Đúng 7 giờ sáng, nơi đây đã bắt đầu vang lên tiếng giảng bài của cô giáo, tiếng đọc bài ê a của các em nhỏ. Ngôi trường chỉ có vỏn vẹn năm phòng học, các em nhỏ say sưa lắng nghe cô giáo giảng bài.
Những đứa trẻ hồn nhiên dù thiếu may mắn
Chúng tôi bước vào một lớp học đang được các tình nguyện viên hỗ trợ, một cô bé hớn hở nói: “Cô chụp ảnh cho con được không, con ước mình được cầm máy ảnh của cô”. Vội chụp cho cô bé vài bức ảnh, chúng tôi không quên cho em cầm chiếc máy ảnh như lời em nói.
|
Ngôi trường được cải tạo từ hai căn nhà bị bỏ hoang, mỗi ngày cải tạo một chút dần dần đã khang trang hơn. Ảnh: TÚ NGÂN |
Cô bé đó là Nguyễn Ngọc Thanh Hương, học sinh lớp 3 ở đây. Em hồn nhiên kể: “Gần bốn năm nay con không được ở cùng mẹ, vì công việc buôn bán nên mẹ không gọi cho con được, điện thoại mẹ hư rồi, mẹ con bận lắm. Con cùng ba và ông bà vào Sài Gòn nhưng vì công việc nên ba ở lại chỗ làm. Khi nào có thời gian thì ba về chở con đến trường”.
Dạy miễn phí, hỗ trợ sách vở, đồng phục
Hiện tại, ngôi trường có 141 em học sinh đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Các lớp học ở đây hoàn toàn miễn phí sách vở, đồng phục. Không đứng ra kêu gọi tiền hỗ trợ, phần lớn cô trò nơi đây chỉ nhận hiện vật như là nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm. Trong suốt hành trình 23 năm, rất may mắn có nhiều em vượt lên số phận, chạm đến cánh cửa ĐH, có công ăn việc làm tử tế để tự nuôi sống bản thân.
Trong căn nhà thuê ở quận Bình Thạnh, cô bé sống cùng ông bà nội. Năm nay ông nội đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày vẫn đi giao hàng để kiếm sống, mỗi sáng trước giờ đi làm, ông tranh thủ đưa em đến trường. Bà nội đi làm có hôm đến tận 22 giờ mới về.
Trên gương mặt hồn nhiên với ánh mắt trong trẻo chưa cảm nhận hết những khó khăn của cuộc sống thường nhật, Hương cho biết thêm: “Hiện tại ông nội vẫn đang đi tìm thêm việc làm nữa để đủ tiền lo cho con với bà nội. Con thấy nhớ mẹ và em lắm. Cũng nhờ được đến lớp học con thấy vui hơn, vì con được chia sẻ với cô và các bạn”.
Để tạo điều kiện cho các em học sinh ở ngôi trường đặc biệt này, các cô giáo luôn tìm mọi cách đảm bảo hỗ trợ miễn phí sách vở, đồng phục cho các em, để các em không phải nghỉ học.
Muốn làm hết sức để các con vơi đi nỗi bất hạnh
Cô Phạm Thị Đoan (49 tuổi), quản lý ngôi trường, cho biết: “Ngày xưa khi vừa ra trường được một năm, tôi thấy khu vực này có rất nhiều trẻ em đi lang thang, làm đủ mọi nghề từ bán vé số, đánh giày, bán báo…, đa số là dân tứ xứ vào đây”.
Thấy vậy, cô Đoan ao ước sẽ mở một lớp học để giúp các em xóa mù chữ. Thời gian đầu cô gặp rất nhiều khó khăn, phải mất đến hai năm để xin phép chính quyền địa phương, sở ngành có thẩm quyền bởi các em thuộc đối tượng đặc biệt, cuộc sống của các em gặp rất nhiều vấn đề.
Cô Đoan kể: “Tôi đến nhà vận động các con đến trường. Nhiều em khao khát được đến trường nhưng lại có những em vì gánh lo cơm áo gạo tiền từ sớm mà không chịu đi học. Một số khác vì hoàn cảnh gia đình chạy lo từng bữa thì họ lại lo cho cái bụng trước rồi mới tới chuyện cho con đi học chữ hay cho nó vui chơi”.
