Theo đó, tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban quản lý dự án đường sắt và tổng thầu Trung Quốc sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, đề nghị thanh toán 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ) của Tổng thầu Trung Quốc đối chỉ là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không có văn bản chính thức. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải không xem xét thanh toán.
|
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông. |
Thứ trưởng Đông cũng cho biết, các mốc thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được phía Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng EPC. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng.
Theo Thứ trưởng Đông, số tiền thanh toán của phía Việt Nam cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đạt khoảng 78% giá trị hợp đồng, số còn lại sẽ được thanh toán trước khi bàn giao dự án. Trường hợp, nếu tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, dự án đang cần huy động đủ nhân lực của tổng thầu để tiếp tục triển khai các công việc giai đoạn cuối cùng. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, đến nay chỉ có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu Trung Quốc có mặt tại Việt Nam, bao gồm Giám đốc dự án Đường Hồng và 3 chuyên gia khác.
Sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài, Ban quản lý dự án đã lên kế hoạch đưa 150 kỹ sư của tổng thầu Trung Quốc trở lại làm việc. Đầu tháng 6 này, các kỹ sư sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly y tế 14 ngày.
Trước đây, dự án được lên kế hoạch vận hành thử toàn bộ hệ thống để phục vụ công tác nghiệm thu, đánh giá an toàn hệ thống từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kế hoạch vận hành thử bị thay đổi. Ngoài ra, chuyên gia châu Âu của nhà thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT, Pháp) cũng chưa xác định thời điểm trở lại dự án.
Như Kiến Thức đã thông tin, trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết Tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông yêu cầu thêm 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ) để vận hành hệ thống, thanh toán trước khi bàn giao.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký văn bản báo cáo Quốc hội về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Đề cập đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, báo cáo tiếp tục nêu ra các khó khăn, vướng mắc tại dự án và không có thông tin dự kiến về ngày khánh thành.
Hiện, Tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành dự án và chưa làm rõ được trách nhiệm của các bên làm chậm dự án nên gói thầu tư vấn giám sát chưa thể kéo dài trong thời gian tới.