Mới đây, UBND quận 1 TP HCM vừa có đề án khu ẩm thực thí điểm sắp xếp kinh doanh có thời gian trên một số đường phố của quận này nhằm tổ chức, sắp xếp cho người có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè tập trung buôn bán.
|
Những chiếc xe đạp chở hàng rong, gánh hàng rong khắp phố phường đã quá quen thuộc với người Hà Nội. |
Tại Hà Nội, những ngày này, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị rất quyết liệt, vỉa hè ở một số nơi đã được trả lại cho người đi bộ và không còn tình trạng ô tô, xe máy dừng đỗ sai quy định hay các hộ gia đình xây bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt, ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội, vỉa hè, lòng đường cũng trở nên thoáng đãng, sạch sẽ hơn. Song đứng trước “chiến dịch giành lại vỉa hè” của Hà Nội là nỗi lo âu của những người bán hàng rong, họ bám đất Thủ đô bằng các chuyến hàng rong len lỏi qua từng phố phường tấp nập để mưu sinh.
Clip: Người dân mong Hà Nội cũng có phố bán hàng rong hợp pháp:
Ngồi ở góc trên phố Hàng Bún (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bên cạnh là chiếc thúng bên trong vẫn còn chứa đầy bánh rán, chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, Hưng Yên) giãi bày: “Thu nhập của tôi chủ yếu dựa vào việc bán bánh rán, còn chồng chạy xe ôm. Ngày trước, nếu bán bình thường thì có thể kiếm được khoảng 100 nghìn đồng hoặc hơn 100 nghìn đồng một chút, nhưng phải đi bán từ lúc sáng sớm cho đến khuya. Bây giờ, Hà Nội đang dẹp vỉa hè quyết liệt, công an đuổi cũng nhiều hơn, bán không được, có ngày chỉ bán được mấy chục nghìn thôi”.
|
Thúng cốm mà chị Lan bán hàng ngày để kiếm tiền lo trang trải cuộc sống và nuôi ba cô con gái đi học. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở quê lên Hà Nội kiếm sống, và mới bán cốm được hơn một năm. Những ngày trước bán mỗi một ngày được khoảng 100-200 nghìn đồng, nhưng giờ cơ quan chức năng dẹp mạnh thì thu nhập chỉ xấp xỉ 100 nghìn đồng, bị ảnh hưởng rất nhiều. Hơn nữa, giờ tôi lại là trụ cột nuôi ba cô con gái đều đang đi học đại học, cao đẳng”.
|
Do không có công ăn việc làm ổn định, anh Nguyễn Văn Thành (39 tuổi, ở Vĩnh Phúc) xuống Hà Nội thuê phòng trọ đi bán bò bía kiếm tiền chăm lo cho gia đình. |
|
Anh Thành bán giá 10 nghìn đồng/1 chiếc bò bía loại lớn. |
Anh Nguyễn Văn Thành (39 tuổi, ở Vĩnh Phúc) cho biết: “Từ hôm Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị quyết liệt, tôi cũng chỉ dám lén lút ra bán bò bía hoặc tranh thủ lúc người ta về ăn cơm. Đợt này chỉ bán được 30 đến 50 nghìn đồng mỗi ngày vì công an xua đuổi suốt ngày.
Do nhà xa nên tôi và mấy anh em khác thuê chung nhau một phòng trọ giá 1 triệu đồng để đi bán hàng, ngày nào cũng đi bán từ tờ mờ sáng đến tối muộn. Tất cả tiền bạc nếu tháng nào kiếm được nhiều thì các khoản lo cho con cái, gia đình thấy nhẹ nhàng hơn một chút, chứ cứ phải bán lén lút như bây giờ thì lo lắm. Tôi cũng muốn Hà Nội tạo điều kiện mở những điểm cho chúng tôi bán hàng tập trung thì công việc sẽ thuận lợi hơn”.
Đối với một số người Hà Nội gốc, hình ảnh những chiếc xe đạp bán hàng rong, gánh hàng rong thong dong khắp các phố phường mộc mạc và gần gũi giữa chốn đô thị phồn hoa.
Anh Nguyễn Vinh Quang (53 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, trong chiến dịch giành lại vỉa hè, Hà Nội cần mạnh tay, xử lý quyết liệt, triệt để chứ không nên “bắt cóc bỏ đĩa”. Đối với những người dân mưu sinh có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, họ chỉ dựa vào hàng rong thì nên có giải pháp hợp lý, giống như TP HCM nên cho phép họ bán ở các tuyến phố nhất định, không gây ồn ào, mất an ninh trật tự và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ”.
Trong khi đó, anh Phan Tuyến (26 tuổi, Hà Nội) cho rằng: “Hà Nội từ xưa đến nay đã quen với hình ảnh những gánh, xe hàng rong khắp phố. Những người bán các mặt hàng như cốm, trà đá vỉa hè, những chiếc xe đạp chở đầy hoa… giống như một nét đặc trưng của Hà Nội nên các cơ quan chức năng cũng cần phải có giải pháp tạo điều kiện cho họ bán hàng ở một số tuyến phố nhất định như TP HCM, để được thuận lợi hơn, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông”.
“Chiến dịch giành lại vỉa hè” của Hà Nội đang được các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt, cảnh tượng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, mất mỹ quan đô thị do hàng rong đã được hạn chế. Tuy nhiên, để cuộc sống của những người lao động nghèo, những người thu nhập chính chủ yếu dựa vào bàn hàng rong được đảm bảo, ổn định hơn, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp hợp lý.