Tại hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ngày 8/6, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định bày tỏ băn khoăn việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Khi các thiết bị điện tử thu phát âm thanh, hình ảnh ngày càng hiện đại, tinh vi, các cán bộ coi thi dù được tập huấn nhưng để phát hiện gian lận rất khó. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Công an đưa ra dự báo, hướng dẫn trước những tình huống có thể xảy ra, để các địa phương nắm rõ và chủ động ngăn chặn.
Nhiều địa phương lo ngại có thể xảy ra tình trạng thí sinh, cán bội coi thi giấu thiếu bị gian lận trong khẩu trang làm lọt đề thi. Đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố Đà Nẵng đề nghị các cơ quan chức năng có quy định thí sinh không được sử dụng loại khẩu trang có van thở. Lý do, nếu thí sinh sử dụng khẩu trang này sẽ dễ gắn thiết bị thu âm phát sóng, cán bộ coi thi cũng khó nhận diện và ngăn chặn hành vi gian lận.
Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin thêm liên quan đến công tác chống gian lận trong thi cử, gồm cả gian lận từ việc được đeo khẩu trang. Sở GD&ĐT đã tập huấn, lưu ý cho cán bộ coi thi trên địa bàn tỉnh vấn đề này. Dù vậy, lãnh đạo địa phương vẫn kiến nghị Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn chi tiết hơn về việc thí sinh có phải thay khẩu trang trước khi vào phòng thi hay không, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát như hiện nay.
|
Một số thiết bị sử dụng trong gian lận thi cử. (Ảnh minh họa: Công an Thành phố Hà Nội) |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng lo ngại tình trạng gian lận thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nhất là với địa phương đông thí sinh dự thi như TP.HCM, quy định càng khó khăn hơn. Ông mong Bộ GD&ĐT, Bộ Công an và các cơ quan nghiệp vụ phối hợp, xây dựng thêm nhiều biện pháp phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng gian lận thi cử.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tình trạng mua bán, sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn tồn tại ở các năm gần đây.
Ông Mạnh dẫn chứng, năm 2021, công an phát hiện vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng và thủ đoạn tinh vi. 23 người bị bắt dịp đó. Thí sinh sử dụng camera hình cúc áo để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện.
|
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an. |
Ông Mạnh cho rằng nên bỏ quy định thí sinh có thể mang các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi dù đó là thiết bị không thể nghe, truyền, nhận tín hiệu. Ông mong Bộ GD&ĐT quy định cụ thể việc để lọt, lộ đề, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật nhà nước, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, hiện các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25m. Đồ dùng, cặp sách của thí sinh để ngoài hành lang vẫn khả năng có thể thu phát tín hiệu trong phòng thi và nguy cơ làm lộ đề. Do đó, một trong những quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là các vật dụng của thí sinh không để ngay bên ngoài phòng thi như mọi năm mà phải cách phòng thi tối thiểu 25m.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần bố trí địa điểm phù hợp, chẳng hạn phòng thi không nên gần nhà dân bởi đối tượng gian lận có thể lắp thiết bị công nghệ cao ngay trong nhà thay vì tại điểm thi.