Những vụ bạo hành kinh hoàng
Vụ việc chồng bạo hành, đánh đập vợ dã man, ép quan hệ tình dục ở xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên được cho là người chồng cuồng ghen khi phát hiện vợ có nhắn tin điện thoại với người khác.
Tối ngày 8/2, chị La Thị Sang (27 tuổi) – nạn nhân của vụ chồng bạo hành đã gọi điện cầu cứu và gửi kèm hình ảnh vết thương trên lưng và mông đến Đội Cứu nạn Giao thông Tây Ninh. Khi đơn vị cứu hộ đến giải cứu nạn nhân, trên người nạn nhân đầy thương tích và qua lời kể, nạn nhân vừa trải qua thời điểm kinh khủng nhất trong cuộc đời khi bị chồng liên tiếp bạo hành đánh đập.
Theo lời kể của chị Sang, sự việc xảy ra từ tối ngày 5/2, chồng chị là Bùi Trung Tín (39 tuổi) khi đó tra hỏi những sự việc không đâu, sau đó dùng dây thắt lưng quất liên tiếp lên lưng, đùi, mông và chân từ đêm cho đến tận 4h sáng ngày 6/2.
Chưa dừng lại ở đó, sáng hôm sau, khi chị Sang đang ngủ, người chồng tiếp tục hành hung, tát vào mặt, đánh vào đầu. Thậm chí, ép buộc vợ phải quan hệ tình dục trong đau đớn với nhiều vết thương trên cơ thể để hắn quay lại bằng điện thoại. Khi chị Sang cầu cứu cha mẹ đẻ từ An Giang lên thăm nhưng người chồng tiếp tục có thái độ và hành động sỉ vả thậm tệ với cha mẹ chị. Thời điểm cha mẹ đẻ chị Sang có mặt tại nhà, Tín vẫn tiếp tục hành hung vợ.
|
Hình ảnh chị Sang bị chồng bạo hành đánh đập. |
Nguyên nhân dẫn đến hành vi Tín bạo hành vợ xuất phát do ghen tuông sau khi kiểm tra trong điện thoại của vợ và tra hỏi về các mối quan hệ của vợ với bên ngoài. “Trả lời cũng bị tát mà không trả lời cũng bị tát” là câu nói đầy đau đớn khi thuật lại câu chuyện của nạn nhân La Thị Sang.
Vụ việc chồng bạo hành, đánh đập vợ dã man, ép quan hệ tình dục trên không phải là vụ việc lần đầu xảy ra do ghen tuông. Thời gian qua, đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc bạo hành gia đình, thậm chí dẫn đến án mạng do ghen tuông.
Trước đó, vào tháng 11/2019, Tòa án nhân dân huyện Tân Châu đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Chí Linh (33 tuổi, ngụ ấp 7, xã Suối Dây, Huyện Tân Châu, Tây Ninh) 3 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Linh chính là đối tượng đã đánh vợ là Trần Thị Tuyết Mai và nhấn đầu vợ xuống nước nhiều lần gây bức xúc dư luận vào tháng 9/2019. Đội Cứu nạn Giao thông Tây Ninh cũng chính là đơn vị hỗ trợ đưa chị Mai đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Nguyên nhân dẫn đến hành vi trên cũng là do Linh quá ghen tuông.
Mới đây, ngày 10/2, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạm giữ Nguyễn Đại Chung (30 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế) để điều tra về hành vi Giết người. Nạn nhân là chị Lê Thị T. (30 tuổi, cùng quê) – người chuẩn bị kết hôn với Chung và hiện sống với nhau như vợ chồng ở phòng trọ tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đáng chú ý, làm việc với cơ quan công an, Chung khai nhận do ghen tuông khi phát hiện chị T nhắn tin, nói chuyện qua điện thoại với người đàn ông khác nên đã dùng tay sát hại chị T.
Sau nhiều vụ việc điển hình do ghen tuông, nhiều chuyên gia đã vào cuộc giải mã tâm lý, hành vi của các đối tượng và đưa ra những giải pháp. Tuy nhiên những vụ việc bạo hành, thậm chí gây án mạng do ghen tuông vẫn vô cùng nhức nhối.
