Hiện nay, tình hình mưa lũ tại khu vực Bắc Trung Bộ đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến nhiều nơi ở địa phương này ngập sâu. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa vẫn xả lũ.
Nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi, nếu không xả lũ, thảm họa sẽ như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) khẳng đinh rằng, nếu không xả lũ, tình hình sẽ cực kỳ nguy hiểm chứ không chỉ nguy hiểm.
“Nguyên tắc hồ chứa chỉ chứa được một mức lũ, một lượng nước nhất định thôi. Như hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh là một hồ đập đất, nếu không xả lũ mà để lũ tràn qua thì toàn bộ đập đó sẽ vỡ, thảm họa không ai lường hết được. Câu chuyện xả lũ tại các hồ chứa là một điều kiện bắt buộc” – Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết.
|
Hồ Kẻ Gỗ hiện đang xả với lưu lượng 940m3/s. |
Theo chuyên gia cấp cao về mạng lưới sông ngòi Việt Nam, để giảm lũ cho hạ lưu, các hồ chứa còn có nhiệm vụ nữa là điều hòa, bảo đảm an toàn cho các đập, đồng thời những hồ lớn lại có khả năng cắt lũ.
“Khi có câu chuyện dự báo chính xác thì các hồ này sẽ làm giảm lũ cho hạ lưu. Ví dụ lượng nước đến trong hồ là 1000m3/s. Khi được biết trước như vậy, hồ sẽ phải xả một lượng nước nhất định. Tức là phải giảm bớt lượng nước trước đi, sau đó chứa vào. Do đó khi lũ đến, hồ sẽ chứa và giảm được lượng nước xuống hạ lưu. Ví dụ như còn xả được 800m3/s hoặc 600m3/s” – Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho rằng, một nguyên tắc rất căn bản của công tác phòng chống lũ là trước khi xả lũ phải được thông báo một cách rất kịp thời, cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ lưu, những vùng ảnh hưởng.
“Trong các quy trình phòng lũ của các hồ chứa, hồ chứa đều có khu vực gọi là bản đồ ngập lụt hạ lưu. Nghĩa là lưu lượng nào thì vùng nào sẽ ngập.Khi xả lũ ở mức độ nhất định sẽ biết rằng trong bản đồ với lưu lượng đó vùng nào sẽ ngập lụt để thông báo trước cho người dân để phòng tránh” – ông Tứ nói.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nói thêm, không thể nào không xả lũ và đây là vấn đề rất căng thẳng.
“Hiện nay người ta cũng nói rất nhiều về chuyện này. Những thủy điện nhỏ, hồ chứa có dung tích nhỏ thì không có khả năng điều tiết lũ. Nước lũ đến bao nhiêu sẽ xả bấy nhiêu thôi. Đây là vấn đề hiện nay cũng đang làm đau đầu và rất nhiều những câu chuyện mà người ta nói rằng thủy điện nhỏ đang là một vấn đề” – Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nêu ý kiến.
Chiều ngày 19/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10/2020 với lưu lượng 30-50m3/s, đến 20h ngày 18/10 tăng lên 250m3/s, đến 22h từ 400m3/s; 7h ngày 19/10 xã 750 - 850m3/s và đến 9h ngày 19/10 tăng lên 1.050m3/s; hiện nay đang xả 940m3/s.
Các hồ thủy lợi khác như Khe Xai xả với lưu lượng 55 m3/s; Hồ Bộc Nguyên xả với lưu lượng 80 m3/s; hồ Kim Sơn xả với lưu lượng 30 m3/s; Hồ Sông Rác xả với lưu lượng 350m3/s. Hồ Thượng Sông Trí xã tràn với lưu lượng 150m3/s, hồ Tàu Voi xả với lưu lượng 10m3/s.
Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn từ 9h ngày 16/10/2020 với lưu lượng 161 m3/s; thời điểm xả lớn nhất lúc 19h ngày 16/10/2020 xã với lưu lượng 911m3/s, hiện đang xả tràn với lưu lượng 85 m3/s. Thủy điện Hương Sơn bắt đầu xả tràn từ 13h ngày 18/10/2020 với lưu lượng 15 m3/s.
Trước đó, sáng ngày 19/10, ông Trần Tiến Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Lệnh Sơ tán dân khẩn cấp một số địa phương trong tỉnh do nước tại hồ Kẻ Gỗ dâng cao ở mức báo động.
