải điều kiện đủ nữa là phải tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Nếu chỉ bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, dù có bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả 100% nhưng không có điều kiện thứ hai là chủ động tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không được áp dụng quy định này để chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn.
Trong vụ án này, tòa án chưa kết tội bị cáo Phạm Trung Kiên, tuy nhiên nếu trường hợp kết tội bị cáo về tội nhận hối lộ cũng có thể áp dụng khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 03 để vận dụng quy định về bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo hướng có lợi cho bị cáo.
Trường hợp bị cáo Kiên bị kết tội về tội nhận hối lộ phải có thêm hai điều kiện là bồi thường khắc phục hậu quả từ ¾ số tiền nhận hối lộ trở lên và điều kiện thứ hai là phải tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì mới không áp dụng hình phạt tử hình. Bởi vậy ngoài việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả mà bị cáo Kiên cung cấp các thông tin tài liệu, khai báo và hành vi phạm tội của người khác theo hướng lập công chuộc tội thì có thể sẽ không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.
Hiện nay với thông tin là gia đình bị cáo đã bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị cáo gần như 100 % số tiền nhận hối lộ cũng cần thêm một điều kiện nữa là bị cáo phải chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, mới chắc chắn là không bị tuyên hình phạt cao nhất là tử hình trong trường hợp tòa án xác định bị cáo có tội.
>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)