Loạt câu chuyện bi hài nhất liên quan tới BOT năm 2017

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2017 có lẽ là một năm đáng nhớ nhất với trạm thu phí BOT khi xảy ra hàng loạt các cuộc phản đối dữ dội tới mức "cười bò".

Một trong những câu chuyện mà dư luận xã hội chắc hẳn sẽ nhớ tới nhất năm 2017 là BOT. Làn sóng phản đối trạm thu phí BOT "đặt sai chỗ" diễn ra rầm rộ suốt nhiều tháng đã kéo theo không ít câu chuyện bi hài "cười ra nước mắt". 
Mang lợn, cá tra “cúng” trạm BOT
Tuy chỉ vừa mới đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2017, thế nhưng gần như tức thì trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân, các tài xế vì cho rằng vị trí đặt trạm thu phí trên QL1 là không hợp lý, mức phí quá cao.
Để phản ứng trạm BOT Cai Lậy, cánh tài xế đã dùng nhiều cách thức, thậm chí chiêu trò khó tưởng tượng như đem lợn quay đến trạm này để cúng bái. Cụ thể, vào các chiều 13 và 14/8/2018, người dân vô cùng bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh các tài xế mang lợn quay vàng ruộm tới cúng trước trạm BOT. Chiêu này lặp lại vào chiều 1/12 khi BOT Cai Lậy mở lại thu phí sau hơn 3 tháng đóng cửa hoàn toàn.
 Cánh tài xế liên tục mang lợn quay ra khu vực BOT Cai Lậy để thắp nhang cúng bái.
Cảnh các tài xế mang heo quay đến trạm BOT Cai Lậy, thắp nhanh cúng bái không chỉ khiến dư luận tò mò mà còn khiến chủ đầu tư đau đầu với việc ùn tắc kéo dài dẫn tới xả trạm. 
Không biết có phải học theo BOT Cai Lậy hay không. Tuy nhiên, ngày 5/10, người dân cũng mang đồ đến trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (Trảng Bom, Đồng Nai) để thắp nhanh cúng bái. Tuy nhiên, thay vì dùng lợn quay, người dân nơi này đã mang một con...cá tra.
 Người dân mang cá tra "cúng" trước trạm BOT Biên Hòa để phản đối - Ảnh: Tuổi trẻ.
Việc mang lợn quay, heo quay ra cúng tại trạm BOT là một chuyện bi hài nhưng rõ ràng không nên tái diễn bởi theo phong tục truyền thống văn hóa, người ta chỉ cúng bái tổ tiên, thần linh…chứ không có “thần BOT” để cúng cả.
Tiền lẻ "lên ngôi" nhờ BOT
Không chỉ dùng chiêu trò "cúng bái, để phản đối thu phí BOT, hàng loạt tài xế đã dùng tiền lẻ…để trả phí qua trạm tại hàng loạt các trạm như BOT Bến Thủy 1 (Hà Tĩnh), BOT đường tránh Biên Hòa (Đồng Nai), BOT Ninh An (Khánh Hòa), BOT Cai Lậy (Tiền Giang)…khiến cảnh ùn tắc diễn ra liên miên. Có lẽ lâu lắm rồi người ta mới thấy giá trị "to lớn" của những đồng tiền lẻ tưởng chừng như chẳng mua được gì.
Vì "tiền nào cũng là tiền được phép lưu hành" nên các nhân viên ở trạm thu phí vẫn phải nhận. Việc trả tiền lẻ khiến thời gian lưu thông qua trạm thu phí lâu hơn dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng, nhất là tại các trạm BOT đặt trên các tuyến huyết mạch như QL1, QL5.
Chưa dừng lại ở đó, cánh tài xế còn đổi “phương pháp” khi nhà đầu tư cũng dùng tiền lẻ đối phó. Ví dụ như trả 24.500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng, tổng mệnh giá tiền là 25.100 đồng để mua vé 25.000 đồng qua trạm BOT Cai Lậy. Sau đó, yêu cầu nhân viên phải đưa đúng 100 đồng. Việc này làm khó các nhân viên trạm thu phí bởi không thể tìm được 100 đồng để trả lại cho các tài xế.