Giống như diễn biến tâm lý đến hành vi của các đối tượng khác trong các vụ ghen tuông, vụ việc chồng bạo hành, đánh đập vợ dã man, ép quan hệ tình dục ở Tây Ninh cho thấy, người chồng này cũng đã trải qua quá trình diễn biến tâm lý khi nghi ngờ vợ mình có quan hệ với người khác trong thời gian dài, nhất là khi vợ đi xuất khẩu lao động bên Singapore và mới về quê ăn tết.
Tuy nhiên, việc chỉ vì nghi ngờ, ghen tuông vô cớ, người chồng đã bạo hành, đánh đập vợ thậm tệ là minh chứng không chỉ do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, mù quáng trong lối sống, sự ích kỷ, hẹp hòi của cá nhân mà đó là sự tha hóa đạo đức nên khi chỉ cần một nguyên nhân không đâu cũng tìm cách xử lý bạo lực dẫn đến hành vi không chỉ lệch chuẩn mà còn vi phạm pháp luật.
Người chồng sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ bạo hành tàn nhẫn, đáng lên án và người chồng đáng bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
“Như các cụ đã nói "Bát đũa còn có lúc xô, vợ chồng cũng khó tránh khỏi đôi lần cãi vã...", theo đó "vợ chồng đóng cửa bảo nhau". Tuy nhiên, trong vụ việc này, hành vi của người chồng đã đi quá giới hạn. Ngoài việc khó tránh việc đổ vỡ hôn nhân, người chồng còn phải đối mặt với những chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Bởi vậy, việc chị Sang đến Công an xã An Tịnh trình bày và nộp đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Bùi Trung Tín và đề nghị được giám định thương tật vết thương do bị đánh là có thể hiểu được”, Luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem video lời kể người vợ bị chồng bạo hành dã man ở Tây Ninh:
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật Việt Nam luôn xác định gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng và thực hiện pháp luật là hướng đến thực hiện các chức năng của nó, trong đó có chức năng bảo vệ. Hệ thống các quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam luôn hướng tới mục đích tốt đẹp là tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền tự do bình đẳng của mỗi cá nhân, theo đó pháp luật quy định hôn nhân là bình đẳng, tiến bộ...
Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, yêu thương, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, nghiêm cấm việc bạo hành, bạo lực trong gia đình. Bởi vậy, ngoài các quy định mang tính chất tư tưởng, định hướng như các quy định trong Hiến pháp về chế độ hôn nhân và gia đình thì các văn bản pháp luật như Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật hòa giải cơ sở, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự... và các văn bản hướng dẫn thi hành có rất nhiều các quy phạm để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, theo đó có quan hệ vợ chồng.
Pháp luật không chỉ quy định việc kết hôn là bình đẳng, tự nguyện mà còn quy định quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng của vợ, của chồng và các thành viên trong gia đình trong thời kỳ hôn nhân. Những mâu thuẫn vợ chồng sẽ được giải quyết theo các bước: "Đóng cửa bảo nhau"; nếu vợ chồng không thể hòa giải, thỏa thuận được với nhau để giải quyết mâu thuẫn thì có thể nhờ bạn bè, gia đình, người thân, cơ quan đoàn thể hòa giải để giải quyết mâu thuẫn.
Nếu việc hòa giải mâu thuẫn vợ chồng vẫn không có kết quả, hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì pháp luật mới cho phép một trong hai bên được ly hôn. Những quy định về quyền, nghĩa vụ, về thẩm quyền hòa giải, giải quyết tranh chấp, những quy định về căn cứ cho ly hôn là những quy phạm pháp luật chặt chẽ, đồng bộ để bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật này sẽ bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình một cách tốt đẹp, tiến bộ.
|
Vết bầm tím trên chân chị Sang. |
Trong vụ việc này, hành vi của người chồng là bạo lực gia đình, hành vi đánh đập, hành hạ người vợ hết sức nghiêm trọng, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người vợ. Bởi vậy, không chỉ có sự vào cuộc, can thiệp của người thân trong gia đình mà chính quyền địa phương và các đoàn thể như tổ dân phố, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc... cần khẩn trương vào cuộc hòa giải, làm rõ nguyên nhân, hành vi, hậu quả và tình cảm của các bên. Trường hợp, không giải quyết được mâu thuẫn hoặc người vợ không còn cảm thấy an toàn khi chung sống với người đàn ông này thì ly hôn cũng là một giải pháp an toàn.
