Dự án cụm công nghiệp Phương Nam của tỉnh Quảng Ninh đã đẩy nhiều hộ dân ở phường Phương Nam, TP Uông Bí vướng vào cảnh nợ ngân hàng.
Người dân ôm nợ vì dự án của tỉnh
Ngày 9/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn ký Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc thành lập cụm công nghiệp Phương Nam, phường Phương Nam, TP Uông Bí.
Quyết định quy hoạch cụm công nghiệp này của tỉnh Quảng Ninh đã bất ngờ “đẩy” hàng chục hộ dân sinh sống tại phường Phương Nam, TP Uông Bí rơi vào cảnh nợ nần, cuộc sống gặp khó khăn vì mới vay ngân hàng đầu tư hàng trăm triệu đồng vào việc nuôi trồng thủy sản nhưng chưa kịp sản xuất, thu hồi vốn thì đã bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhường lại cho dự án cụm công nghiệp. Dù vậy, hiện nay dự án cụm công nghiệp Phương Nam vẫn đang "dậm chân tại chỗ", chưa giải phóng mặt bằng sạch và xây dựng hạ tầng gây lãng phí tài nguyên đất.
|
Diện tích đất xây dựng cụm công nghiệp Phương Nam khiến hàng chục hộ dân trắng tay và lâm vào cảnh nợ ngân hàng.
|
Trong báo cáo gửi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án cụm công nghiệp Phương Nam, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí thừa nhận, sau khi chấm dứt, dừng hoạt động sản xuất vôi thủ công, UBND thành phố đã có thông báo kết luận về việc đồng ý chủ trương cho các hộ dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và làm bến bãi, đồng thời cho các hộ dân vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng.
“Ngay sau khi chấm dứt sản xuất vôi, các hộ dân đã chuyển đổi nghề, vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội với số lượng lớn và đầu tư xây dựng các công trình nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, phù hợp với mục đích sử dụng đất ban đầu trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên thủ tục xin phép xây dựng chưa được hoàn thiện”, ông Phạm Tuấn Đạt trình bày và cho biết ngày 9/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập cụm công nghiệp Phương Nam. Theo đó toàn bộ diện tích khu vực trên của các hộ dân đã vào quy hoạch cụm công nghiệp Phương Nam, các hộ dân chưa kịp thu hồi vốn để trả ngân hàng nên đời sống của người dân ngày càng khó khăn.
|
Ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí. |
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, UBND TP Uông Bí đã để xảy ra tình trạng các hộ dân tự ý xây dựng và hoạt động lò vôi sản xuất thủ công trên diện tích đất nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm trái quy định trong thời gian kéo dài. Mãi đến tận năm 2018 với Nghị quyết 146/NQ-HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc chấm dứt, dừng hoạt động sản xuất vôi thì việc “xóa sổ” lò vôi xây dựng trái phép mới được UBND TP Uông Bí ra tay và nhanh chóng hướng dẫn các hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo đúng mục đích sử dụng đất ban đầu. Đáng tiếc, những công trình đầu tư nuôi trồng thủy sản của người dân theo chỉ đạo của UBND TP Uông Bí lại xây dựng sau ngày 1/7/2014 nên giờ lại “công cốc”.
Được biết, theo Điều 25 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 3000/2017/QĐ-UBND ngày 2/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh thì những công trình nuôi tôm không có phép giấy dựng theo quy định, xây dựng sau thời điểm 1/7/2014 sẽ không được bồi thường.
Nguồn tin của PV Báo Tri thức và Cuộc sống cũng cho biết, từ ngày 14/3/2022 đến nay, lãnh đạo UBND TP Uông Bí vẫn luôn "cầu cứu" ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia đối thoại trực tiếp với người dân để tìm phương án giải quyết những vướng mắc, khó khăn về công tác bồi thường cũng như xây dựng cụm công nghiệp Phương Nam nhưng hiện vẫn chưa được đáp ứng khiến người dân thêm phần bức xúc.