 Dùng tiền lẻ trả phí trạm BOT. Ảnh Tuổi trẻ.
Giám đốc NHNN tỉnh Tiền Giang – Nguyễn Thị Đậm cho biết, khi phát sinh vụ việc liên quan tới tiền 100 đồng như tại BOT Tiền Giang thì chi nhánh này đã xin lệnh để chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về.
Điều đó minh chứng dù trong suốt thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng tiền 100 đồng, nhưng đến lúc cần, tiền 100 đồng còn quý hơn cả những tờ 500.000, ít ra với trạm BOT Cai Lậy ở thời điểm vừa qua.
 Mấy ai ngờ, có lúc tờ tiền 100 đồng lại quý đến vậy. Ảnh Zing.
Không dừng lại ở việc dùng tiền lẻ, khi phản đối thu phí BOT, cánh tài xế còn có nhiều phương thức bi hài để áp dụng như dùng tiền 500.000 để trả phí, sau đó đợi nhân viên trả lại tiền thừa.
Khi nữ tài xế ra tay…BOT cũng phải xả trạm
Việc cánh nam tài xế tham gia phản đối thu phí BOT đã khiến các nhân viên trạm thu phí “méo mặt” bởi những quái chiêu, nhưng khi các nữ tài xế tham gi thì nhân viên BOT chỉ biết... “khóc ra tiếng Mán”.
Một minh chứng rõ ràng nhất, ngày 2/12, tại BOT Cai Lậy, một nữ tài xế lái chiếc ô tô 4 chỗ từ hướng miền Tây về TP.HCM dừng lại trả phí bằng tiền mệnh giá 500 đồng.
Nữ tài xế này đã mua vé bằng tiền 200 và 500 đồng, yêu cầu nhân viên phải kiểm đếm nhiều lần. Đồng thời, nữ tài xế liên tục làm rơi tiền, rồi lên xe lùi lại ngay vị trí mua vé và tiếp tục trả tiền mua vé… khiến thời gian chậm trễ. Phía nhân viên trạm BOT Cai Lậy đề nghị vào làn khác để thu tiền lẻ nhưng nữ tài xế kiên quyết mua vé tại cabin đang dừng đỗ xe.
 Nữ tài xế trả tiền lẻ ở trạm Cai Lậy. Ảnh Vietnamnet.
Việc trả tiền mua vé kéo dài hơn 15 phút khiến dòng xe phía sau ùn ứ và Trạm BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm lần thứ 7 để giải tỏa mật độ xe đông đúc đang chờ phía sau… Làn xe nữ tài xế trả tiền lẻ cũng mở barie và không thu phí của nữ tài xế.
 Nữ tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí lộ 5.
Trước đó, vào tối 27/8, một nữ tài xế tại Hưng Yên cũng đã dùng toàn tiền lẻ để trả mức phí 40.000 đồng cho xe ôtô 4 chỗ của mình khi qua trạm thu phí Quốc lộ 5 (Hưng Yên) để phản đối thu phí.
“Từ nhà tôi đến quán phở ưa thích chỉ cách vài km nhưng mỗi bát phở có 25.000 - 30.000 đồng nhưng mỗi lần thèm, đi ăn thì tiền trả qua trạm thu phí mất đến 80.000 đồng bằng cả mấy bát phở”, tài xế nữ đưa lý do.
Rồi thì còn nhiều nữa những chiêu trò "độc, dị" của cánh tài xế khiến chủ đầu tư BOT ngán ngấm. Ví dụ như việc nhiều tài xế vo tròn tiền 200, 500 đồng bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm...
Hay tài xế còn dừng xe tại trạm BOT rồi leo lên đầu xe để lau kính khi đợi nhân viên trả tiền, bắt bẻ nhân viên về vé trạm, cho xe án ngữ tại làn thu phí khiến các phương tiện phía sau ùn ứ, gây ách tắc giao thông buộc phải xả trạm. …
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)