Theo thông tin chị Sang phản ánh với báo chí, chị bị chồng mình đánh đập tàn nhẫn suốt đêm và ép quan hệ tình dục trái ý muốn, thông tin này được công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận phẫn nộ về hành vi bạo hành, bạo lực tình dục. Bởi vậy, với thông tin như vậy chỉ cơ quan chức năng và cơ quan điều tra có thể vào cuộc, xác minh làm rõ và có biện pháp can thiệp kịp thời, và xử lý người đàn ông này theo quy định pháp luật. Bản thân chị Sang và gia đình cũng có quyền làm đơn trình báo sự việc với các cơ quan chức năng, cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Khi nhận được đơn trình báo, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ sự việc, làm rõ hành vi của chồng chị Sang và những hậu quả về sức khỏe, về tâm lý mà người chồng đã gây ra cho nạn nhân.
Trong trường hợp xử lý về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự thì cơ quan điều tra chỉ khởi tố khi chị Sang có đơn yêu cầu và sẽ đình chỉ giải quyết khi chị này rút đơn. Trong quá trình giải quyết vụ việc nếu vợ chồng hòa thuận lại với nhau, vì con cái và hạnh tương lai hạnh phúc thì chị Sang có thể rút đơn để tạo cơ hội cho chồng sửa sai. Còn trường hợp người chồng cuồng ghen không nhận ra sai lầm, hôn nhân trở nên trầm trọng, chị Sang nên dứt khoát và để pháp luật xử lý để phải sống chung với một ông chồng vũ phu, ghen tuông mù quáng.
Trường hợp thương tích của nạn nhân không đáng kể, không đủ căn cứ để xử lý hình sự với hành vi cố ý gây thương tích, hành vi này vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác hoặc bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi bạo lực gia đình.
Nếu Bùi Trung Tín thường xuyên đối xử tàn nhẫn với vợ, hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của người vợ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, tội danh và hình phạt được quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với hành vi giao cấu trái ý muốn: Đây là hành vi vi phạm pháp luật hành vi này có dấu hiệu của tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015. Chủ thể của tội hiếp dâm theo điều 141 BLHS là "bất kỳ ai" nếu đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự. Pháp luật Việt Nam không quy định chồng có quyền quan hệ tình dục với vợ bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào, không cần có sự đồng ý của vợ... Không loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp chồng hiếp dâm vợ và ngược lại. Bởi vậy, dưới góc độ pháp lý thì hành vi giao cấu trái ý muốn do bị cưỡng bức, bạo lực giữa chồng với vợ hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141. Tuy nhiên, theo phong tục, truyền thống văn hóa của người châu Á nên chuyện chồng bị vợ tố cáo hiếp dâm trên thực tế rất hiếm gặp và ít khi bị xử lý.
Bởi vậy, trong vụ việc này nếu "cơm không lành, canh không ngọt" không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa, hành vi của người chồng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của chị Sang thì chị này có quyền tố cáo, yêu cầu cơ quan điều tra xử lý anh này với nhiều tội danh như: Cố ý gây thương tích, hành hạ người khác và tội hiếp dâm. Trong quá trình điều tra, xác minh, khi có đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi bạo hành và cưỡng bức quan hệ tình dục như trên thì có thể xử lý hình sự với người đàn ông này.
Vụ việc này sẽ là bài học đắt giá cho những gã đàn ông coi thường phẩm giá của phụ nữ, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của chính người vợ vẫn thường xuyên đầu ấp, tay gối với mình. Với những hành vi bạo dâm, bạo lực trong quan hệ tình dục, ép buộc quan hệ tình dục của những gã đàn ông vũ phu thì cơ quan chức năng cũng cần áp dụng xử lý một vài vụ hình sự để răn đe, phòng ngừa chung, bảo vệ phụ nữ theo các quy định của pháp luật hiện hành.