Loạt sai phạm quản lý đất của UBND TP Uông Bí
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, năm 2022, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã có kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của UBND TP Uông Bí trong công tác quản lý đất lúa, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS); phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp và quản lý đất đai, xây dựng tại các khu vực di dân. Tại đây, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm. Qua đó, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Uông Bí chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
|
Dự án cụm công nghiệp Phương Nam, TP Uông Bí chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về UBND TP Uông Bí.
|
Theo đó, đối với 6 phương án sản xuất nông nghiệp được UBND TP Uông Bí phê duyệt (giai đoạn 2015 - 2020), Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là phương án sản xuất nông nghiệp, không phải dự án đầu tư và chủ phương án là hộ gia đình, cá nhân, do đó, không thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.
Căn cứ các quy định của pháp luật và văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp, Thành ủy Uông Bí đã có quy định về phát triển sản xuất theo phương thức này nhưng chưa xác định đầy đủ các tiêu chí cụ thể để thống nhất kiểm tra, giám sát việc phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sản xuất.
UBND TP Uông Bí đã vận dụng trong việc phê duyệt các phương án sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chưa thống nhất trong việc thực hiện trình Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến đối với việc chấp thuận chủ trương và địa điểm đầu tư xây dựng phương án sản xuất; trong 6 phương án, có đến 4 phương án không có ý kiến chấp thuận chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Uông Bí.
Ngoài ra, việc phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh chưa thống nhất trong xác định thời hạn sản xuất, dẫn đến khó khăn đối với quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng; đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Cùng với đó, một số phương án sản xuất nông nghiệp được TP Uông Bí phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ của địa phương, chưa tuân thủ quy định về nguyên tắc SDĐ; kế hoạch SDĐ chưa phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, UBND TP Uông Bí chưa có văn bản xin ý kiến sở, ban, ngành của tỉnh hướng dẫn cho thuê đất đối với trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng đủ điều kiện thực hiện đấu giá quyền SDĐ theo quy định. Trên thực địa, do các cơ quan Nhà nước quản lý chưa chặt chẽ, để các hộ dân tái lấn chiếm, dẫn đến khi thực hiện, chủ phương án chưa thể thi công đồng bộ, tiến độ thực hiện chậm, phương án đầu tư chưa đạt hiệu quả.
Chủ phương án sau khi được TP phê duyệt chưa nghiêm túc thực hiện các thủ tục về đất đai; trong quá trình SDĐ, có chủ phương án đã tự ý chuyển mục đích sử dụng, không tuân thủ quy định pháp luật. Tất cả các phương án sản xuất được phê duyệt đều có cấu phần xây dựng, tuy nhiên, chủ phương án chưa thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng; khởi công xây dựng công trình khi chưa đáp ứng được các điều kiện khởi công; tự ý xây dựng các hạng mục công trình, không tiến hành xin cấp giấy phép theo quy định…
Lãnh đạo UBND TP Uông Bí chưa quan tâm sát sao tới khu vực di dân, không kịp thời cấp GCNQSDĐ cho các hộ di dân. Trong quá trình lập quy hoạch của khu kinh tế ven biển Quảng Yên và cụm công nghiệp Phương Đông, Phương Nam, UBND TP không kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh đưa khu vực di dân ra khỏi quy hoạch, dẫn đến việc không cấp được GCNQSDĐ và giấy phép xây dựng cho các hộ di dân…
Thanh tra tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trách nhiệm của những tồn tại, vi phạm trên thuộc về Thường trực UBND TP Uông Bí; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh tế; Phòng Quản lý đô thị; Đội Kiểm tra trật tự đô thị - môi trường và UBND các xã, phường: Phương Nam, Thanh Sơn, Yên Thanh, Phương Đông, Trưng Vương, Quang Trung, Thượng Yên Công và xã Điền Công trước đây.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin
Cụm công nghiệp Phương Nam có diện tích 62,65 ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh.
Trong đó, dành 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất; 23,67% diện tích dành để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh; 1,33% diện tích dành để xây dựng trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp.
Tổng vốn đầu tư Cụm công nghiệp Phương Nam hơn 545 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hơn 162 tỷ đồng. Thời gian thi công dự án một năm, thời điểm hoàn thành vào quý I/2022. Thời gian hoạt động của là 50 năm kể từ ngày thành lập.