Nhiều hộ dân tại TP Uông Bí lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ ngân hàng khi tỉnh Quảng Ninh quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp Phương Nam (TP Uông Bí). Trước đó, khu đất tại phường Phương Nam, TP Uông Bí được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản và làm mặt bằng bến bãi.
“Đem con... bỏ chợ”?
Phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều hộ dân sinh sống tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự bức xúc khi cuộc sống rơi vào cảnh bấp bênh do chủ trương chuyển đổi nghề của UBND TP Uông Bí và bị mắc nợ ngân hàng vì quy hoạch dự án cụm công nghiệp Phương Nam của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của TP Uông Bí, từ năm 2008, nhiều hộ dân tại phường Phương Nam xây dựng lò vôi, san gạt trạt xỉ để làm mặt bằng sản xuất vôi. Thực hiện Nghị quyết số 146/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, đề án chấm dứt lò vôi thủ công trên địa bàn thành phố được phê duyệt tại Quyết định 8108/QĐ-HĐND ngày 28/12/2018, các hộ dân trên địa bàn phường Phương Nam, TP Uông Bí đã nghiêm chỉnh chấp hành xóa bỏ lò vôi thủ công.
Để có công ăn việc làm và ổn định cuộc sống, các hộ dân đã được UBND TP Uông Bí định hướng và cho các hộ dân vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, hỗ trợ chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và làm mặt bằng bến bãi.
“Tin tưởng và ủng hộ chủ trương của UBND TP Uông Bí, chúng tôi đã tuân thủ đúng và kịp thời các hướng dẫn sao cho sớm được đi vào sản xuất. Để có vốn làm ăn, chúng tôi được vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội và đầu tư vào hạ tầng sản xuất. Nhưng chưa sản xuất được gì thì chính quyền thông báo thu hồi đất để phục vụ dự án cụm công nghiệp Phương Nam khiến nhà nào cũng rơi vào cảnh nợ nần”, các hộ dân bức xúc và cho biết hiện vẫn chưa thể nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng vì giá trị đền bù đất không thỏa đáng.
|
Diện tích đất xây dựng cụm công nghiệp Phương Nam khiến hàng chục hộ dân trắng tay và lâm vào cảnh nợ ngân hàng. |
Ngày 14/3/2022, trong báo cáo gửi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án cụm công nghiệp Phương Nam, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cũng thừa nhận, sau khi chấm dứt, dừng hoạt động sản xuất vôi thủ công, UBND thành phố đã có thông báo kết luận về việc đồng ý chủ trương cho các hộ dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và làm bến bãi, đồng thời cho các hộ dân vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng.
“Ngay sau khi chấm dứt sản xuất vôi, các hộ dân đã chuyển đổi nghề, vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội với số lượng lớn và đầu tư xây dựng các công trình nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, phù hợp với mục đích sử dụng đất ban đầu trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên thủ tục xin phép xây dựng chưa được hoàn thiện”, ông Phạm Tuấn Đạt trình bày và cho biết ngày 9/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập cụm công nghiệp Phương Nam. Theo đó toàn bộ diện tích khu vực trên của các hộ dân đã vào quy hoạch cụm công nghiệp Phương Nam, các hộ dân chưa kịp thu hồi vốn để trả ngân hàng nên đời sống của người dân ngày càng khó khăn.
Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí cũng cho biết, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án cụm công nghiệp Phương Nam đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các hộ dân chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản và làm bến bãi khi chấm dứt sản xuất vôi thủ công do kinh phí đầu tư lớn, nguồn vốn phụ thuộc hoàn toàn vào vay ngân hàng, các hộ lại mới đầu tư sản xuất nuôi tôm được 2 năm (từ cuối năm 2019), do đó chưa kịp thu hồi vốn. Các công trình nuôi tôm không có phép giấy dựng theo quy định, xây dựng sau thời điểm 1/7/2014 nên không được bồi thường.
Cũng theo báo cáo, trong 35 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng có 9 hộ dân (đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng cây hàng năm) liên quan đến việc chấm dứt, dừng hoạt động sản xuất vôi theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Nguy cơ người dân không được đền bù
Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết: “Các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước khi dừng sản suất vôi thủ công trước thời hạn, tự tháo dỡ ống lò để đảm bảo công tác môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đi học tập và mong muốn tái sản xuất nông nghiệp trên thửa đất hiện có của gia đình là hợp lý và có cơ sở”.
“Với hiện trạng các công trình trên đất phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản của 9 hộ dân thuộc diện GPMB dự án cụm công nghiệp Phương Nam, UBND TP Uông Bí đã kiểm đếm và xác định tổng giá trị các tài sản là 26,5 tỷ đồng”, ông Thành thông tin và cho biết UBND TP Uông Bí đã làm việc với chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Phương Nam là Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh để thực hiện việc hỗ trợ ngoài chính sách về tài sản cho các hộ dân, tuy nhiên số tiền nêu trên là rất lớn nên chủ đầu tư không bố trí được kinh phí hỗ trợ.
|
Dự án cụm công nghiệp Phương Nam vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". |
Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bị khẳng định: “Không có căn cứ để lập phương án bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho 9 hộ dân này vì “mắc” Điều 25 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 3000/2017/QĐ-UBND ngày 2/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh”.
Như vậy, 9 hộ dân chủ động xóa bỏ lò vôi chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo định hướng của UBND TP Uông Bí có nguy cơ rơi vào tình cảnh “tay trắng” và ôm một khoản nợ lớn đối với ngân hàng chính sách.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 9/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn ký Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Phương Nam, phường Phương Nam, TP Uông Bí.
Cụm công nghiệp Phương Nam có diện tích 62,65 ha.Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh.
Trong đó, dành 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất; 23,67% diện tích dành để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh; 1,33% diện tích dành để xây dựng trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp.
Tổng vốn đầu tư Cụm công nghiệp Phương Nam hơn 545 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hơn 162 tỷ đồng. Thời gian thi công dự án một năm, thời điểm hoàn thành vào quý I/2022. Thời gian hoạt động của là 50 năm kể từ ngày thành lập.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Cận cảnh những khu công nghiệp bỏ hoang nhiều năm ở phía Nam Thủ đô