Nghi vấn dùng thép sai yêu cầu kỹ thuật, Cty Phúc Nhựt lên tiếng

Google News

Theo phản ánh, công trình xây dựng cống Ia Pết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai, nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng Phúc Nhựt sử dụng thép sai với yêu cầu kỹ thuật.

Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được phản ánh từ người dân liên quan đến Dự án xây dựng cống Ia Pết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có nhiều dấu hiệu sai phạm. Cụ thể là sử dụng vật liệu thi công không đúng với yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ được thẩm định, phê duyệt.
Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng cống Ia Pết là công trình kết nối giao thông, được khởi công xây dựng nhằm thay thế cống Ia Pết cũ kỹ có tuổi đời gần 50 năm. Chủ đầu tư là UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Công trình có tổng mức đầu tư là 6 tỷ đồng. Tư vấn giám sát là công ty CP tư vấn xây dựng giao thông An Bình. Nhà thầu thi công là công ty TNHH xây dựng Phúc Nhựt. Thời hạn thực hiện dự án là 160 ngày, bắt đầu từ 03/4 và hoàn thành vào 10/9/2023.
Nghi van dung thep sai yeu cau ky thuat, Cty Phuc Nhut len tieng
Ông Cường- người chịu trách nhiệm thi công phần thép và bê tông chỉ cho PV cách phân biệt CB4 và CB3.  
Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Trọng T., nguyên chỉ huy trưởng công trình cho biết: "Tôi được đề bạt làm chỉ huy trưởng, nhưng đã nghỉ việc hơn tuần nay. Lý do nghỉ là vì tiền nong, công cán nhà thầu làm không rõ ràng. Rồi vật tư, vật liệu xây dựng nhập về không trung thực. Tiêu chuẩn bản vẽ cho thép CB4, nhưng nhà thầu nhập về CB3 thì tôi không dám làm. Phải thi công đúng với chủng loại theo thiết kế, nếu sai, cảnh sát kinh tế vào xích tay ngay”.
Nghi van dung thep sai yeu cau ky thuat, Cty Phuc Nhut len tieng-Hinh-2
Thép CB3( cong) để lẫn với CB4 
Ghi nhận tại hiện trường, một khối lượng lớn thép các loại được tập kết, bao gồm cả CB3 và CB4 nằm lẫn lộn. Tại công trường, một nhóm thợ đang gia công thép. Dưới cống, máy đào đang múc dọn dẹp mặt bằng. Tuy nhiên, không có mặt giám sát của chủ đầu tư cũng như chỉ huy trưởng công trình. 
Giải thích với PV báo Tri thức và Cuộc sống về lý do để các loại thép lẫn lộn,  ông Cường- người tự xưng là làm công nhân, cho biết: “Nhà thầu cho nhập về loại mác thép CB3 trong khi theo hồ sơ thiết kế phải là thép CB4. Tôi đã yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải có biên bản thay đổi mác thép từ CB4 sang CB3 thì chúng tôi mới chấp nhận thi công. Bởi nếu thi công, giám sát không nghiệm thu ai trả tiền công cho chúng tôi. Tuy nhiên, không ai chịu ký lập biên bản thay đổi nên chúng tôi yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thép đúng theo thiết kế”.
Nghi van dung thep sai yeu cau ky thuat, Cty Phuc Nhut len tieng-Hinh-3
Dự án xây dựng cống Ia Pết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhựt- Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phúc Nhựt cho biết: "Việc nhập thép CB3 là do đơn vị cung ứng nhầm, chúng tôi đã báo tư vấn giám sát để trả lại cho đại lý. Còn trường hợp ông T.- chỉ huy trưởng nghỉ việc không phải là bất đồng chuyện tiền nong hay vì mác thép CB4 chuyển sang CB3. Lý do nghỉ việc, thứ nhất là do ông T. lớn tuổi, năng lực kém, điều hành công việc không chạy. Thứ 2 ông T. đòi mức lương quá cao. Tôi có lưu tin nhắn ông ấy xin làm lại nhưng tôi không đồng ý.
Còn chuyện anh Cường yêu cầu phải có biên bản thay đổi mác thép từ CB4 sang CB3 thì mới đồng ý thi công, cái này thì tôi chưa nghe nói". 
Ký hiệu CB để thể hiện lên mức độ bền của thép. Con số 300 thường được gọi là giới hạn của thép hay cũng có nghĩa là cường độ của thép.
Cụ thể CB300 chính là biểu thị cho thép có cường độ 300 N/mm2, điều đó đồng nghĩa với việc một cây sắt sở hữu mặt cắt ngang 1 mm2 thì sẽ chịu được một lực kéo hoặc lực nén khoảng 300N (tương đương với 30kg).
Tương tự, thép CB400 có cường độ 400 N/mm2 tương ứng với việc một cây sắt CB400 có mặt cắt ngang là 1 mm2 sẽ chịu được áp lực từ lực kéo hoặc nén khoảng 400N (tương đương với 40kg)
( Nguồn: Thép Hòa Phát)
>>> Mời bạn đọc xem Video: Công trình cống Ia Pết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang thi công:

 

Hà Ngọc Chính

>> xem thêm

Bình luận(0)