Chiều 25/4, tại trường THPT Hồ Thị Kỷ, Sở Tư pháp Cà Mau phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và Công an tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực và phòng, chống ma túy trong học đường.
Tại hội nghị, Đại úy Bùi Quốc Sách, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Cà Mau cho biết, quý 1/2024, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 57 vụ, 79 bị can phạm tội về ma túy, thu giữ 3,57 gam heroin, trên 127 gam ma túy tổng hợp.
Tính đến ngày 14/3/2024, Cà Mau quản lý hơn 1.130 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng báo động là hầu hết người nghiện ma túy là giới trẻ trong độ tuổi lao động, trong đó, từ 14 đến 30 tuổi chiếm hơn 50%.
Đại úy Bùi Quốc Sách cũng giải thích cho học sinh hiểu một số khái niệm có liên quan đến ma túy, các loại ma túy thường gặp, tác hại khi sử dụng ma túy và cách phòng chống ma túy. “Không sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào dù chỉ một lần, không tò mò sử dụng rượu, bia, thuốc lá, bóng cười... Không kết giao với những người xấu. Mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, không đua đòi tiêu xài hoang phí, vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.
Hơn 100 học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ được phổ biến pháp luật phòng, chống bạo lực và ma túy trong học đường.
Khi phát hiện những học sinh có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc nghi vấn buôn bán ma túy báo cáo kịp thời cho thầy cô giáo, hoặc công an xã để có biện pháp ngăn chặn”, Đại úy Bùi Quốc Sách khuyến cáo.
Đối với vấn đề bạo lực học đường, ông Lê Minh Quân, Thanh tra viên Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin cả nước có gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau chỉ trong 1 năm học, tức là mỗi ngày xảy ra khoảng 5 vụ.
Đại úy Bùi Quốc Sách, Công an tỉnh Cà Mau phổ biến kiến thức phòng, chống ma túy trong học đường.
Tại Cà Mau, bạo lực học đường cũng đang có chiều hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây, mức độ hành vi ngày càng nguy hiểm. Từ năm 2020 đến 2022, toàn tỉnh xảy ra 162 vụ bạo lực học đường với nhiều hình thức khác nhau.
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Ông Lê Minh Quân, Sở GD&ĐT Cà Mau phổ biến kiến thức phòng, chống bạo lực trong học đường.
“ Có nhiều biện pháp để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường như: biện pháp răn đe, khuyến khích khen ngợi; giáo dục cho trẻ kỹ năng sống, giải quyết vấn đề; đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng...Dù giải pháp nào thì cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, cha mẹ học sinh và xã hội. Khi xảy ra bạo lực các bên cần chung tay giải quyết chứ không nên đổ lỗi cho nhau”, ông Quân chia sẻ.
Thông qua hội nghị, lãnh đạo Sở Tư pháp mong muốn mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên giỏi về phòng chống bạo lực và ma túy trong học đường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; trường học thân thiện, học sinh tích cực.