“Ngôi trường được cải tạo từ hai căn nhà bị bỏ hoang, mỗi ngày cải tạo một chút dần dần đã khang trang hơn. Thời điểm đó, tôi làm liều đi xin gạch đá, xi măng ở các công ty xây dựng mà mình biết, may mắn nhận được sự hỗ trợ. Nhiều người hỏi tôi: “Sao trường tình thương mà đẹp thế, người ta thấy cơ sở vật chất đẹp như vậy không giúp rồi sao?”. Nhưng vì đây là mơ ước của tôi, có môi trường giảng dạy sạch sẽ cho các em tôi cũng thấy vui hơn”.
Theo lời cô Đoan, trẻ em theo học ở đây 80% chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ, có em mồ côi sống với ông bà hoặc họ hàng. Vì vậy gánh nặng của họ rất lớn, công việc cũng không ổn định. Nhiều lần vận động cho trẻ con đi học mà không được, họ thấy phiền phức quá nên sẵn sàng dọn nhà bỏ đi.
Hiện tại, trường tổ chức dạy học cho các em bằng cách đánh giá trình độ, ví dụ như trẻ đủ trình độ học lớp 2 thì trường sẽ cho em học lớp 2, chứ không phải với lứa tuổi đó thì trẻ sẽ học lớp đó. Vì hoàn cảnh các em khác nhau, được đến trường sớm hay muộn cũng tùy thuộc vào gia đình.
Cô Đoan tâm sự: “Con người ta ai cũng có lúc áp lực, nhiều lần tôi muốn buông xuôi nhưng nghĩ lại tôi thấy thương các con, kiên nhẫn cố gắng đến tận bây giờ. Bởi tôi thấy kiếp người không ai muốn chọn gia đình nghèo khó để sinh ra nhưng các con lại rơi vào hoàn cảnh đó và xã hội dường như chẳng thể nào chung tay gánh vác hết với họ”.
“Đặc biệt là những gia đình có con em bị tự kỷ, gần như các con bị bỏ rơi, trở thành gánh nặng cho gia đình. Có những hôm con bị sốt cao họ cũng mang đến để ở trường, khi nào cảm thấy con mệt quá thì mình gọi phụ huynh rước về. Nên mình nghĩ những hoàn cảnh như vậy bị thiệt thòi rất nhiều. Từ đó tôi nghĩ sẽ cố gắng cùng các con để vơi bớt nỗi bất hạnh, dù chỉ là một số thôi, chứ không thể nào giúp được hết.
Ngoài việc trao cho các con con chữ, tôi lại ước mơ lớn hơn là dạy các con nhân cách sống, cách nói chuyện, đi đứng, biết vệ sinh cá nhân... Tôi hy vọng các con sẽ vượt lên số phận, đeo đuổi con chữ, ít ra là đến hết lớp 12. Các con có kiến thức để bản thân được nhờ” - cô Đoan xúc động nói.
Hơn ba năm cần mẫn bắt xe ôm đi dạy
Cô Phạm Thị Minh Ngọc (64 tuổi, TP Thủ Đức) là giáo viên hưu trí đã gắn bó với ngôi trường đặc biệt này hơn ba năm nay. Cứ đều đặn mỗi ngày cô đặt xe ôm từ TP Thủ Đức đến quận Bình Thạnh để dạy học, cả lượt đi và về mất hết 70.000 đồng. Nhưng vì nhớ học sinh cũng như thương những học trò có hoàn cảnh đặc biệt ở đây nên cô chưa có ý định sẽ dừng lại.
“Các em không may lớn lên từ những gia đình thiếu điều kiện, không được cảm nhận sự quan tâm từ ba mẹ. Nhiều khi trong tiết dạy có những em thần kinh không ổn định, cháu đứng lên la hét, ngồi cười rồi vò giấy mãi, tôi phải dỗ dành mãi mới thôi. Nhiều khi tôi trăn trở, mong muốn sao cho cha mẹ khi sinh con ra hãy có trách nhiệm và cố gắng chăm sóc, hỗ trợ cho các em được nên người” - cô Ngọc chia sẻ.