Nộp 22,5 tỷ khắc phục, cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến được giảm nhẹ?

Google News

Với số tiền nộp khắc phục 22,5 tỷ đồng, cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự khi tòa án quyết định hình phạt.

Liên quan vụ án Hạc Thành Tower, hai bị can là cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nộp mỗi người 22,5 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả do sai phạm gây ra khi còn đương chức.
Kết quả điều tra cho thấy, thời điểm năm 2013, lúc đó ông Trịnh Văn Chiến, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp chỉ đạo việc tính tiền sử dụng đất cho Cty Cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower theo đơn giá xác định trước đó 4 năm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 55,8 tỷ đồng.
Nop 22,5 ty khac phuc, cuu Bi thu Thanh Hoa Trinh Van Chien duoc giam nhe?
Ông Trịnh Văn Chiến. 
Ông Nguyễn Đình Xứng khi là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4562/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty CP Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower với đơn giá 21 triệu đồng/m2 (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 55,8 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Chiến và ông Nguyễn Đình Xứng cùng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng và chức vụ cho thấy, hầu hết các bị cáo đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình. Tuy nhiên, việc bị can bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả số tiền lên đến 22,5 tỷ ngay sau khi khởi tố bị can là chuyện chưa từng xảy ra.
Thông tin từ cơ quan điều tra, đến nay, xác định thiệt hại trong vụ án khoảng 55,8 tỷ đồng. Với số tiền hai bị can trên khắc phục đến 45 tỷ đồng, thiệt hại của vụ án đã được khắc phục cơ bản, số tiền còn lại thiệt hại hơn 10 tỷ đồng sẽ thuộc về trách nhiệm của các bị can khác có liên quan. Việc nộp tiền khắc phục của bị can Trịnh Văn Chiến và Nguyễn Đình Xứng có thể coi như phần trách nhiệm dân sự đối với hai bị can này đã xong, đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự khi tòa án quyết định hình phạt.
Luật sư Cường cho biết, việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thường đi liền với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Thêm vào đó, các bị can này thường sẽ có thêm các tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự nữa là gia đình có công với cách mạng và có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, làm việc.
Bởi vậy, khi xét xử, trường hợp xác định các bị cáo có tội, các bị cáo này sẽ có tới 4 btình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 51 BLHS. Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của BLHS, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó đối với các tội phạm về chức vụ, tội phạm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức cá nhân, việc bồi thường khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự.
Một điều cũng đáng lưu ý trong vụ án này là cả hai bị can đều bị khởi tố cùng về một tội danh là tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại khoản 3, điều 219 BLHS với khung hình phạt là phạt tù từ 15- 20 năm tù.
Đây là tội đặc biệt nghiêm trọng, đáng lẽ ra các bị can này còn có thể bị áp dụng hình biện pháp ngăn chặn là tạm giam trong quá trình điều tra truy tố xét xử. Tuy nhiên, có thể các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là người cao tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh nặng... nên được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra việc các bị can này tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể cũng là tình tiết để cơ quan tố tụng giữ nguyên biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng của vụ án này.
Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm căn cứ để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị can, là cơ sở để cơ quan tố tụng cần nhắc áp dụng biện pháp ngăn chặn mà tình tiết này có thể làm cơ sở để chuyển khung hình phạt.
Theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì khung hình phạt thấp nhất là 10 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Tuy nhiên, điều 54 BLHS cũng quy định trong trường hợp có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 51, Tòa án có thể chuyển khung hình phạt sang khung khác nhẹ hơn. Theo đó, hai bị can này có thể được xét xử ở khung thấp hơn hình phạt mà Viện Kiểm sát sẽ truy tố. Thẩm quyền áp dụng điều 54 BLHS để chuyển khung hình phạt liền kề nhẹ hơn do hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật và kết quả điều tra truy tố xét xử vụ án này.
“Những người có am hiểu về tố tụng hình sự sẽ đánh giá việc bồi thường khắc phục hậu quả của các bị can đây là hành động "khôn ngoan", một mũi tên trúng nhiều đích và sẽ có tác dụng lớn trong việc xem xét quyết định hình phạt, tòa án lượng hình. Đây là động thái tích cực để cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá giữa công và tội, xem xét các tình tiết của vụ án, sớm làm sáng tỏ bản chất của vụ án và giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)