Gần 10 ngày nay, khi các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm máy bay CASA 212 gặp nạn cùng 9 quân nhân trên vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) thì cũng ngần ấy thời gian, người thân 9 chiến sĩ đỏ hoe mắt ngóng đợi thông tin.
Trong những người thân các chiến sĩ mất tích trên máy bay CASA 212 ngày 16/6, lo lắng và rơi nhiều nước mắt nhất là người thân gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Chính, chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918. Bởi mới đây, trong quá trình tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một thi thể có nhiều dấu hiệu để xác định là anh Chính như quân phục mà thi thể này mặc có nhiều giấy tờ mang tên Thiếu tá Nguyễn Văn Chính. Những thông tin trên đã khiến người nhà anh Chính lo lắng đón đợi kết quả chính thức từ cơ quan chức năng.
Tìm về quê nhà Thiếu tá Nguyễn Văn Chính tại xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), nơi bố mẹ anh Chính là ông Nguyễn Văn Chiến (70 tuổi) và bà Khổng Thị Sính (67 tuổi ) đang sinh sống, những người thân mắt đỏ hoe. Bà con chòm xóm từ khi biết thông tin đã đến chia sẻ động viên nhưng nỗi buồn bao phủ kín căn nhà cấp 4.
|
Chị Nguyễn Thị Thịnh, em gái ruột thiếu tá Chính.
|
Nhiều ngày qua, lo sợ bố mẹ tuổi cao sức khỏe yếu nên người nhà đã không dám bật tivi cũng như đài phát thanh vì sợ ông bà bị sốc khi biết tin dữ. Chị Nguyễn Thị Thịnh, em gái ruột anh Chính cho biết: "Từ ngày biết tin anh Chính gặp nạn, gia đình đã không bật tivi hay nghe đài vì sợ bố mẹ tôi bị sốc. Trưa nay, gia đình cũng mới nghe là các lực lượng tìm kiếm của Việt Nam đã tìm được thi thể 5 chiến sỹ, trong đó có anh trai tôi. Mẹ tôi từ ngày biết tin về anh Chính đã nhiều lần ngất lên, ngất xuống. Mẹ tuổi đã cao lại bị bệnh tim, bố tôi lại bị bệnh cao huyết áp nên chúng tôi phải luôn cử người bên cạnh".
Người thân anh Chính cho biết, thiếu tá Chính là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Hai vợ chồng anh Chính có hai người con đều còn nhỏ. Cả nhà anh Chính đều sinh sống ở Hà Nội.
"Tuy đi làm và ở xa nhà nhưng anh Chính hầu như tháng nào cũng về quê để thăm bố mẹ và anh em, họ hàng. Lần về quê gần đây nhất của anh Chính là vào ngày 30/5, sau khi thăm gia đình, anh Chính ở lại chơi một hôm đến sáng 31/5 thì lên Hà Nội", chị Thịnh cho biết.
Bản thân ông Nguyễn Văn Chiến từng tham gia kháng chiến chống Mỹ 10 năm. Sau năm 1975, ông chuyển công tác. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Chiến đã bị thương nặng ở chân và hiện tại đang là thương binh ở địa phương.
"Khi học xong lớp 12, Chính được Nhà nước cho đi học phi công. Sau khi vào công tác trong ngành quân đội và lập gia đình, mặc dù sau đó hai vợ chồng chuyển lên Hà Nội sinh sống, nhưng Chính thường xuyên về quê để thăm non sức khỏe của bố mẹ cũng như người thân trong gia đình", ông Chiến cho biết.
|
Trung úy Nguyễn Bá Thế. |
Tâm trạng những người thân Trung úy Nguyễn Bá Thế (SN 1982) mấy ngày nay cũng luôn trong trạng thái buồn lo. Căn nhà Trung úy Thế ở thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng mấy ngày nay có rất nhiều người đến sẻ chia nhưng nỗi buồn và những giọt nước mắt lo lắng luôn thường trực bên những người thân anh Thế. Khi PV có mặt cũng là thời điểm trưa ngày 24/6, cả nhà Trung úy Nguyễn Bá Thế lại tập trung theo dõi chương trình thời sự trên tivi. Khi xem hết bản tin về tìm kiếm máy bay CASA 212, chị Đào Thị Tuyết lại lặng lẽ khóc. Mấy ngày nay, từ khi hay tin chồng và các đồng đội gặp nạn, chị Tuyết dường như suy sụp tinh thần. Hai con anh chị còn rất nhỏ, cháu lớn mới học lớp 2 và cháu nhỏ mới 7 tuổi, dường như chưa hiểu nỗi lo lắng, buồn đau mà chị Tuyết đang phải chịu đựng.
Trung úy Nguyễn Bá Thế sinh ra trong gia đình có 6 người con. Mặc dù sớm mồ côi cha nhưng anh Thế đã vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Trong 6 người anh em có anh Thế và một anh trai công tác trong quân đội nhưng cách đây 3 năm, người anh trai của anh Thế công tác trong một đơn vị ở Vũng Tàu đã ra đi mãi mãi sau một cơn bạo bệnh. Nỗi đau trong gia đình chưa kịp vơi bớt thì Trung úy Nguyễn Bá Thế gặp nạn.
Gia đình Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 tại thôn Thiên Kiều (xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) suốt thời gian qua cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của sự lo lắng khi theo dõi thông tin từ cuộc tìm kiếm máy bay CASA và 9 chiến sĩ trên biển.
Bà Phùng Thị Thuận không giấu nổi những giọt nước mắt và vẻ lo lắng. Kể lại với PV Kiến Thức, bà Thuận cho biết, bà nhận được cuộc điện thoại cuối cùng của con trai lúc 7h ngày 16/6. “Khi đó, tôi đang ở vườn vải để mót những quả vải không bị rám nắng đem ra chợ bán, lấy tiền trang trải. Nó hỏi thăm sức khỏe tôi rồi bảo đi về nhà nghỉ cho đỡ nắng, hôm nào sẽ gửi tiền về hỗ trợ, giờ chuẩn bị đi làm nhiệm vụ”.
Những cuộc gọi điện thoại liên tục đến số máy của bà để hỏi thăm, chia sẻ, động viên. "Khi nghe tin con trai tôi gặp nạn như thế, tôi như tan nát ruột gan. Chồng tôi đang ốm nằm trên giường. Bây giờ chỉ mong sao con tôi sẽ thoát kiếp nạn này", bà Thuận vừa nói, vừa gạt những giọt nước mắt.
Theo bà Phùng Thị Thuận cho biết, do tính chất công việc, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu ít khi có dịp về nhà thăm bố mẹ.
Nói về Thiếu tá Chu, bà Thuận cho hay: “Chu được học hành cao nhất nhà, tính cách hiền lành, sống tình cảm lắm. Mỗi lần được nghỉ phép là cả gia đình lại về thăm quê. Nó vào xoa bóp cho bố, rồi thấy thiếu cái gì lại chạy đi mua, từ cái bát, cái đũa tới đồ thờ cúng đều do nó sắm sửa”.
Thời điểm PV có mặt tại nhà thiếu tá Chu cũng là thời điểm anh Nguyễn Văn Cả, anh trai anh Chu từ TP HCM về đến nhà. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Cả cho biết: "Tôi nhận được thông tin từ lúc 17h ngày 16/6. Khi đó tôi giật mình lo lắng trước hung tin".