Theo đó, huyện Cẩm Xuyên sơ tán hơn 13.000 hộ với 43.000 người; huyện Thạch Hà có hơn 1.400 hộ với hơn 2.600 người; riêng TP Hà Tĩnh có 263 hộ với 700 người. Công điện nêu rõ các địa phương, đơn vị chủ động tính toán, sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân với kịch bản phải phá tràn sự cố hồ chứa nước Kẻ Gỗ trong 24 giờ tới.
Báo cáo của các địa phương cho biết, đến 15h ngày 19/10/2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức sơ tán 9.585 hộ với 25.548 người.
Ngày 19/10, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, ký văn bản gửi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT xin ý kiến về việc ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Nội dung văn bản cho biết mực nước hồ Kẻ Gỗ thời điểm 8h cùng ngày ở cao trình +33,6 m, cao hơn mực nước dâng bình thường 1 m. Hồ đang xả tràn với lưu lượng 950 m3/giây và tiếp tục xả tối đa với lưu lượng 1.100 m3/giây.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa trong thời gian tới dự kiến khoảng 350 đến 400 mm, nếu mưa vẫn còn tiếp diễn thì khoảng 8 giờ nữa mực nước trong hồ sẽ vượt cao trình +35 m bằng cao trình đỉnh tràn sự cố, nguy cơ mất an toàn hồ rất lớn.
Từ đó, tỉnh Hà Tĩnh đang có phương án phá tràn sự cố để xả lũ với lưu lượng qua tràn cầu chì và qua tràn Dốc Miếu khoảng 4.100 m3/giây. “Đây là tình huống khẩn cấp cần phải tính đến”, - văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày, ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khẳng định, có nhiều phương án được đưa ra, song, việc tính chuyện phá tràn sự cố Kẻ Gỗ thì khó có thể xảy ra bởi từ đầu giờ chiều nay, lượng mưa khu vực lòng hồ đã giảm.
Không để xảy ra vỡ hồ chứa, bảo đảm an toàn tuyệt đối vùng hạ du
Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 28/CĐ-TW nêu rõ: Hiện nay, tình hình mưa lũ tại khu vực Bắc Trung Bộ đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 15/10 đến 4h ngày 19/10 tại một số trạm như hồ Kẻ Gỗ là 1.081mm, thành phố Hà Tĩnh là 1.069mm, theo dự báo trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục mưa lớn với tổng lượng 300-400mm.
Do ảnh hưởng của mưa lớn nên lũ về các tuyến sông và các hồ chứa gia tăng nhanh, từ 10h ngày 18/10 đến 8h ngày 19/10, mực nước thượng lưu hồ Kẻ Gỗ đã dâng từ 29,0m lên 33,6m (trên mực nước dâng bình thường 1,1m), lưu lượng về hồ trên 1.500m3/s, từ 9 giờ ngày 19/10, hồ đã phải xả lũ ở mức tối đa (khoảng 1.000m3/s).
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như các công trình ở khu vực hạ du, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, rà soát các phương án, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp đảm an toàn cho công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn.
Phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu khi có tình huống đặc biệt, sẵn sàng phương án xả tràn hồ Kẻ Gỗ và triển khai cấp bách đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức sơ tán dân tại các khu vực bị ngập lụt do mưa lũ và ảnh hưởng của xả lũ hồ Kẻ Gỗ; tổ chức lực lượng cảnh báo, canh gác hướng dẫn tại các ngầm tràn, các khu vực bị ngập sâu, chia cắt cô lập, đảm bảo an toàn giao thông.
Tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở triển khai việc rà soát các khu vực có nguy cơ có xảy ra ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; thông báo kịp thời các sự cố, các dấu hiệu bất thường gây nguy cơ sạt lở cho chính quyền và người dân để kịp thời ứng phó giảm thiểu thiệt hại; xem xét quyết định cho học sinh tại các khu vực chịu ảnh của mưa lũ, ngập lụt nghỉ học; tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa, đặc biệt là khu vực hạ du các hồ chứa, các khu vực thấp trũng, để chủ động các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại.
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm hỗ trợ địa phương triển khai lực lượng, trang thiết bị, cơ động đến các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khi có tình huống.
Tổng cục Thủy Lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần hỗ trợ phương án tính toán hồ theo đề nghị của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Các đơn vị nêu trên cần tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Áp thấp nhiệt đới mới, diễn biến mưa lũ Miền Trung