Mờ mắt vì “bẫy tình” trên “phây“

Google News

Từ 2015, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều chị em phụ nữ tại Việt Nam thông qua hình thức kết bạn trên mạng xã hội Facebook đang gia tăng.

Người nước ngoài quá thạo tiếng Việt
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an, từ năm 2015 đến nay, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều chị em phụ nữ tại Việt Nam thông qua hình thức kết bạn trên mạng xã hội Facebook, vờ tán tỉnh yêu đương đang có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới ngày càng tinh vi.
Điển hình như tháng 12-2016, chị Phạm Thị Phương Mai, trú tại quận Bắc Từ Liêm bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ tên Hương, trước là bạn học ở Nga của chị Mai. Hương nhờ chị Mai nhận giúp hàng gửi về Việt Nam cho một người tên Matt Hillary. Để thuận lợi cho việc nhận hàng, chị Mai đã kết bạn qua mạng xã hội với người tên Matt Hillary, song anh này lại nói mình là sỹ quan trong quân đội Mỹ, hiện đang công tác tại Baghdad, Iraq chứ không phải ở Việt Nam.
Mo mat vi “bay tinh” tren “phay“
Ảnh minh họa. 
Nội dung nhắn tin qua lại giữa chị và anh chàng Matt đều bằng tiếng Việt, vậy mà chị Mai không hề nghi ngờ sao một sỹ quân quân đội Mỹ chưa từng đến Việt Nam lại thạo tiếng Việt như thế(!). Sau một khoảng thời gian nói chuyện, Matt bảo muốn chuyển quà cho chị Mai và được chị Mai đồng ý.
Khoảng 10h30 sáng 21-12-2016, chị Mai nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là người của Công ty Rummy Cole, thông báo có bưu kiện gửi về và yêu cầu chị Mai đến nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất. Người này gợi ý sẽ gửi hàng ra Hà Nội nếu chị Mai đóng phí 17 triệu đồng gửi vào tài khoản mang tên Thạch Thị Trang, số tài khoản: 050054472037. Lúc 11h30 cùng ngày, chị Mai đã nộp khoản tiền 17 triệu đồng vào tài khoản nêu trên tại chi nhánh ngân hàng Sacombank, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lấy lý do kiện hàng bị giữ do có số tiền lớn gửi về tài khoản (2,5 triệu USD), đối tượng tiếp tục yêu cầu chị Mai chuyển thêm tiền để giải quyết với hải quan... Mờ mắt vì nghĩ rằng món quà tặng quá lớn, chị Mai đã chuyển thêm 3 lần tiền nữa vào tài khoản của Thạch Thị Trang với tổng số tiền 520 triệu đồng.
Tiền chuyển đi rồi, chị Mai mới bừng tỉnh vì không biết cách nào liên hệ với chủ nhân món quà hay người của Công ty Rummy Cole vì tất cả giao dịch đều liên hệ qua mạng xã hội hay điện thoại di động.
Cũng đồng cảnh ngộ với chị Phạm Thị Phương Mai, chị Bùi Thị Phức, trú tại Yên Thủy, Hòa Bình sử dụng nick Facebook “Phuc Bui” và được một nick lạ tên “Mark Jonhson” chủ động gửi lời mời yêu cầu kết bạn. Sau đó Mark Jonhson thường xuyên nhắn tin qua lại thăm hỏi về cuộc sống, công việc của chị Phức hoàn toàn bằng... tiếng Việt.
Ngày 2-12-2016, người tên Mark Jonhson thông báo đã gửi về Việt Nam hỗ trợ chị Phức số tiền 20 triệu USD và một số phần quà có giá trị khác, đồng thời yêu cầu chị Phức làm theo hướng dẫn của nhân viên giao dịch mới nhận được tiền và quà tặng đã gửi. Theo thông tin chị Phức trình báo tại cơ quan công an thì có 2 đầu số điện thoại di động tại Việt Nam thường xuyên gọi và nhắn tin yêu cầu chị Phức chuyển tiền theo hướng dẫn của họ, với lý do để làm phí chống rửa tiền, vận chuyển, thông quan…
Chị Phức như bị mê hoặc và đã đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Thủy gửi 6 lần tiền vào các tài khoản khác nhau thuộc ngân hàng Agribank, Sacombank, BIDV, Vietcombank do đối tượng cung cấp với tổng số tiền 348.325.000 đồng. Tháng 12-2016 và đầu tháng 1-2017 đối tượng tiếp tục yêu cầu chị Phức chuyển thêm 2 lần với số tiền 14 triệu đồng nhưng chị Phức chưa chuyển và thấy mình rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo. Qua công tác điều tra xác minh, cơ quan công an nhận thấy đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook với hình thức “bẫy tình”.
Tỉnh táo trước những món quà tặng “khủng”
