Trong chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 ban hành trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra hàng loạt các mục tiêu chiến lược. Một trong những mục tiêu được đưa ra là việc yêu cầu các địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định. Thu hồi tất cả nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định.
|
Chính phủ yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định. |
Mục tiêu trên của Chính phủ nhận được sự đồng tình của dư luận. Bởi suốt thời gian qua, đã có quá nhiều ồn ào trong dư luận khi có nhiều cựu quan chức về hưu nhưng không chịu trả nhà công vụ gây lãng phí tài sản nhà nước. Bởi nhà công vụ thực chất là tài sản nhà nước được giao cho các cán bộ thuộc diện được ở sử dụng trong thời gian làm công vụ và có hạn định. Sau khi thôi công tác đương nhiên phải trả lại cho Nhà nước để cấp cho các cán bộ khác.
Dư luận đặt câu hỏi, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, ai đang sở hữu, ai đã trả nhà?
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự, 6.377 căn hộ và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189m2. Quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương bao gồm 42 biệt thự, 4.890 căn hộ và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Số lượng nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương tập trung nhiều nhất vào Bộ Quốc phòng (khoảng 83.000 m2) và Bộ Công an (khoảng 67.000 m2).
Theo quy định tại điều 32 Luật nhà ở năm 2014, đối tượng thuê nhà công vụ rất rộng bao gồm: Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; cán bộ công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên.
Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật nhà ở 2014 được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang; giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của khoa học và công nghệ...
Điều đó cho thấy số lượng cán bộ sử dụng nhà công vụ rất lớn. Trong khi đa số cán bộ sử dụng nhà công vụ đúng quy định, vẫn còn không ít nhà công vụ được sử dụng sai mục đích, cán bộ nghỉ hưu vẫn không chịu trao trả nhà khiến dư luận bức xúc. Bởi để vận hành nhà công vụ, hàng nghìn người đang phải tham gia công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa. Số tiền đầu tư xây dựng, vận hành toàn bộ quỹ nhà công vụ trên cả nước dù chưa được công bố nhưng đây là khối tài sản rất lớn của Nhà nước.
Mới đây, vụ việc 12 cựu quan chức bị Bộ Xây dựng yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ đã gây xôn xao dư luận. 12 cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương gồm: 3 cựu Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 1 cựu Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 1 cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 1 cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, 1 cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Các cựu quan chức trên có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 – 115m2. Tuy nhiên, nhiều người trong số này đã về hưu 2 - 3 năm, không có nhu cầu ở nhà công vụ nhưng vẫn "chây ì" không bàn giao lại nhà công vụ của Nhà nước. Phải đến khi Bộ Xây dựng ra văn bản nhắc nhở và báo chí vào cuộc, những cán bộ này mới có động thái hoàn trả nhà công vụ.
Trước đó, không ít vụ việc chây ì trả nhà công vụ của các cựu quan chức trong quá khứ như năm 2017, Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu ông Hà Hùng Cường – Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc trả lại nhà ở công vụ tại căn hộ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2 (khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho đơn vị quản lý theo quy định. Sau đó, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có đơn gửi Bộ Xây dựng mong muốn gia hạn thời gian thuê thêm một năm (đến ngày 30/6/2018) hoặc được mua lại căn hộ nhà ở công vụ nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 19/6/2017, ông Hà Hùng Cường đã làm thủ tục trả nhà công vụ.
Hay như cuối tháng 3/2017, Bộ Xây dựng cũng đã ra thông báo về việc trả lại nhà ở công vụ tại căn hộ số 505 tầng 5, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Kim Thúy - nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam do hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành. Bà Thuý cũng đã có đơn đề nghị để được tiếp tục thuê căn hộ 505, tại tháp B nêu trên hết thời hạn cho thuê tối đa 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019) do "có khó khăn về nhà ở"...
Vụ nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Hoàng Văn Nghiên sau 8 năm mới trả lại căn biệt thự được TP Hà Nội cho thuê với “giá bèo” từng thu hút sự chú ý của dư luận.
Những vụ việc trên đã làm dấy lên những vấn đề trong việc quản lý, thực thi chính sách của Nhà nước đối với nhà công vụ.
Do nhiều lý do, Bộ Xây dựng chưa tiếp tục công khai danh sách những cựu cán bộ chây ì trả nhà công vụ nhưng thực tế cho thấy, con số không phải ít.
Bởi vậy, việc Chính phủ yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định là vô cùng cần thiết để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021. Bởi hàng nghìn căn nhà là tài sản rất lớn của Nhà nước, cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sử dụng một cách hiệu quả, đúng đối tượng sẽ tiết kiệm cho Ngân sách một số tiền không nhỏ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lãng phí đất vàng: