Gian lận thi cử: Sơn La, Hòa Bình “điểm mặt” lãnh đạo, Hà Giang vẫn “né“?

Google News

(Kiến Thức) - Đến nay, Hòa Bình, Sơn La đã điểm mặt những lãnh đạo, cán bộ có con được can thiệp, nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đang tiến hành các bước để xử lý. Tuy nhiên, tại Hà Giang, nơi lãnh đạo tỉnh phát ngôn mạnh mẽ “không có vùng cấm” thì lại đang tránh né.

Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng vụ bê bối gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vẫn rất nóng. Dù thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan công an đã tích cực vào cuộc điều tra làm rõ, nhiều cán bộ, thậm chí lãnh đạo Sở GD&ĐT tham gia đã bị khởi tố bắt giam, thậm chí truy tố.
Đến nay vụ gian lận điểm thi tại Sơn La đang được Tòa án thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử, vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình vẫn đang được cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ, vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang vừa quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số nội dung trong vụ án.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ nếu những phụ huynh có con được nâng điểm chưa được chỉ mặt chỉ tên, chưa được làm rõ trách nhiệm và hành vi đưa hối lộ thì việc xử lý gian lận thi cử tại các tỉnh thành trên vẫn chưa thể kết thúc, chưa thể khiến dư luận hết bận tâm.
Mới đây, một động thái được cho là tích cực tại Hòa Bình khi UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình vừa công bố công khai 5 lãnh đạo cấp sở, cán bộ tại tỉnh này có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPTQG năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình khi con cái họ được nâng điểm trong kỳ thi trên.
Gian lan thi cu: Son La, Hoa Binh “diem mat” lanh dao, Ha Giang van “ne“?
 Tổ công tác rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an.
Theo đó, chỉ thẳng mặt những phụ huynh có con được can thiệp điểm thi, nâng điểm trong Kỳ thi THPTQG năm 2018 gồm các ông Bùi Văn Thắng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải; Trần Văn Tiệp - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình; Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh và Phạm Hồng Hải - giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Tuy nhiên, cả 5 cựu lãnh đạo và lãnh đạo các sở, ngành trên đều khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm cho con. Tuy nhiên, con các cán bộ trên đã đã được sửa nâng điểm và sử dụng điểm này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, vi phạm điều 49 quy chế thi và điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành, nghĩa là các thí sinh trên đã vi phạm pháp luật. Đồng nghĩa việc các cán bộ lãnh đạo trên đã vi phạm khoản 8, điều 3, quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên nên phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng.
Dù thông tin trên chưa làm rõ được 5 cán bộ trên có tác động, can thiệp nâng điểm thi cho con hay không, có hành vi đưa hối lộ để con cái được nâng điểm hay không?
Tuy nhiên, việc chỉ thẳng tên được các cán bộ, lãnh đạo có con được nâng điểm của Hòa Bình cũng đáng được khích lệ trong xử lý sai phạm gian lận điểm thi.
Giống như Hòa Bình, trước đó, trong quá trình xử lý vụ án gian lận thi cử, cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã đề cập tới danh tính các lãnh đạo ở địa phương, những người đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại tỉnh này có con được nâng điểm thi như Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La, Phó Chánh thanh tra tỉnh, PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La, các Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, PCT UBND huyện Quỳnh Nhai, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La…
Đồng thời với việc điểm mặt các cán bộ có con được can thiệp điểm thi, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng có công văn gửi các ban ngành yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số 889 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, kiểm điểm cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Cụ thể, chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã làm những việc phải làm để xử lý những cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPTQG năm 2018 khi con họ được can thiệp điểm thi thì tại tỉnh Hà Giang, việc công khai và xử lý các phụ huynh liên quan là cán bộ, công chức vẫn chưa được công bố.
