“Luật hóa” kiểm định khí thải xe máy: Bước đi cần thiết

Google News

Với đề xuất luật hóa kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy, theo chuyên gia, đây là bước tiến quan trọng để giảm thiểu tiêu cực cho giao thông và môi trường.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Đáng chú ý, tại Dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất xe mô tô, xe gắn máy phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.
Đánh giá về đề xuất đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của phương tiện cũ nát đối với giao thông và môi trường.
“Luat hoa” kiem dinh khi thai xe may: Buoc di can thiet
Khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường. 
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xóa bỏ lượng xe cũ nát; đồng thời rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe đang lưu hành. Muốn làm được như vậy, trước tiên phải “luật hóa” yêu cầu kiểm định khí thải đối với xe máy. Có căn cứ pháp lý là luật được ban hành chính thức, cơ quan chức năng mới có thể dần dần đưa công tác này vào triển khai thực tế.
Hơn nữa phải có luật làm căn cứ thực hiện thì các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT… mới xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với khí thải từ xe máy…
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải đồng tình với đề xuất bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ xe gắn máy vì trên thế giới đã thực hiện từ lâu và đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng ở Việt Nam nói chung và các thành phố lớn nói riêng cần phải làm theo điều kiện, thói quen của người dân đề làm sao có hiệu quả thiết thực nhất.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi đã có Luật Hà Nội thì sẽ kiểm soát khí thải xe máy và thu hồi, thải bỏ xe máy cũ một cách đồng bộ, tránh “đánh trống bỏ dùi”, “đầy chỗ này, hổng chỗ kia”.
“Xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, tất nhiên lượng khi thải của xe máy không ăn thua gì so với ô tô, nhưng do ở Việt Nam có lượng xe máy nhiều nên cũng có một phần gây ô nhiễm. Việc kiểm tra, đo đạc khí thải xe máy cũng phải được thực hiện kỹ càng, cẩn thận, bảo đảm lợi ích của người dân vì đây là phương tiện chủ yếu, là “cần câu cơm” của nhiều người, nhất là người nghèo
“Chúng ta cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói và đưa ra ví dụ: “Chiếc xe đã mua mấy chục năm, nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí".
ThS Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, cần phải thông qua việc kiểm soát khí thải xe máy sớm, bởi phía sau còn rất nhiều công đoạn cần thực hiện. Từ việc đưa ra quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các trạm kiểm định, nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, quy định mức xử phạt… đều rất mất thời gian.
Bước đi đầu tiên là đưa ra luật phải nhanh chóng, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh hoàn thiện toàn bộ quy trình kiểm soát khí thải xe máy.
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe gắn máy, chiếm trên 90% lượng phương tiện giao thông, đây là một trong những nguồn phát thải chính trên lĩnh vực giao thông nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ do thiếu các quy định cụ thể của pháp luật.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… lượng xe máy tập trung đông, có hàng triệu chiếc là xe cũ nát, vừa không bảo đảm an toàn khi lưu thông, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, việc kiểm định khí thải đối với xe máy đã được bàn đến từ lâu, nhưng vẫn chưa thể đi vào thực tế bởi vẫn còn đó không ít ý kiến trái chiều, khi không ít người lo ngại sẽ bị xử phạt hoặc tịch thu phương tiện khi phát hiện khí thải không đạt tiêu chuẩn, hoặc lo ngại tốn kém khi phát sinh thêm chi phí kiểm định hoặc sửa chữa, đặc biệt, đa phần phương tiện cũ nát còn sử dụng tập trung chủ yếu ở những người lao động khó khăn...
Được biết, theo lộ trình, sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ, sau đó báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ô tô mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5:
 

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)