Nghi vấn bắt cóc, sát hại bé 20 ngày tuổi: Các đối tượng bị xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp CQĐT xác định được các đối tượng bắt cóc và có hành vi sát hại cháu bé mới 20 ngày tuổi sẽ bị xử lý thế nào?

Vụ việc hai đối tượng lạ mặt ngang nhiên vào nhà anh Lê Hữu Thuận (SN 1980, ở khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) khống chế bà Phạm Thị Xuân (SN 1952 - mẹ đẻ anh Thuận) bắt cóc con gái anh Thuận mới có 20 ngày tuổi xảy ra vào tối 25/11 đang khiến dư luận bức xúc. Nhất là mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vào khoảng 9h30 sáng ngày 27/11, lực lượng công an phát hiện thi thể một bé gái bãi rác phường Đông Sơn, xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa nghi là cháu bé bị bắt cóc trước đó khiến dư luận càng phẫn nộ.
Dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định được hai đối tượng bắt cóc và có hành vi sát hại cháu bé mới 20 ngày tuổi thì các đối tượng sẽ phạm tội gì và bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Nghi van bat coc, sat hai be 20 ngay tuoi: Cac doi tuong bi xu ly the nao?
 Nơi xảy ra vụ việc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho rằng, trong trường hợp cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng như bắt cóc trẻ em thì các đối tượng trên sẽ có dấu hiệu phạm tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Nếu các đối tượng có hành vi bắt cóc trẻ em, dùng đứa trẻ làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Trong trường hợp các đối tượng bắt cóc rồi sát hại cháu bé sẽ có dấu hiệu phạm tội “Giết người” theo điều Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
“ Như vậy, ban đầu để xác định rõ tội danh cần xem xét đối tượng bắt cóc trẻ em với mục đích gì”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, để bảo vệ trẻ em (theo Luật trẻ em thì “Trẻ em” là người dưới 16 tuổi), răn đe đối với loại tội phạm liên quan đến bắt cóc trẻ em, ngay từ Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 (BLHS 1999), Nhà nước ta đã quy định những tội phạm với những mức hình phạt rất nghiêm khắc. Điều quan trọng nhất phải xác định hành vi của kẻ bắt cóc, ban đầu các đối tượng có ý định bắt cóc nhằm mục đích gì để đưa ra điều khoản cụ thể đối với hành vi này.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em:
Căn cứ Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định người có hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Nếu phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 120 BLHS 1999 thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Các tình tiết định khung hình phạt tại khoản này được hướng dẫn tại Điều 5, Chương 2 Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng phân tích về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản:
Căn cứ Điều 134 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
Người có hành vi bắt cóc trẻ em, dùng đứa trẻ làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 134 BLHS 1999 với khung hình phạt thấp nhất là 05 năm, cao nhất có thể lên tới mức án chung thân.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm. Một số yếu tố định khung hình phạt của tội phạm này (như: gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…) được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của BLHS 1999.
Trong trường hợp, các đối tượng sát hại bé thì Căn cứ Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội giết người với tình tiết tăng nặng: “Giết trẻ em” theo khoản c điều 93.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a)  Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng  hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g)  Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h)  Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i)  Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k)  Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết  người thuê;
n)  Có tính chất côn đồ;
o)  Có tổ chức;
p)  Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến 5 năm”.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)