Thắng thắn nhìn nhận, ngoài những cán bộ trực tiếp can thiệp điểm thi và đã bị khởi tố, bắt giam, truy tố, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang tại Kỳ họp thứ 26, khóa XVI cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức "Cảnh cáo" đối với ông Trần Đức Quý - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang và ông Vũ Văn Sử - nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang do liên quan đến vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại hội đồng thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang năm 2018.
Tuy nhiên việc chưa công khai danh sách các phụ huynh có con được nâng điểm dù mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – Nguyễn Văn Sơn đã mạnh mẽ phát ngôn: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018” với tinh thần “không có vùng cấm”,khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn và không hài lòng với cách xử lý vụ gian lận thi cử như trên.
Nếu tìm kiểm trong bản kết luận điều tra và cáo trạng vụ án dài mấy chục trang thì chỉ có duy nhất một phụ huynh có con được can thiệp điểm thi bị nêu tên là ông Phạm Văn Khuông - Nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang.
Trường hợp thứ hai, không phải do cơ quan chức năng tỉnh này công bố mà do báo chí tìm hiểu nhắc đến là ông Triệu Tài Vinh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Đáng chú ý, hai cái tên trên là vô cùng ít ỏi khi Hà Giang có đến 210 vị phụ huynh có con trong danh sách được sửa nâng điểm năm 2018.
Sự “chậm tiến độ” trong công khai danh sách những phụ huynh có con được can thiệp điểm thi và các trường hợp phụ huynh là cán bộ đảng viên có con được nâng điểm tại Hà Giang khiến dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao những cán bộ liên quan đến vụ án gian lận điểm thi đều đã bị khởi tố, truy tố nhưng những phụ huynh có con được nâng điểm thi dường như lại bị “giấu nhẹm”. Những phụ huynh này có quyền lực gì mà ghê gớm đến vậy?
Bởi lẽ ra, trường hợp ông Triệu Tài Vinh khi đó còn là Bí thư Tỉnh Hà Giang đã bị báo chí bêu tên về việc có con được nâng điểm.
Dù sau đó, khi trả lời báo chí, bản thân ông Vinh khẳng định ông không biết gì về việc con mình được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Nó nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao”.
Ông Triệu Tài Vinh khi đó cũng cho rằng dư luận cần công tâm với học sinh có năng lực thực sự để các em chuẩn bị tâm thế bước vào giảng đường đại học. "Con gái tôi nói riêng và những học sinh khác của tỉnh nếu điểm thi cao đúng với học lực thì cần động viên, biểu dương. Trường hợp điểm thi không đúng, tôi không dung túng để em nào đó học kém nhưng lại đỗ vào đại học tốt", ông nói.
Như vậy, không khó để lý giải việc chậm trễ công bố danh tính các phụ huynh có con được can thiệp, nâng điểm bởi ngay chính nguyên Bí thư tỉnh này ông Triệu Tài Vinh cũng được báo chí đặt nghi vấn có con được nâng điểm.
Đáng chú ý, theo nội dung cáo trạng, bị can Vũ Trọng Lương đã nâng điểm cho 309 bài thi các môn của 107 thí sinh. Tuy nhiên, cả hai ông Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (nguyên Trưởng và Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Hà Giang) đều khẳng định chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân. Trong khi đó, cáo trạng lại không chỉ ra được những phụ huynh nào đã tác động nhờ nâng điểm. Các phụ huynh đều một mực khẳng định không đưa tiền để can thiệp điểm thi cho con.
Tuy nhiên, lời khai của hai cán bộ nhúng chàm trên không thỏa mãn được dư luận bởi khó ai có lòng tốt tự dưng can thiệp nâng điểm cho những 309 bài thi của 107 thi sinh mà chỉ vì quen biết, bạn bè và người thân để rồi phải vướng vòng lao lý mà không vì lợi ích vật chất thì thật khó tin.
Ai cũng biết rằng “không có lửa thì làm sao có khói”, không có sự tác động của phụ huynh thì động lực nào để các cán bộ làm sai trái đến mức phải bị truy tố như thế. Việc xử lý cán bộ sai phạm trong kỳ thi sẽ không thể triệt để, thượng tôn pháp luật nếu không xử lý những phụ huynh có con được can thiệp, nâng điểm thi. Tuy nhiên, đến việc công khai các phụ huynh ở Hà Giang còn khó như vậy thì bao giờ mới đến hồi xử lý.
>>> Xem thêm video: Sơn La khởi tố các đối tượng gian lận thi cử

Nguồn VTC


Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)