|
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm. |
Ngay sau khi bản án sơ thẩm vụ Agribank Trà Vinh của TAND tỉnh Trà Vinh tuyên án 8 bị cáo từ 7-14 năm tù (ngày 9/2/2018), các bị cáo đồng loạt kháng cáo lên toà phúc thẩm kêu oan.
Bản án sơ thẩm tuyên các bị cáo “lừa đảo” nhưng không bị cáo nào chiếm đoạt một đồng nào.
Trong các bị cáo, bị cáo bị toà sơ thẩm tuyên nặng nhất là Nguyễn Hữu Lộc 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kỳ lạ là bị cáo Lộc đã tham gia HĐQT của Cty Aquafeed từ khi thành lập đến hết ngày 15/8/2010 thì thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Đến ngày 31/3/2011, bị cáo Lộc thôi giữ chức vụ Uỷ viên HĐQT Cty Aquafeed nên không còn bất kỳ chức vụ hay công việc gì tại Cty Aquafeed.
Trong thời gian làm Uỷ viên HĐQT đến ngày 31/3/2011, căn cứ theo Biên bản phân công công tác ngày 23/8/2010, bị cáo Lộc chỉ chịu trách nhiệm về thu hồi công nợ cho Cty Aquafeed và phụ trách con giống. Nhưng kỳ lạ là bản án sơ thẩm lại ghi là phụ trách con dấu (!?).
Như vậy, xét theo các tài liệu chứng cứ thì kể từ ngày 15/8/2010, bị cáo Lộc không còn giữ chức vụ và cũng không có đủ quyền điều hành mọi hoạt động của Cty Aquafeed theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 nên bị cáo Lộc không phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của Cty Aquafeed.
Mọi hoạt động của Cty Aquafeed kể từ ngày 15/8/2010 về sau thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của HĐQT và người đại diện theo pháp luật trong giai đoạn này được quy định tại Điều 108 và Điều 111 của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Như vậy, vụ án tính về thời điểm, bị cáo Lộc không liên quan, nhưng vẫn bị truy tố...
Bất thường và kỳ lạ với “kỳ án” này là nhóm bị cáo Cty vay tiền của Agribank Trà Vinh có tài sản thế chấp đầy đủ, nhóm bị cáo Agribank Trà Vinh cũng kêu oan là hồ sơ vay đúng quy định pháp luật, được Hội sở Agribank phê duyệt... tài sản thu hồi không mất đồng nào.
Cũng kỳ lạ là số tiền mà các cơ quan tố tụng sơ thẩm quy kết là các bị cáo “lừa đảo chiếm đoạt” là hơn 205 tỉ đồng, trong khi Cty vay của Agribank cộng lãi và gốc chỉ hơn 100 tỉ đồng (tài sản Cty thế chấp đảm bảo vay là lớn hơn nhiều), vậy 105 tỉ đồng chiếm đoạt của ai?
Chưa hết, nhóm bị cáo Agribank Trà Vinh liên tục kêu oan, bởi cũng khẳng định không mất đồng nào do khoản vay đều đảm bảo tài sản thế chấp, vậy ai “lừa đảo”, ai “chiếm đoạt” tài sản của ai?
Vụ “kỳ án” này đã 5 lần trả hồ sơ qua lại, kéo dài vụ án từ năm 2012 (khởi tố vụ án tháng 1.2013) khiến các bị cáo lao đao lận đận vì... tố tụng nơi cấp sơ thẩm.