Mới đây, tại hội nghị sơ kết ngành tài chính diễn ra sáng 2/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Doãn Toản đã kiến nghị tới Bộ Tài chính về cơ chế đặc thù ưu đãi để mỗi sở, ban, ngành có thể được trang bị 4 xe, gấp đôi so với quy định hiện tại (Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng về quy định định mức xe công tác các đơn vị Nhà nước, mỗi đơn vị chỉ được tối đa 2 xe).
|
Xe công ngốn số tiền lớn từ ngân sách mỗi năm. - (Ảnh minh họa). |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, địa bàn Hà Nội rộng với khối lượng công việc lớn, các sở, ban, ngành qua đó phải đi cơ sở nhiều để xử lý công việc. Bởi vậy, việc trang bị 2 xe là tối đa cho các đơn vị theo lãnh đạo Hà Nội là “khó”.
Ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngay sau đó đã nhận được sự ủng hộ khi ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, nếu trên địa bàn Hà Nội có nhiều taxi mà còn gặp khó với định mức xe công thì với “tỉnh lẻ” như Quảng Nam, phương tiện công vốn hạn chế thì việc điều chỉnh định mức càng cần thiết.
Đề xuất này của Hà Nội nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng trong bối cảnh nợ công đang gia tăng thì đề xuất của Hà Nội là không hợp lý.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người từng từ chối xe công để nhận tiền khoán đi làm bằng xe ôm, taxi cho rằng, đề xuất trên của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội là đi ngược lại với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Thuận, tình trạng nợ công của đất nước đang tăng cao, Nhà nước phải thực hiện chính sách tiết kiệm mà đề xuất như thế thì không hợp lý. Đặc biệt, đó có thể là tiền đề xấu khiến các địa phương khác làm theo.
“Tôi đã đi nhiều nước, ở đó người ta bỏ xe công, cán bộ còn đi cả xe buýt đi làm. Ở nước ta phương tiện đi lại hiện nay cũng không thiếu, các xe taxi, xe hợp đồng nhiều, có đủ loại vậy sao lại phải bỏ một số tiền lớn như vậy để mua chiếc xe có việc thì đi không có việc thì bỏ đấy liệu có nên không? Tại sao người ta không chịu đi như 1 người dân bình thường mà cứ muốn sắm xe sang?” – ông Thuận đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Thuận, xe công là một trong những nguồn “ngốn” nhiều tiền ngân sách của quốc gia. Kinh tế đất nước đang đòi hỏi chúng ta phải hành động tiết kiệm thay vì chỉ hô vang những khẩu hiệu đã thành “lối mòn”.
>>> Mời quý độc giả xem video Xe biển xanh đi lễ hội (nguồn VTV):