Qua quá trình xác minh thông tin của các bị hại, lực lượng công an xác định nguyên nhân khiến những người phụ nữ dễ rơi vào “bẫy tình” là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nắm bắt thông tin không đầy đủ. Đa số các nạn nhân là phụ nữ đơn thân, nhẹ dạ cả tin nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước những hứa hẹn về món tiền, hàng quá lớn, họ dễ bị siêu lòng và tin ngay vào những lời có cánh trên mạng xã hội.
Thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, đa số đối tượng phạm tội là người gốc Phi (chủ yếu tập trung tại TP. HCM) câu kết với một số đối tượng người Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo.
Họ thường nhập cảnh vào Việt Nam, lưu trú tại TP.HCM rồi cặp bồ, sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam. Cũng có một số ít đối tượng người Việt Nam giả danh người nước ngoài lập tài khoản mạng xã hội với hồ sơ thu hút như ảnh đại diện với bề ngoài lịch lãm, đẹp trai, ưa nhìn; thường ghi địa chỉ cư trú tại các nước phương Tây như Anh, Pháp... hoặc Mỹ, thông qua mạng xã hội Facebook tìm, kết bạn với phụ nữ Việt Nam và lừa bịp là doanh nhân, xuất thân trong gia đình giàu có ở nước ngoài đang công tác tại các tổ chức của Liên hợp quốc.
Các đối tượng gây án không chỉ giỏi ăn nói, nắm bắt tâm lý của phụ nữ sống đơn thân mà còn am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Thông thường, sau một thời gian nói chuyện, các đối tượng sẽ ngỏ lời cầu hôn những người phụ nữ Việt Nam để sau khi cưới sẽ đưa sang Anh, Pháp, Mỹ... sinh sống.
“Kịch bản” chung của các đối tượng này là sau một thời gian làm quen, chúng vờ yêu đương bày tỏ tình cảm rồi hứa hẹn tặng quà có giá trị và chuyển số tiền lớn về Việt Nam để xây nhà, cưới nhau hoặc giả thông báo gửi số tiền lớn hàng triệu USD nhờ nhận hộ để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam.
Tiếp đó các đối tượng thông báo cho nạn nhân đã gửi tiền và quà tặng về, số tiền phí gửi đã thanh toán tại nơi gửi đi là một địa chỉ ở nước ngoài, chỉ còn chút ít phí đầu bên người nhận cần phải nộp. Ngay sau đó, có đối tượng thường là nữ gọi điện đến cho nạn nhân giới thiệu là nhân viên hải quan sân bay, thông báo tiền và quà từ nước ngoài gửi đã về, qua kiểm tra phát hiện thấy số tiền ngoại tệ lớn và quà tặng có giá trị thuộc loại hàng hóa cấm vận chuyển.
Để nhận, phải đóng phí số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, sau đó đối tượng cung cấp số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam cho nạn nhân nộp theo hướng dẫn. Khi nạn nhân chờ theo hẹn nhưng không thấy tiền, quà tặng chuyển về, nạn nhân hỏi qua điện thoại, được đối tượng viện dẫn nhiều lý do khách quan khác nhau và tiếp tục yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền. Cứ như vậy, cho đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính để theo nộp thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc với nạn nhân.
Thủ đoạn lừa đảo này xuất hiện từ nhiều năm qua, dù các phương tiện truyền thông đã có nhiều cảnh báo nhưng đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao vẫn liên tiếp nhận được đơn trình báo của các bị hại là những phụ nữ bị các đối tượng lừa đảo với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng thông qua việc gửi tiền để được lĩnh tiền, quà tặng của những “người bạn ngoại quốc” chưa hề gặp mặt.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo người dân, đặc biệt là những phụ nữ đơn thân, khi nhận được tin nhắn hay yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội từ người nước ngoài không quen biết, cần tỉnh táo nhận biết nguy cơ bị lừa đảo. Nếu có yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dân phải bình tĩnh không làm theo yêu cầu của đối tượng, thông báo cho cơ quan chức năng biết để phối hợp ngăn chặn. Với các cơ quan truyền thông, cần tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông để mọi người cảnh giác với thủ đoạn và biết cách phòng tránh hình thức lừa đảo kiểu này.
Theo Hải Nhu/ANTĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)