Tin từ gia đình cho hay, việc tang lễ ông Vũ Quốc Hùng sẽ sớm được thông báo.
Sinh năm 1940, thuộc lứa học sinh phổ thông thời kháng chiến được Đảng, Nhà nước đưa đi đào tạo bài bản ở Liên Xô cũ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, rồi tiếp tục lấy bằng Phó Tiến sĩ nửa cuối thập kỷ 70, ông Vũ Quốc Hùng xuất thân là cán bộ giảng dạy ở Đại học Kỹ thuật Quân sự.
|
Đảng viên Vũ Quốc Hùng trong lần trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP HCM, khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa mất, tháng 8/2020. Ảnh: Nghĩa Nhân
|
Từ công tác chuyên môn, khoa học thuần túy, ông chuyển sang công tác Đoàn, là Bí thư Trung ương Đoàn những năm 80, trước khi được bầu làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trưởng thành và ghi dấu ấn cương trực trong ngành kiểm tra Đảng, ông Vũ Quốc Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương ba khóa VII, VIII, IX, đồng thời làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông được báo chí biết tới nhiều ở giai đoạn là Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời là Trưởng bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (2) khóa VIII.
Đây là giai đoạn mà Bộ Chính trị, BCH Trung ương phát động song song hai cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ở thời điểm ấy, nhiều vụ việc, vụ án lớn đã được Đảng, các cơ quan pháp luật của Nhà nước đưa ra xử lý, điển hình là vụ án thủy cung Thăng Long, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ án Năm Cam…
Đại hội X bầu ra BCH Trung ương mới, chưa đợi quyết định của Bộ Chính trị cho nghỉ chế độ, ông Vũ Quốc Hùng chủ động thu dọn tài liệu, bàn giao cho Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gỡ biển phòng làm việc, về nhà bước vào cuộc sống ấm cúng với gia đình.
Nhưng những người làm báo vẫn tìm đến vị quan liêm chính, cương trực hồi hưu để hỏi han. Một phần để hiểu hơn về công tác kiểm tra Đảng, công tác xây dựng Đảng để viết bài, phần khác để chia sẻ những băn khoăn của mình với thời cuộc.
Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng vì trăn trở, bất bình việc chung, hay có chuyện oan khuất, cũng tìm đến ông để chia sẻ, kiến nghị.
Những cuộc tiếp xúc như vậy, đều được ông Vũ Quốc Hùng tỉ mỉ ghi chép lại, rồi trong trách nhiệm Đảng viên không bao giờ ngưng nghỉ của mình, lại kiến nghị lên các cơ quan, các cấp có thẩm quyền…
Dường như, ông chỉ thực sự nghỉ ngơi hơn vài ba năm trở lại đây. Một phần do đại dịch COVID-19, phần khác do các dấu hiệu bất thường về gan xuất hiện.
Vào ngày BCH Trung ương khóa XIII này họp bất thường, hôm 6/6 vừa rồi, kỷ luật nghiêm khắc với hai Ủy viên Trung ương Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thành Long về những vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước trong vụ việc kit test Việt Á, có phóng viên gọi điện cho ông, thì biết ông vừa can thiệp y tế.
Trên giường bệnh, đảng viên Vũ Quốc Hùng vẫn sang sảng, gửi niềm tin vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Hội nghị Trung ương bất thường, nhưng rất bình thường. Vì Trung ương đã phản ứng kịp thời trước yêu cầu của thời cuộc”.
Ông Vũ Quốc Hùng (sinh ngày 14 tháng 1 năm 1940), quê Thị xã Sơn Tây, Tỉnh Sơn Tây cũ (nay là Hà Nội), sau đó gia đình chuyển lên định cư tại xã Nông Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
1958 – 1961: Học sinh phổ thông tại Hà Nội.
1962 – 1967: Sinh viên đại học Bách Khoa Lêningrát, Liên Xô.
1968 – 1975: Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự), từng là Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Cơ khí (nay là Bộ môn Chế tạo máy, Khoa Cơ khí), Khoa Trang bị Cơ điện.
1976 – 1979: Lấy bằng Phó Tiến sĩ chuyên ngành cơ khí-luyện kim tại trường Đại học Bách Khoa Lêningrát, Liên Xô.
01/1980 – 6/1980: Giáo viên, Phó Chủ nhiệm khoa, Quyền Bí thư đảng ủy Khoa Trang bị cơ điện, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự.
7/1980 – 11/1987: Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
12/1987 – 12/2006: Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa VI, VII); Ủy viên Trung ương Đảng (Khóa VII, VIII, IX); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa VIII, IX).