Từ tiếng kêu cứu của người dân huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình về việc họ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi một bãi rác khổng lồ "treo" giữa rừng thuộc xóm Can (xã Độc Lập, TP Hoà Bình), VietNamNet đi sâu tìm hiểu, lật tìm sự thật khó tin về sự tồn tại của bãi rác nêu trên.
Bãi rác xóm Can được hình thành do TP Hoà Bình để tồn hơn 200.000 tấn rác chưa được xử lý trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021. Vì không thể xử lý số lượng rác khổng lồ nêu trên, chính quyền TP Hoà Bình tập kết rác tại nhiều vị trí trong thành phố như đường Trương Hán Siêu, Cụm công nghiệp Mông Hoá, ven cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình…
Khi áp lực rác quá tải khiến mức độ ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, ngày 30/12/2020, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản số 2331 thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh về việc “đồng ý để UBND thành phố Hoà Bình nghiên cứu, khảo sát và có phương án bố trí khu tập kết chất thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập”.
Sau văn bản trên, UBND thành phố Hoà Bình và công ty CP môi trường đô thị Hoàng Long (công ty Hoàng Long) thống nhất về việc khắc phục sự cố tồn đọng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Nghìn tấn rác đổ giữa rừng
Cuối tháng 2/2021, Công ty Hoàng Long có văn bản về việc xây dựng khu tập kết chất thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập, thành phố Hoà Bình. Hơn một tuần sau đó, UBND thành phố Hoà Bình có văn bản chấp thuận và giao nhiệm vụ công ty Hoàng Long bố trí tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập.
Sau văn bản trên của TP Hoà Bình, Công ty Hoàng Long nhanh chóng thống nhất với ông Phạm Quỳnh Lâm (60 tuổi, trú xóm Can) để sử dụng quỹ đất 50.000 m2 đất rừng.
Cuối tháng 6/2021, Công ty Hoàng Long tiếp tục có văn bản gửi tỉnh Hoà Bình về việc xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Hoà Bình. Ngay sau đó, tỉnh Hoà Bình có văn bản chấp thuận "địa điểm nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình" và gửi Sở Xây dựng tỉnh xem xét tham mưu.
Đáng chú ý, mặc dù trách nhiệm thực hiện dự án nêu trên thuộc Công ty Hoàng Long, tuy nhiên đơn vị này trên thực tế chưa thực hiện triển khai các thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong giai đoạn này, UBND thành phố Hoà Bình ra văn bản 2225 ngày 30/6/2021 về việc vận chuyển rác thải các địa điểm tập kết về vị trí tập kết tạm thời và giao cho công ty Hoàng Long thực hiện vận chuyển toàn bộ lượng rác sinh hoạt tại 4 địa điểm khác nhau về xóm Can.
Văn bản 2225 của thành phố Hoà Bình yêu cầu công ty Hoàng Long phải huy động máy móc để vận chuyển trong thời gian một tháng, quá trình vận chuyển yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc nghiệm thu thanh toán thực hiện theo quy định của hội đồng nghiệm thu dịch vụ công ích đô thị thành phố.
Tuy nhiên, sau hơn nhiều ngày ồ ạt đổ hơn 6.000 tấn rác vào đỉnh đồi thuộc xóm Can, công ty Hoàng Long chưa tiến hành làm các phương án tập kết, xử lý chất thải để trình lên cơ quan có thẩm quyền và khu vực tập kết chưa được quy hoạch.
Ngoài ra, theo tài liệu VietNamNet có được, trên thực tế công ty Hoàng Long chưa tiến hành thực hiện các thủ tục hồ sơ liên quan đến xin giấy phép hoạt động, phương án tập kết, phương án bảo vệ môi trường và các thủ tục liên quan đến việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại xóm Can.
Loạt chỉ số vượt ngưỡng hàng trăm lần
Với cách tập kết rác ồ ạt, không theo quy trình và bất chấp các quy định của pháp luật, bãi rác tại xóm Can sau một thời gian ngắn hoạt động đã gây ra “ô nhiễm môi trường”.
Cụ thể, theo tài liệu, ngày 19/7/2021 (gần 20 ngày sau khi chính thức đổ rác), Công an huyện Lương Sơn có báo cáo về “hiện tượng cá chết đồng loạt do ô nhiễm nguồn nước mặt suối Noi tại xóm Chanh, xã Cao Sơn”.
Một đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hoà Bình) và đại diện Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hoà Bình và các đơn vị địa phương có liên quan thực hiện lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm các mẫu nước thu được tại 8 vị trí khác nhau tại khu vực bãi rác xóm Can cho thấy có hàng loạt chỉ số vượt ngưỡng an toàn hàng trăm lần.
Điển hình có thể kể đến mẫu nước rỉ thu tại bãi rác xóm Can cho thấy thông số pH ngoài ngưỡng quy chuẩn; thông số TSS vượt 11 lần; thông số COD vượt gần 350 lần; thông số BOD5(20oC) vượt gần 500 lần; thông số Fe vượt 39,4 lần; Coliform vượt 4,6 lần; E.coli vượt 180 lần quy chuẩn quốc gia.
Mẫu nước thu được tại dòng chảy suối Noi, cách vị trí bãi rác khoảng 200m (kí hiệu NS2) cũng cho kết quả thông số pH vượt ngưỡng; COD và BOD5(20oC) lần lượt vượt 108 và 96 lần; Fe vượt gần 7 lần; Coliform vượt 1,5 lần.
Đáng chú ý, mẫu nước thu tại mặt ao một nhà dân tại xóm Chanh (xã Cao Sơn) có nhiều chỉ số vượt ngoài quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, thông số TSS vượt 1,5 lần; Coliform vượt 1,5 lần; E.coli vượt 46 lần quy chuẩn.
Với kết quả xét nghiệm cho thấy môi trường tại xóm Can bị uy hiếp nghiêm trọng, theo tài liệu VietNamNet thu thập được, cuối tháng 9/2021, Công an tỉnh Hoà Bình có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình giao UBND thành phố tạm dừng vận chuyển rác tập kết tại xóm Can cho đến khi đảm bảo các yêu cầu về pháp luật trong hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Công an tỉnh, Chủ tịch UBND xã Độc Lập Nguyễn Ngọc Qế ngày 14/10 khẳng định với VietNamNet, hiện nay rác vẫn đổ về xóm Can với tần suất "mỗi ngày có 1-2 chuyến".
Về vị trí tập kết bãi rác, ông Quế khẳng định đây là đất thuộc sở hữu của hộ ông Phạm Quỳnh Lâm và “chưa có hoạt động mua bán hay chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, trong kiến nghị gửi UBND tỉnh, Công an tỉnh Hoà Bình cho rằng “việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng giữa Công ty Hoàng Long và hộ ông Phạm Quỳnh Lâm để thi công bãi rác tạm thời khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.