Những trò đùa nguy hiểm khôn lường trên mạng xã hội

Google News

Vu khống, bôi nhọ cá nhân, phát tán thông tin độc hại, gieo rắc tư tưởng khủng bố... trên mạng xã hội ở Việt Nam  gây ra những hậu quả khôn lường.

Trong thông điệp nhân ngày Việt Nam kết nối Internet (19/11) và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet (12/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến nguy cơ sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại.
Điều đáng tiếc, các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ trên mạng xã hội và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội.
Giả mạo IS, vu khống người nổi tiếng
Sau vụ khủng bố ở Paris (Pháp) hôm 13/11, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện hàng loạt tài khoản Facebook dùng hình ảnh đại diện nhận là nghi phạm tham gia vụ thảm sát đẫm máu trên. Họ viết những dòng status nhận có liên quan đến nhóm khủng bố.
Một tài khoản Facebook giả mạo IS đưa tin khiêu khích khủng bố. 
Trong thời gian ngắn, thông tin trên được một bộ phận dân mạng chia sẻ, thu hút nhiều bình luận, trong đó có kích động khủng bố, bạo lực cực đoan. Tuy nhiên, việc giả mạo IS, đưa tin khiêu khích khủng bố như vừa qua được nhiều chuyên gia đánh giá là ngu xuẩn, kích động khủng bố.
Ngày 17/11, đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an có điện gửi thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; giám đốc công an các tỉnh, thành phố... yêu cầu xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những người lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan.
Trong năm 2015, cộng đồng mạng Việt cũng từng dậy sóng khi tài khoản Facebook "Thánh Cô Cô Bóc", đăng các bài viết xúc phạm, bội nhọ danh dự nhiều người nổi tiếng. Cạnh đó, các tiểu thương, người dân cũng được phen lao đao trước thông tin trên mạng "gạo giả bằng nhựa ở Sài Gòn".
Đỉnh điểm là vụ thiếu nữ 15 tuổi đã tự tử vì không chịu nổi áp lực khi bị người tình tung clip nhạy cảm lên Facebook.
Đi tù vì phát tán thông tin trên facebook
Một cán bộ điều tra Công an Hà Nội có kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao cho biết, tội phạm nào khi gây án cũng để lại dấu vết. Nếu tội phạm truyền thống để lại vân tay, dấu máu thì tội phạm sử dụng công nghệ cao, khi gây án có xóa dấu cũng không mất đi hoàn toàn.
Đó chính là lý do mà nhiều người dù dùng Facebook dù đã ẩn danh, giả mạo, hay xóa tài khoản sau khi phạm tội vẫn bị cảnh sát truy ra.
Nửa năm trước, Facebook có tên Phạm Anh Tuấn đăng status: "Rạng sáng nay 9/4, sau khu ký túc xá ĐH Công nghiệp Hà Nội các bạn sinh viên phát hiện em PTA sinh viên năm nhất khoa DL - Sư phạm bị hiếp dâm chết lõa thể trước đó tầm 6-7 ngày”.​
Đi kèm thông tin hoang báo này là hình ảnh lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ một cô gái nằm bất tỉnh trên nền đất. Ngay sau đó, nhiều diễn đàn mạng đã chia sẻ status này. Vào cuộc điều tra, cảnh sát đã bắt, xử lý hình sự 2 người tung thông tin thất thiệt.
Hai tháng sau vụ trên, Bộ Công an bắt Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đây là vụ án điển hình mà người cố tình viết, đăng những thông tin vu khống, bôi nhọ cá nhân trên mạng xã hội phải gánh chịu hậu quả.
Trang cá nhân của Thánh cô Giang. 
Giang chính là thành viên nhóm "Tập đoàn Thánh Bóc" - người đăng các bài viết, hình ảnh nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều người trong giới showbiz Việt trên Facebook ẩn danh. Sau một thời gian truy vết, cảnh sát mạng đã bắt cô này tại Hà Nội.
Ngoài các vụ đã xử lý hình sự, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng mạnh tay, xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi tung tin sai sự thật lên mạng xã hội. Điển hình là vụ 2 vợ chồng đã tự "sáng tác" thông tin Việt Nam có dịch Ebola...
Cư dân mạng có trách nhiệm
Không chỉ bị ràng buộc bởi những quy định trong Bộ Luật hình sự, chia sẻ với Zing.vn, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng người dùng mạng xã hội có nguy cơ bị áp dụng các chế tài xử lý bất cứ lúc nào nếu đưa những thông tin chưa được kiểm chứng lên đây.
Dẫn chứng vụ tài khoản Facebook tung tin giả mạo tổ chức khủng bố IS - thủ phạm gây ra vụ khủng bố tại Paris, luật sư nhận định, hành vi này đã vi phạm một trong những điều cấm trong Luật Công nghệ. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Trong thông điệp ngày 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi, mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm và chia sẻ thông tin, hình ảnh, số liệu cũng với ý thức và trách nhiệm cao.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn, mọi người không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng. ​
Theo Zings News

Bình luận(0)